Thị trường

Hai năm thực thi EVFTA: "Lộ diện" nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh

DNVN - Theo bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong hai năm thực thi Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, có mặt hàng tăng tới hơn 700%...

Giới thiệu chương trình “Châu Âu đầy hương vị - truyền thống và chất lượng" / 10 tháng, Đà Nẵng đón hơn 3 triệu lượt khách đến bằng đường hàng không

Những kết quả tích cực
Tại hội thảo "Đánh giá hai năm thực thi Hiệp định EVFTA tại Việt Nam" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 10/11 tại Hà Nội, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, tới nay đã hơn hai năm. Cũng trong hai năm này, dịch bệnh COVID-19, các cuộc khủng hoảng logistics, chuỗi cung ứng, biến động địa chính trị… diễn ra phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc thực thi EVFTA.
Các số liệu thống kê vĩ mô cho thấy EVFTA đã góp một phần quan trọng làm giảm nhẹ các tác động bất lợi, và giúp quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU phát triển khả quan.
Trong đó, FDI của EU vào Việt Nam năm 2020 đạt gần 1.376 triệu USD vốn đăng ký, giảm 8,6% so với 2019, đứng thứ 8 và chiếm 4,8% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Năm 2021, tình hình có cải thiện hơn, với tổng vốn hơn 1.405 triệu USD, tăng 2,2%, giúp EU vươn lên đứng thứ 5 nhưng tỷ trọng trong tổng FDI giảm nhẹ, chiếm 4,5%.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI.
Từ góc nhìn thương mại, bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ, EU là thị trường lớn và truyền thống của Việt Nam. Trước khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam đã có nhiều mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang EU. Việt Nam và EU có tính bổ sung cao về cơ cấu mặt hàng và gần như không có tính cạnh tranh. Cùng với đó là cam kết cắt giảm thuế quan sâu.
Sau 2 năm thực thi EVFTA (từ 1/8/2020 - 31/7/2022), thương mại song phương Việt Nam - EU đạt nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) với EU tăng trưởng bình quân 12%/năm. Trong đó, kim ngạch XNK với EU năm 1 năm trước khi hiệp định có hiệu lực đạt 48,9 tỷ USD. Năm đầu thực thi hiệp định con số này tăng lên 54,7 tỷ USD và năm thứ hai tăng lên 61,4 tỷ USD.
Tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU giai đoạn 8/2020-7/2022 đạt 83,4 tỷ USD, tức trung bình 41,7 tỷ USD/năm, cao hơn 24% kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016-2019. Tỷ lệ hàng xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan EVFTA năm 2020 đạt 14,8%, tăng lên 20,2% năm 2021 và 24,5% trong 6 tháng đầu năm 2022.
Đáng lưu ý, sau 2 năm thực thi EVFTA, nhiều mặt hàng xuất khẩu sang EU ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng Trong đó, sắt thép tăng 739%; máy ảnh, máy quay phim, linh kiện tăng 260%; máy móc, thiết bị tăng 82,3%...

Bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).
Một số mặt hàng mới cũng có tăng trưởng cao sang thị trường EU trong giai đoạn này như nhóm gạo, sản phẩm mây tre, cói thảm (tăng trên 50%); các sản phẩm gốm, sứ (tăng trên 25%); nhóm rau quả, dây điện và dây cáp điện (tăng trên 15%)...
EVFTA đã tạo tác động lan tỏa tới nhiều khu vực dân cư khi các sản phẩm tận dụng tốt nhất các ưu đãi thuế quan EVFTA được ghi nhận là gạo (100%), giày dép (74-98%), thủy sản (70-76%), nhựa và các sản phẩm nhựa (53-70%)...
Sau 2 năm thực thi EVFTA, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 18,6% so với cùng kỳ. Trong khi đó, với CPTPP chỉ ghi nhận mức tăng trưởng 13% so với cùng kỳ.
"Có thể khẳng định việc EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020 đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường đối tác. Có được kết quả trên không thể không nhắc đến công lao của Chính phủ trong việc đàm phán cam kết mở cửa thị trường sâu, rộng. Cả quá trình đàm phán và đi đến ký kết là quá trình dài, nhưng sau khi hiệp định được ký kết, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã sớm hoàn tất các thủ tục để hiệp định được thực thi tốt nhất. Thêm vào đó là hoạt động tuyên truyền phổ biến ngay từ những ngày đầu ký kết cũng như sự chủ động của DN", bà Cẩm Trang nhận định.
Còn nhiều thách thức
Mặc dù vậy, theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam đi EU năm 2021 chỉ đạt 14,1%, thấp hơn mức tăng trưởng trung bình của xuất khẩu Việt Nam đi các thị trường có FTA khác (18,2%) và từ Việt Nam đi toàn thế giới (19%). Mức này cũng thấp hơn so với tăng trưởng nhập khẩu của EU từ tất cả các nước trên thế giới trong năm 2021 (23%).
Việt Nam còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, điểm nghẽn liên quan đến đứt gãy chuỗi cung ứng; các rào cản kỹ thuật; đòi hỏi đáp ứng tiêu chuẩn về lao động, môi trường; cũng như đáp ứng các quy tắc xuất xứ để được hưởng cam kết ưu đãi theo hiệp định.
Ngoài ra, EU là thị trường tiêu dùng rất quan tâm đến thương hiệu và yêu cầu nguồn lao động tay nghề cao.
Theo đó, Chính phủ, các bộ, ngành cần tăng cường hiệu quả công tác thực thi hiệp định. Xây dựng, sửa đổi những văn bản pháp luật liên quan. Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu đáp ứng quy tắc xuất xứ cần tiết giảm chi phí ngoài sản xuất, nhất là các chi phí logistics.
Với các DN, bà Cẩm Trang khuyến nghị xây dựng kế hoạch phát triển thị trường của DN cho từng sản phẩm vào thị trường EU. Tăng cường cập nhật thông tin thị trường, chính sách, các tài liệu Bộ Công Thương cung cấp. Xúc tiến thương mại, định vị thương hiệu, đa dạng hóa kênh thâm nhập vào thị trường EU cũng là điều các doanh nghiệp cần lưu tâm.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm