Hà Tĩnh: Mô hình nuôi cá chình hoa mang lại hiệu quả kinh tế cao
Hà Tĩnh: Chàng bí thư chi đoàn thôn làm giàu từ mô hình trồng cam kết hợp chăn nuôi / Thái Bình: Làm giàu từ trồng vải u trứng
Diện tích 2 ao nuôi khoảng 700m2với 700 con giống cá chình hoa thương phẩm
Bà Lê Thị Xuân (tổ dân phố Tân Long, phường Kỳ Long, TX Kỳ Anh) cho hay: Biết Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng vật nuôi (ƯDKHKT&BVCTVN) thị xã Kỳ Anh đang triển khai dự án nuôi cá chình hoa trong ao đất và qua tìm hiểu cho thấy, nuôi loại cá này cho thu nhập cao, phù hợp với môi trường nuôi ở khu vực mình đang sống nên tôi mạnh dạn đề xuất xin tham gia thử nghiệm dự án.
Giống cá này rất khó kiếm và giá thành cũng khá cao từ hơn 140.000 đồng/con, nên cùng với sự hỗ trợ của Trung tâm ƯDKHKT&BVCTVN thị xã Kỳ Anh, gia đình bỏ chi phí đầu tư khoảng hơn 100 triệu đồng cho việc làm 2 ao nuôi có tổng diện tích gần 700 m2, thả 700 con giống. Sau gần 9 tháng nuôi, cá đã bắt đầu có thể tỉa bán với giá từ 550 - 600.000/kg.
Kỹ sư nuôi trồng thủy sản Nguyễn Thị Hải Yến (bên trái) đang hướng dẫn bà Xuân cách chọn tỉa bán các con cá có trọng lượng vượt đàn.
Kỹ sư nuôi trồng thủy sản Nguyễn Thị Hải Yến - Trung tâm ƯDKHKT&BVCTVN thị xã Kỳ Anh cho biết: “Đây là mô hình nuôi cá chình đầu tiên của TX Kỳ Anh, nằm trong Dự án “Hỗ trợ nuôi cá chình hoa trong ao đất vùng núi tại hộ gia đình”. Trung tâm hỗ trợ 60% tiền con giống, 40% chi phí thức ăn và kỹ thuật nuôi cho bà con. Cá chình hoa là loài có thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng là loài đặc sản quý hiếm có giá trị kinh tế cao và được ví như “nhân sâm dưới nước”.
"Cá chình trên thị trường hiện được cung cấp từ nguồn khai thác tự nhiên nên cũng rất hiếm, vì vây, thị trường đối với loại cá này rất rộng mở. Riêng loại cá này, việc chăm sóc cũng không quá khó nên nếu bà con đảm bảo đúng hướng dẫn kỹ thuật sẽ thu lại nguồn lợi kinh tế cao gấp nhiều lần so với việc nuôi, trồng các loại cây con khác ”, kỹ sư Yến cho biết thêm.
Thời điểm cho cá ăn thường vào lúc chập tối vào một khung giờ cố định(Trong ảnh: Bà Xuân cùng con trai đang cho thức ăn vào ô lưới để cá chình vào ăn).
Cũng theo chị Yến, khác với nhiều nơi phải sử dụng thêm công nghệ khá tốn kém để giữ môi trường sống tương thích cho cá chình thì mô hình nuôi áp dụng tại khu vực ven núi TX Kỳ Anh lại có nguồn nước sạch từ khe suối chảy hằng ngày thuận tiện cho việc cấp nước, thay nước, dễ kiểm soát được môi trường và dịch bệnh, kiểm soát tối đa thức ăn.
Mô hình nuôi áp dụng tại khu vực ven núi TX Kỳ Anh có ưu điểm vượt trội vì phù hợp với đặc điểm sinh học của loài, có nguồn nước sạch từ khe suối chảy hằng ngày thuận tiện cho việc cấp nước, thay nước dễ dàng
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi loại cá này sau 9 tháng, bà Xuân cho hay: “Cá chình có đặc tính thích bóng tối, sợ ánh sáng nên nó sẽ ăn vào thời gian cố định lúc chập tối. Trong ao nuôi, độ pH phải luôn đạt từ 7 - 8,5; từ tháng thứ 2 trở đi phải thay nước từ 2 - 3 lần/ tuần, mỗi lần thay từ 20 - 30% lượng nước; 1 tháng/lần tách con lớn, con nhỏ nuôi riêng để cá đồng đều và chóng lớn…”.
Sau gần 9 tháng nuôi, hiện một số con trọng vượt đàn có thể tỉa bán với giá từ 550 - 600.000 đồng/kg
Cũng theo bà Xuân, trong tháng đầu thì thức ăn chính của cá là bột công nghiệp, khoảng hơn một tháng sau có thể cho ăn cá tạp, tôm tép được cắt nhỏ, phù hợp với trọng lượng của cá. Sau gần 9 tháng nuôi, đàn cá chình của gia đình có trọng lượng trung bình 6,3 lạng/con, một số có trọng lượng vượt đàn đã có thể tỉa bán.
“Nghe thông tin chúng tôi sắp tỉa bán, đã có nhiều nơi gọi điện thoại tới đặt hàng mua trọn gói. Với mức giá bán từ 550 - 600.000 đồng/kg, tin chắc rằng vụ nuôi này phải cho lợi nhuận hơn 500 triệu đồng”, bà Xuân chia sẻ.
Cá chình hoa từ mô hình của bà Lê Thị Xuân được chọn làm sản phẩm trưng bày tại gian hàng nông sản tiêu biểu chào mừng Đại hội Đảng bộ TX Kỳ Anh lần thứ II.
Nói về tiềm năng, lợi thế phát triển mô hình nuôi cá chình tại TX Kỳ Anh, ông Phạm Văn Hòa - Giám đốc Trung tâm ƯDKHKT&BVCTVN thị xã Kỳ Anh khẳng định: “Sau thời gian triển khai nhận thấy, đây là mô hình nuôi rất phù hợp với địa bàn TX Kỳ Anh. Việc triển khai mô hình thành công sẽ giúp người dân, đặc biệt là các hộ sống khu vực ven núi có cơ hội chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp, phát triển triển sinh kế một cách bền vững. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng bà con có ý muốn nuôi cá chình thương phẩm, tạo tiền đề nhân rộng mô hình trên toàn địa bàn thị xã”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo