Thị trường

Hải Dương: Làm giàu từ nuôi cá trắm đen

Nhờ kiên trì và chịu khó học hỏi, ông Nguyễn Duy Lựu ở thôn Đà Phố, xã Hồng Phúc (Ninh Giang) đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ nuôi cá trắm đen.

Hà Giang: Nuôi gà sạch thu nhập cao / Bắc Kạn: Mô hình nuôi dúi, ốc nhồi cho thu nhập cao

Dẫn chúng tôi tham quan khu nuôi cá rộng gần 8.000 m2 của mình, ông Lựu cho biết bắt đầu nuôi cá trắm đen từ năm 2003 đến nay. Khu vực thả cá trước đây vốn bị nhiễm chua nên ông phải mất một thời gian dài để cải tạo môi trường. Ngoài kè lại toàn bộ bờ ao, ông còn xây hệ thống thoát nước xung quanh để có nước ra vào thường xuyên.

Không giống các hộ nuôi cá khác chỉ thả cá nhỏ, ông Lựu thả cá giống ban đầu là loại trắm đen đã đạt khoảng 3kg/con để cá khỏe, không bị hao hụt trong quá trình chăm sóc. Mỗi năm ông thả từ 800-1.000 con cá trắm đen với tổng vốn khoảng 200 triệu đồng. Mùa hè, thức ăn của cá trắm đen chủ yếu là con don, ốc vặn nên ông thường đặt mua số lượng lớn ở Thái Bình, Ninh Bình.

Bên cạnh đó, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương là ốc bươu vàng nên mỗi ngày ông mua khoảng 300-400 kg ốc rồi luộc, khêu lấy ruột cho cá ăn. Những tháng cuối năm trời lạnh, ông Lựu tự chế biến cám cho cá ăn từ ngô, đỗ tương, cám gạo, bảo đảm đủ dinh dưỡng cho cá phát triển.

Mỗi năm, gia đình ông Nguyễn Duy Lựu thu lãi từ 200-300 triệu đồng

Mỗi năm, gia đình ông Nguyễn Duy Lựu thu lãi từ 200-300 triệu đồng

Cũng theo ông Lựu, cá trắm đen ít khi bị bệnh nhưng do nhu cầu ô xi cao hơn các loại cá nước ngọt khác và mật độ lớn trên một đơn vị diện tích nên hằng tuần ông đều bơm thêm nước mới, đầu tư máy sục khí ô xi giúp cá phát triển khỏe mạnh. Định kỳ từ 10-15 ngày, ông sử dụng chế phẩm sinh học và vôi bột khử trùng nguồn nước.

Thời điểm tháng 5, tháng 6, cá hay bị tuột vẩy, thối mang lúc thời tiết chuyển mùa nên ông Lựu cho ăn thêm thuốc thảo mộc để phòng bệnh. “Nhược điểm của ao nuôi cá trắm đen là hằng ngày mặt ao đều tạo ra nhiều tảo làm giảm lượng ô xi trong nước. Để khắc phục triệt để tình trạng này, tôi làm sạch tảo bằng cách tháo các cống ở bốn góc ao vào 11 giờ và 17 giờ hằng ngày”, ông Lựu cho biết.

Do được chăm sóc cẩn thận, đúng kỹ thuật nên đàn cá của gia đình ông lớn nhanh, ít bị dịch bệnh, sau một năm nuôi đạt khối lượng từ 7-10 kg/con, thậm chí có con từ 12-15 kg. Cá trắm đen có giá trị dinh dưỡng cao, thịt chắc, ngọt... nên tiêu thụ khá thuận lợi.

Vào mùa thu hoạch, nhiều nhà hàng, khách sạn, thương lái ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh về tận nơi thu mua. Với giá bán từ 110.000-132.000 đồng/kg, mỗi năm ông tiêu thụ khoảng 7-8 tấn cá, thu về gần 1 tỷ đồng, lãi từ 200-300 triệu đồng, cao hơn từ 3-4 lần so với nuôi cá truyền thống.

Tại khu vực ao nuôi, ông Lựu còn đào thêm một ao nhỏ rộng khoảng 700 m2 chuyên nuôi cá giống vừa để bán, vừa cung cấp cho ao nuôi cá trắm đen của gia đình. Ngoài ra, mỗi ngày gia đình ông còn thu từ 500.000-1 triệu đồng từ bán tôm, tép dưới ao. Dịp cuối năm, ông mở thêm dịch vụ câu cá.

 

Nhờ biết tính toán làm ăn, gia đình ông Lựu đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, xây dựng được hai cơ ngơi khang trang, nuôi các con học đại học. Trong tương lai, ông Lựu có ý định đầu tư nuôi cá trắm đen theo mô hình VietGAP.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm