Hàng giả, hàng nhái thử thách độ sành sỏi của người tiêu dùng
DNVN - Hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Những mặt hàng này có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ các cửa hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa đến hè phố các đô thị, đặt ra thử thách độ sành sỏi của khách hàng.
Hội chợ OCOP Tây Nguyên: Tôn vinh thành tựu nông nghiệp của các địa phương / Lâm Đồng: triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với liên kết theo chuỗi giá trị
Thông tin này đã được đưa ra tại Diễn đàn "Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam - Thách thức và giải pháp" do Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức sáng 26/11 tại Hà Nội.
Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi
Ông Hoàng Ánh Dương - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, chỉ tính riêng lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) trung bình mỗi năm xử lý hàng chục ngàn vụ vi phạm hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), hàng kém chất lượng, góp phần hạn chế đáng kể vấn nạn này.
Những kết quả đạt được thể hiện nỗ lực của Ban chỉ đạo 389 quốc gia và các lực lượng thực thi, trong đó có lực lượng QLTT cũng như sự tham gia tích cực của doanh nghiệp (DN), hiệp hội, cơ quan truyền thông và người tiêu dùng (NTD).
"Tuy nhiên, đánh giá một cách toàn diện thì trên thị trường hiện nay vẫn còn những tồn tại về hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT do những nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến kết quả chưa đáp ứng được mục tiêu và yêu cầu đề ra. Các cơ quan thực thi, DN cũng như NTD vẫn phải đối mặt với những thách thức từ những vấn nạn này.", ông Hoàng Ánh Dương nêu.
Theo ông Hoàng Ánh Dương, rong bối cảnh kinh tế đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, thương mại điện tử (TMĐT) bùng nổ và các giao dịch thương mại phi truyền thống ngày càng phát triển. Điều này mang lại nhiều cơ hội và động lực, đồng thời là những thách thức cho Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, tốc độ tăng trưởng, đặc biệt là cải thiện nội lực, phát triển bền vững của các DN cũng như cải thiện nâng cao thể chế thực thi, bảo vệ quyền sở SHTT, chống hàng giả và gian lận thương mại.
Nhấn mạnh thực trạng hàng giả, hàng nhái, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT, Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) cho biết, tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền SHTT là vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội, tác động tiêu cực đến đời sống người dân; sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và môi trường đầu tư, du lịch. Nạn hàng giả, xâm phạm quyền SHTT vẫn diễn biến phức tạp và xuất hiện những xu hướng mới, tinh vi hơn, chuyên nghiệp hơn và mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn.
Ông Hoàng Ánh Dương - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT phát biểu tại diễn đàn.
Trong 1 năm vừa qua, Tổng Cục QLTT đã kiểm tra 141.000 vụ; phát hiện. xử lý 82.300 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách Nhà nước 430 tỷ đồng. Trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỷ đồng, chuyển hồ sơ 107 vụ cho cơ quan công an, trong đó 26 vụ việc đã được khởi tố, 29 vụ việc không khởi tố và 54 vụ đang điều tra xử lý. Riêng hàng giả, xâm phạm quyền SHTT 10 tháng năm 2019 kiểm tra, xử lý 6.597 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách trên 19 tỷ đồng.
Thượng tá Đỗ Đức Tạo - Phó Trưởng phòng 11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) cho biết: Tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả và tội phạm xâm phạm SHTT luôn song hành với nhau với phương thức, thủ đoạn hoạt động tương đối giống nhau và ngày càng tinh vi, triệt để lợi dụng cơ chế, chính sách, thành tựu khoa học kỹ thuật để thực hiện hành vi vi phạm.
Ngoài ra, trước sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet đã tạo môi trường thuận lợi cho bùng phát các hoạt động kinh doanh trên các trang mạng điện tử, người tiêu dùng chỉ cần có nhu cầu là được giao tận tay, nhưng nguồn gốc xuất xứ và chất lượng thì rất khó kiểm soát.
Liên quan đến thương mại điện tử, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng Phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực này gồm Quảng cáo, khuyến mại; Hàng giả, hàng cấm và hàng hóa xâm phạm quyền SHTT; Cạnh tranh không lành mạnh; Lừa đảo, gian lận; Không đăng ký, thông báo hoặc giả mạo thông tin đăng ký, thông báo; Biện pháp kiểm soát người bán và hàng hóa bày bán trên các website cung cấp dịch vụ TMĐT; Cung cấp thông tin; Giao kết hợp đồng sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến.
3 nhóm hàng hóa bị làm giả nhiều, theo ông Tuấn, đó là quần áo, giầy dép, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; Đồ công nghệ, điện tử; và đồ gia dụng.
Ông Tuấn nhận định rằng, vấn đề nhức nhối nhất mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay là các hành vi vi phạm ngày càng trở nên tinh vi hơn, thách thức độ sành sỏi của người tiêu dùng như đồ chơi cắm cờ in bản đồ đường lưỡi bò hay trên quả địa cầu lơ lửng có bản đồ đường lưỡi bò. Các sản phẩm đưa lên mạng do góc chụp không thể hiện được vấn đề đó, nhưng khi người mua nhận được sản phẩm rồi mới phản ánh thì cơ quan chức năng mới biết. Sau đó, cơ quan chức năng phối hợp với các sàn TMĐT để xử lý.
"Hay như việc các đối tượng lợi dụng bán bánh quy với giá 500.000 đồng, nhưng thực chất là bánh quy có nhân cần sa. Các đối tượng trao đổi với nhau trên các nhóm diễn đàn kín sau đó lên mạng đăng thông tin bán bánh quy", ông Tuấn nêu.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), việc bảo vệ NTD trước vấn nạn trên là trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan quản lý từ TW đến địa phương, của DN và cả NTD.
NTD có 3 quyền cơ bản, đó là quyền được đảm bảo an toàn; quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ; quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong khi đó, trách nhiệm của DN được quy định rõ là: Cấm kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; Cấm lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác; Bồi thường thiệt hại
Đề cập tới giải pháp giải quyết vấn nạn, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng tăng cường cơ chế phối hợp giữa các đơn vị, đó là cầu nối giữa NTD với lực lượng chức năng, đồng thời có thông tin phản hồi lại cho NTD bằng hình thức trực tiếp hoặc thông tin chung mang tính chất báo chí hoặc cộng đồng; Nâng cao chế tài xử lý vi phạm; Nâng cao trách nhiệm và sự chủ động tham gia của doanh nghiệp; Nâng cao nhận thức và tuyên truyền thực hiện nghĩa vụ của người tiêu dùng.
Trên góc độ doanh nghiệp, ông Trần Trọng Hữu –Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kinh doanh khí miền Bắc kiến nghị cần tăng cường công tác truyền thông để ngăn chặn các hành vi vi phạm, công tác tuyên truyền về sử dụng gas an toàn cho người tiêu dùng và về văn hóa kinh doanh của các thương nhân kinh doanh khí không thể chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà quên sự an toàn của người tiêu dùng, an ninh trật tự của xã hội; Các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp kinh doanh khí, Hiệp hội Gas Việt Nam để xử lý các vi phạm trên thị trường kinh doanh gas.
Ngoài ra, ông Hữu đề nghị trong nghị định quy định rõ về tài sản và sở hữu bình gas của các thương nhân, những hành vi vi phạm như thu gom, tàng trữ trái phép bình gas của các thương nhân khác thì bị tịch thu trả cho chủ sở hữu cộng thêm xử lý vi phạm hành chính hoặc hình sự tùy theo mức độ vi phạm; Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm, đúng quy định của pháp luật về các hành vi vi phạm trong kinh doanh Khí...
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp trong cuộc chiến chống lại hàng giả tại Việt Nam cho ngành hàng mỹ phẩm, bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh – Giám đốc đối ngoại và truyền thông L'Oréal Việt Nam cho biết: Thị trường mỹ phẩm của LOreal tại Việt Nam gần như đang được thống trị bởi hàng xách tay và hàng giả đến hơn 60% (số liệu được dựa trên kênh phân phối trên cả 2 kênh online và offline). Việc quảng cáo cho hàng giả thậm chí xuất hiện công khai trên các trang báo mạng tin cậy, gây nhầm lẩn và thiệt hại đáng kể cho người tiêu dùng. Nguồn mỹ phẩm nhập lậu hay còn gọi tên là xách tay và hàng giả nắm giữ thị trường đã và đang gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực như gây ra môi trường kinh doanh cạnh tranh không lành mạnh, người tiêu dùng đang bị lừa dối và chính phủ thất thu nguồn thuế lớn.
Theo đó, bà Trinh đưa ra 2 kiến nghị: Một là xử lý hiệu quả nguồn hàng xách tay và hàng nhập lậu. Hai là việc nhập mỹ phẩm từ cá nhân cũng phải tuân thủ pháp luật. Tại các kho hàng cạnh sân bay cũng có thể nhìn thấy việc nhận hàng mỹ phẩm nhộn nhịp, không phải thông qua bất kỳ thủ tục nhập khẩu mỹ phẩm như các doanh nghiệp chính hãng đang phải trải qua. Hàng mỹ phẩm thông qua đường hàng không hiện tại chính là nguồn hàng nhập lậu phổ biến và cần phải có biện pháp thực hiện quyết liệt và triệt để của Cục chống buôn lậu.
Bà Trinh cũng bày tỏ mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ từ các Bộ và Cục liên quan để tình trạng hàng mỹ phẩm giả sẽ được nhanh chóng đẩy lùi một cách hiệu quả và bền vững.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo