Hưng Yên: Làm giàu trên ‘đất nhãn’ nhờ trồng vải VietGAP
Phú Thọ: Làm giàu từ mô hình chăn nuôi gia cầm / Nghệ An: Làm giàu từ nuôi trâu
Khuyến khích mở rộng diện tích
Trên địa bàn xã Phan Sào Nam hiện có khoảng 1.000 cây vải trứng đang cho thu hoạch. Xác định đây là giống có chất lượng tốt, cần được nhân rộng, năm 2018, xã Phan Sào Nam đã thành lập HTX nông nghiệp Quyết Tiến để bảo tồn và phát triển giống vải quý này. Lãnh đạo UBND xã Phan Sào Nam cho biết: Những năm vừa qua, giá trị của quả vải trứng ngày càng được nâng cao, được nhiều người biết đến, giá bán tại vườn thường dao động từ 50.000 - 70.000 đồng/kg và khách hàng thường đến đặt mua từ khi quả chưa chín. Đến năm 2020 này, xã được tỉnh cho mở rộng chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng vải lên 79ha.
Huyện Phù Cừ khuyến khích thành lập các HTX, tổ hợp tác sản xuất vải (Ảnh: Tư liệu)
Trong khi đó, phong trào trồng vải trứng cũng phát triển mạnh tại xã Đoàn Đào. Trên địa bàn xã đã có hơn 10 hộ trồng cây vải trứng với số lượng 500 cây. Cây vải giống được HTX nông nghiệp Quyết Tiến ký hợp đồng cung cấp, tư vấn kỹ thuật chăm sóc… Hiện nay, xã có trên 100 hội viên hội nông dân đăng ký mua cây vải trứng về trồng. Năm 2019, HTX nông nghiệp Quyết Tiến bàn giao 2.500 cây vải trứng cung cấp cho bà con, diện tích vải trứng trên địa bàn xã được mở rộng trên 11ha.
“Nhận thấy cây vải trứng mang lại hiệu quả kinh tế cao, tôi đã cải tạo 4 sào vườn tạp để chuyển sang trồng giống vải này”, ông Trần Quang Mười, thôn Đồng Minh, xã Đoàn Đào chia sẻ.
Lãnh đạo UBND huyện Phù Cừ cho biết, toàn huyện hiện có gần 100ha vải trứng, trong đó có khoảng 15 - 20ha đang trong thời kỳ cho thu hoạch. Để mở rộng và phát triển diện tích cây vải theo hướng hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, năm 2017, UBND huyện Phù Cừ đã ban hành kế hoạch 100KH-UBND về phát triển trồng cây vải lai chín sớm và cây vải trứng trên địa bàn huyện giai đoạn 2017 – 2020. Theo kế hoạch, đến năm 2020, toàn huyện có diện tích trồng vải khoảng 1.400 - 1.500ha, trong đó diện tích trồng vải trứng khoảng 220ha.
Bên cạnh cơ chế hỗ trợ bà con nông dân, huyện Phù Cừ đang tập trung xây dựng quy trình sản xuất thâm canh cây vải phù hợp, bảo đảm việc chuyển đổi mang lại hiệu quả cao. Mặt khác chú trọng tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa để cây vải chiếm lĩnh thị trường, phát triển bền vững; khuyến khích thành lập các HTX, tổ hợp tác sản xuất vải; tập trung bình tuyển chọn dòng, xây dựng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp và thâm canh cây vải trứng…
Hiệu quả hơn với kinh tế hợp tác
Vụ vải năm 2019 vừa qua, sản lượng vải của huyện Phù Cừ đạt hơn 7.000 tấn quả. Giá bán trung bình đối với vải lai chín sớm khoảng 25.000 đồng/kg, vải trứng Hưng Yên bình quân 60.000 đồng/kg. So với nhiều vụ vải trước, đây là vụ bán được giá cao và ổn định từ đầu đến cuối vụ.
Bà Nguyễn Thị Chinh ở xã Tam Đa cho biết: “Nhà tôi có hơn 3 sào trồng vải 4 năm tuổi, thu bói vụ đầu cũng được 3 tạ vải bán giá 25.000 đồng/kg, cho thu hơn 7 triệu đồng, gấp nhiều lần cấy lúa. Giá vải cao nên tiêu thụ rất dễ”.
Để bán được giá, thực hiện quy định của HTX, những người trồng vải như ông Đặng Văn Viễn ở xã Tam Đa phải có nhật ký chăm sóc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có tem truy xuất nguồn gốc đối với từng vựa vải. Đây là những đòi hỏi mới đối với những người trồng như ông Viễn bắt buộc phải thực hiện để nâng cao giá trị kinh tế từ cây vải.
“Từ trước đến nay, đa số người dân trồng vải là tự phát, theo truyền thống, tự học hỏi và áp dụng. Chúng tôi mong muốn được tỉnh, huyện hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc đúng quy trình để cây vải ra hoa đậu quả nhiều, để nâng cao giá trị kinh tế từ cây vải”, ông Viễn chia sẻ.
Năm 2018, HTX nông nghiệp Thắng Lợi, xã Tam Đa được thành lập nhằm hỗ trợ thành viên về kỹ thuật trồng và quảng bá, tiêu thụ vải. HTX có 10 xã viên làm nòng cốt, thu hút khoảng 500 hộ trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 50 ha.
Kết quả là 2 vụ vải năm 2018 - 2019 vừa qua, thông qua việc tiếp cận, ký kết từ HTX mà vải của Tam Đa – Phù Cừ lần đầu tiên được đưa vào quảng bá, tiêu thụ tại 30 siêu thị phía Bắc, mỗi vụ bán được trên 20 tấn quả.
Theo lãnh đạo xã Tam Đa: “Trước kia chưa có HTX Thắng Lợi, quả vải lai chỉ bán trôi nổi trên thị trường, chưa được vào siêu thị như hiện nay. Việc thành lập HTX sản xuất vải theo quy trình VietGAP có tem truy xuất nguồn gốc khiến người tiêu dùng rất tin tưởng và quả vải có giá trị cao hơn”.
Huyện Phù Cừ có 760 ha vải, trong đó 600 ha đang cho thu hoạch. Tuy nhiên, tại các vùng trồng vải trong huyện hiện nay mới thành lập được 3 HTX chuyên về vải là HTX Thắng Lợi xã Tam Đa, HTX Quyết Tiến xã Phan Sào Nam và HTX Minh Tiến xã Minh Tiến. Thực tế cho thấy, nơi nào các hộ trồng tham gia vào HTX, nơi đó tiêu thụ dễ hơn và giá bán cũng cao hơn. Vì vậy, khi đã trồng ra vải sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là phải thành lập các HTX, tổ chức đại diện, thay mặt cho các hộ trồng để đứng ra ký kết hợp đồng tiêu thụ vải.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Trồng vải VietGAP tại HTX mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với thông thường (Ảnh: TL)