Hầu hết doanh nghiệp Việt thiếu hiểu biết về thị trường tín chỉ carbon
Gian nan trong việc thương mại hóa tín chỉ carbon rừng ở Việt Nam / Dự kiến 2028, Việt Nam sẽ có sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức
Theo dự thảo “Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam”, giai đoạn 2025-2028 sẽ triển khai thí điểm thị trường carbon; từ năm 2029, thị trường carbon sẽ chính thức được thực hiện trên toàn quốc.
Việc phát triển thị trường carbon góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, tạo dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khi nhà kính; thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp. Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt; phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Tuy nhiên, việc hình thành và vận hành thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam hiện đang đối diện với nhiều khó khăn và thách thức. Đó là sự nhận thức về thị trường này của doanh nghiệp, tổ chức và xã hội vẫn còn hạn chế. Việc tham gia thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam còn gặp khó khăn liên quan đến cơ sở pháp lý.
Phát biểu tại hội thảo "Thị trường tín chi carbon: Những biện pháp căn cơ cho phát triển bền vững" sáng ngày 26/10, TS Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương) trích dẫn thông tin từ Viện Thị trường carbon thế giới, cho rằng, hiện có khoảng 73 cơ chế carbon, tính cả ở thị trường tự nguyện và bắt buộc đang được vận hành ở cấp quốc gia và cấp địa phương.
Các cơ chế này đang phủ khoảng 23% trong tổng lượng phát thải khí nhà kính (GHG) toàn cầu. Vận hành của các cơ chế này đã huy động được khoảng 100 tỷ USD trong năm 2022. Các cơ chế trong thị trường carbon bắt buộc chiếm vai trò chủ đạo, với khoảng 98% tổng nguồn thu được tạo ra từ các cơ chế này (2% còn lại là từ các cơ chế của thị trường tự nguyện).
Đối với thị trường carbon tự nguyện, con số thống kê từ Chương trình Ecosystem Marketplace của Forest Trends cho thấy, giai đoạn 2021-2023 có 1.530 dự án carbon tại 98 quốc gia khác nhau. Lượng carbon giao dịch khoảng 254 triệu tấn với kim ngạch khoảng gần 1,9 tỷ USD.
Lượng tín chỉ carbon giao dịch trong khuôn khổ chương trình carbon tự nguyện năm 2022 giảm 51% so với lượng giao dịch năm 2021. Tuy nhiên, giá mua bán tín chỉ carbon tăng mạnh (82%) từ mức 4,04 USD/tấn lên 7,37 USD/tấn năm 2022. Giá tín chỉ carbon năm 2023 giảm so với 2022, ở mức 6,97 USD/tấn.
“Việc tham gia thị trường tín chỉ carbon mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng. Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn mang lại lợi ích môi trường và xã hội, thúc đẩy phát triển bền vững.
Thông qua thị trường tín chỉ carbon, các doanh nghiệp ở đô thị, miền xuôi chia sẻ lợi ích với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng cao, những người đang có năng lực hấp thụ khí thải carbon mà các doanh nghiệp sản xuất tạo ra”, ông Tú Anh nói.
Tuy nhiên, cũng theo Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, mặc dù có những lợi ích lớn như vậy, nhưng trong cuộc khảo sát gần đây của Công ty cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường, có hơn 30% doanh nghiệp trên tổng số 537 doanh nghiệp chỉ biết sơ qua về hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải (ETS) và thị trường carbon.
“Chỉ 1,27% doanh nghiệp biết về ETS và thị trường tín chỉ carbon. Như vậy các doanh nghiệp Việt Nam hầu như chưa có đủ hiểu biết và quan tâm đến thị trường có nhiều ưu thế này”, ông Tú Anh khẳng định.
Để thị trường tín chỉ carbon hình thành và phát triển, cần có một hành lang pháp lý đồng bộ, đầy đủ xác định rõ quyền và nghĩa vụ các bên tham gia, nguyên tắc xác định sản phẩm, nguyên tắc xác định quyền sở hữu, quyền định đoạt cũng như nguyên tắc xác định giá cả giao dịch và các chuẩn mực phải tuân thủ.
“Để tạo lập thị trường tín chỉ carbon, trước tiên phải có nhu cầu về tín chỉ này. Các doanh nghiệp phải biết mình đang phát thải bao nhiêu và được phép phát thải bao nhiêu. Nếu doanh nghiệp đang phát thải vượt quá hạn mức cho phép thì doanh nghiệp phải chịu hậu quả gì?
Cùng đó, muốn bảo đảm trong hạn mức thì doanh nghiệp có thể mua tín chỉ phát thải carbon ở đâu? Ai bảo đảm tín chỉ này được công nhận trên thế giới. Đây là những câu hỏi cơ bản nhưng vẫn chưa có lời giải cụ thể”, ông Tú Anh nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dấu ấn 2024: Thúc đẩy hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới
Giá nông sản ngày 21/1/2025: Cà phê giảm nhẹ, hồ tiêu tiếp tục ổn định
Tạp chí The Global Economics vinh danh Home Credit
Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 21/1: Ngân hàng điều chỉnh giảm giá bán USD, tỷ giá NDT tăng nhẹ
Giá vàng nhích nhẹ sau lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump
Bình Dương 'khát' chung cư cao cấp