Hòa Bình: Làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp
Cao Bằng: Mô hình vỗ béo bò cho thu nhập cao / Bắc Ninh: Làm giàu từ trồng nấm rơm bằng công nghệ sinh học
Đến xóm Hồng Dương hỏi nhà anh Năm ai cũng biết. Chị chỉ đường bảo: Chú cứ đến nhà gần cuối ngõ kia kìa. Cứ nhà nào to đẹp, khang trang nhất là nhà anh Năm. Quả thật, khi đến tôi cũng ngỡ ngàng trước cơ ngơi của anh nông dân năm nay mới 43 tuổi. Các cụ ngày xưa có câu "một nghề thì sống, đống nghề thì chết”, nhưng với anh Năm lại không như vậy. "Ôm” cả đống nghề, từ nuôi lợn, nuôi gà, trồng cây ăn quả, trồng đào cảnh, buôn bán chè, thuốc lào, làm chổi chít mà mỗi năm anh thu hàng trăm triệu đồng.
Sau tuần trà thơm, đậm ngon, anh đưa chúng tôi đi thăm quan cơ ngơi của gia đình. Ngoài khuôn viên nhà, gia đình anh có hơn 4.000 m2 đất vườn. Khu chuồng trại nuôi lợn choán giữa khu đất được đầu tư bài bản, từ khu chế biến cám, kho dự trữ đến hệ thống cho ăn, xử lý phân. Anh chia sẻ: Giờ chuồng chỉ còn 3 con lợn nái. Năm ngoái, khi cả nước bị dịch trên đàn lợn tôi xử lý dịch tốt nên bán được giá cao. Ngoài chi phí cũng bỏ ra vài trăm triệu đồng. Quan trọng là chăm sóc đàn lợn tốt, cách ly được với môi trường dịch bệnh. Nhiều người khi nghe tin có dịch thấy hoảng bán tháo giá rẻ. Tôi vẫn kiên trì bám trụ phòng bệnh nên thắng. Từ đầu năm đến giờ giá giống cao, lợn thịt không ổn định nên tôi chưa vào đàn.
Nghề trồng đào cảnh phù hợp thị trường cho anh Nguyễn Văn Năm, thị trấn Mãn Đức (Tân Lạc) thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Ngoài diện tích nhà, chuồng trại là cả vườn đào cảnh. Các luống cây trồng ngăn nắp, làm cỏ sạch sẽ, từ cây to đến cây nhỏ không bị chồng tán nhau. Tuy mới nảy lộc nhưng anh đã uốn tán theo ý mình. Nghề trồng đào cảnh là anh học được từ những người làm đào ở Nhật Tân. Cách đây 20 năm, anh đi làm ăn ở Hà Nội. Thấy người Nhật Tân làm đào cho thu nhập cao, anh nghĩ ở Hòa Bình người chơi đào nhiều mà người trồng thì ít. Giá thành cây đào mang lên đây cao, khó đáp ứng được túi tiền người miền núi. Nghĩ vậy anh tự đến nhiều nhà trồng đào mày mò học hỏi, tìm nguồn mua giống. 20 năm nay, năm nào anh cũng cung cấp ra thị trường Tân Lạc, TP Hòa Bình và các huyện xung quanh gần 1.000 gốc đào thế. Anh cho biết, do mình tự trồng nên khách đến tận vườn mua, giá phù hợp bán cũng được.
Sau khi thăm vườn đào, anh dẫn chúng tôi ra một khu vườn cách đó gần 1 km. Khu vườn này có diện tích gần 1 ha đã trồng bưởi năm thứ 3. Anh coi đây là "của để dành và dưỡng già”. Vườn bưởi được đầu tư bài bản từ trồng đúng cự ly, phân bón hữu cơ, hệ thống tưới. Năm 2021 vườn sẽ bắt đầu vào kinh doanh. Để lấy vốn ngắn nuôi vườn bưởi, đầu tư nuôi lợn, vợ chồng anh nhập chè từ Lương Sơn, thuốc Lào từ Thanh Hóa để đi các chợ lân cận bán. Vợ anh nhiều năm nay duy trì nghề làm chổi chít bán chợ, vừa trông nhà, vừa lo nuôi dạy các con.
Khi tôi thắc mắc anh làm nghề như này có lúc nào rối không? Anh Năm chia sẻ: Do mình sắp xếp thôi, điều quan trọng nhất là phải chịu khó. Nhưng không làm thế không được. Như mấy năm trước, tôi "gãy” vụ nuôi lợn mất hàng trăm triệu đồng, nếu không có nghề đi buôn, chổi chít, trồng đào thì phá sản mất.
Với cách làm kinh tế tổng hợp, anh Năm đã đa dạng được nguồn thu và đi lên làm giàu, được nhiều người ở Tân Lạc học hỏi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo