Thị trường

HoREA kiến nghị dùng 45% vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn

(DNVN) – Chiều 27-9, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) có công văn khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, HoREA kiến nghị cho phép các tổ chức tín dụng được sử dụng tối đa 45% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn.

HoREA: Việc phát triển nhà ở xã hội vẫn tiến triển rất chậm, gặp nhiều khó khăn / HoREA: Đề xuất bổ sung chính sách sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư

Trong công văn khẩn, ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM chia sẻ, việc quy định các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn kể từ ngày 1/1/2019, là chưa cần thiết và chưa phù hợp với thực tiễn.

HoREA kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư 19/2017/TT-NHNN và Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước theo hướng cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng tối đa 45% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn. Đồng thời, hệ số rủi ro của các khoản vay để kinh doanh bất động sản là 200%.

HoREA kiến nghị hệ số rủi ro cho vay bất động sản là 200% (ảnh TL)

HoREA kiến nghị hệ số rủi ro cho vay bất động sản là 200% (ảnh TL)

“Bởi vì doanh nghiệp bất động sản hoạt động kinh doanh cần nguồn vốn trung hạn, dài hạn. Ở nước ta, trong thời gian qua, các doanh nghiệp bất động sản phụ thuộc lớn vào nguồn vay tín dụng ngân hàng. Nguồn vốn này huy động trước từ khách hàng, mà phần lớn khách hàng cũng vay ngân hàng để mua nhà. Thêm nữa, thị trường bất động sản bị sụt giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm 2018 cả về nguồn cung dự án, sản phẩm và cả về giao dịch trên tất cả các phân khúc thị trường”, công văn này nhận định.

Ông Châu cũng đưa thêm số liệu mức tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 9%, chỉ bằng hơn một nửa so với chỉ tiêu 17% cả năm 2018. Tăng trưởng tín dụng bất động sản rất thấp, chỉ đạt 4,55% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Việc Ngân hàng Nhà nước đưa ra chủ trương “Không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt). Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng tiêu dùng, nhất là tín dụng tiêu dùng liên quan đến bất động sản”, đã khiến các ngân hàng khó còn "room" tín dụng để cho vay bất động sản.

Anh Thư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm