Hàng hoá Tết 2019: “Không thiếu hàng, không tăng giá đột biến”
Bộ Công Thương yêu cầu bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết, nhất là các mặt hàng thiết yếu, giữ ổn định thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
IMF lạc quan về triển vọng kinh tế và thị trường việc làm của Hy Lạp / Gần 90% vé máy bay Tết đã được bán
Theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước, trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi sắp tới, với các yếu tố tích cực từ nền kinh tế cả nước đang khởi sắc, cùng với thu nhập từ lương, thưởng Tết tăng, có thể nhận định sức mua trên thị trường sẽ tăng khá. Ddự kiến sức mua sẽ tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước, tăng khoảng 15-20% so với các tháng thường trong năm.
Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết, nhất là các mặt hàng thiết yếu, giữ ổn định thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 08/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2018 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Hàng Tết năm nay sẽ không thiếu, tăng giá.
Theo đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo sở công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị liên quan lên kế hoạch cụ thể và triển khai các hoạt động chuẩn bị hàng hóa, các chương trình phục vụ Tết, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ với giá bình ổn nhằm bảo đảm phục vụ nhân dân đón Tết vui vẻ, an toàn, tiết kiệm.
"Các địa phương trên cả nước đã và đang tích cực triển khai kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cuối năm và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, trong đó có nhiều địa phương triển khai Chương trình bình ổn thị trường. Tiếp tục kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay, hầu hết các địa phương thực hiện Chương trình bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, giảm thiểu sử dụng vốn ngân sách. Một số địa phương đã vận dụng linh hoạt nguồn vốn vay ưu đãi thực hiện chương trình Bình ổn thị trường không chỉ với hàng tiêu dùng trong dịp Tết mà còn với các hàng hóa vật tư nông nghiệp, thời gian cho vay tương đối dài để nâng cao hiệu quả bình ổn thị trường", Vụ Thị trường trong nước cho hay.
Theo báo cáo của các địa phương, tổng giá trị lượng hàng dự trữ phục vụ Tết của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 20-25% so với các tháng thường trong năm; lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn tăng khoảng 10% so với năm trước.
Các mặt hàng dự trữ tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu... Năm nay, các doanh nghiệp tiếp tục chú trọng cải thiện mẫu mã, chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm hàng hóa phục vụ Tết.
Hàng Việt Nam, nhất là bánh mứt kẹo, thực phẩm chế biến ngày càng chiếm tỉ trọng cao trong hàng hóa phục vụ Tết và chiếm 100% trong danh mục hàng bình ổn thị trường của các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn tại các địa phương.
"Hàng hóa phục vụ Tết sẽ đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của người dân Việt Nam, thị trường hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán sẽ không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường. Người dân ở mọi miền tổ quốc sẽ có đủ hàng hóa, nhu yếu phẩm để đón Tết Nguyên đán bảo đảm vui tươi, an toàn, tiết kiệm", Vụ thị trường trong nước khẳng định.
Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt mức 7,08% (mức cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây) là một kết quả quan trọng cho thấy thu nhập của người dân tăng, sức mua tăng, tạo động lực hỗ trợ cho thị trường hàng hóa phát triển.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2018 đạt 4.395.705 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó bán lẻ hàng hóa 12,41% (cao hơn mức tăng chung và hơn mức tăng nhóm bán lẻ hàng hóa của 5 năm gần đây).
Trong năm 2018, thị trường hàng hóa trong nước mặc dù chịu ảnh hưởng của giá hàng hóa thế giới có biến động tăng và nguồn cung một số mặt hàng thực phẩm giảm gây tăng giá, tuy nhiên với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong việc điều tiết thị trường, điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý một cách linh hoạt, hiệu quả.
Lạm phát được kiểm soát tốt, niềm tin của người tiêu dùng vào sự ổn định kinh tế vĩ mô ngày càng được củng cố.
Theo VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước
Cột tin quảng cáo