Hướng tới chuyên nghiệp hóa trong sản xuất và thương mại
"Soi sức khoẻ" doanh nghiệp gạo khi xuất khẩu gạo "bốc hơi" gần 10% giá trị / Quảng Trị: Lao đao làng nghề hấp cá xuất khẩu
Gần đây, thông qua các hiệp định thương mại tự do, thuế suất không còn là trở ngại lớn trong xuất khẩu thì các hàng rào về kỹ thuật ngày càng nhiều và khắt khe hơn.
Xu hướng các thị trường nhập khẩu nông sản lớn như Trung Quốc, Australia... đều tăng cường bảo hộ bằng việc thường xuyên rà soát, điều chỉnh các quy định về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm và gia tăng tần suất kiểm tra khiến không ít lĩnh vực, ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam gặp khó.
Quả nhãn tươi Việt Nam tại siêu thị Đại Phát, quận Sunshine, thành phố Melbourne, Australia. (Ảnh: Nguyễn Minh/TTXVN) |
Việc trái thanh long bị ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) gần đây chính là minh chứng rõ ràng. Điều này đòi hỏi, người sản xuất, nhà kinh doanh phải thay đổi tư duy, cách làm, chuyên nghiệp hóa trong sản xuất và thương mại.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Chúng ta phải thay đổi tư duy, đừng giữ mãi thói quen xuất khẩu tiểu ngạch bởi chính sách kiểm soát nhập khẩu của các nước là nhất thể hóa theo chính ngạch. Nếu không thay đổi, bản thân nông dân, doanh nghiệp sẽ gặp khó, hiệu quả xuất khẩu sẽ thấp.”
Điển hình như Trung Quốc từng được đánh giá là thị trường lớn lại dễ tính. Nhưng cùng chung với xu thế thương mại nông sản, thị trường này đã nâng cao tiêu chuẩn, quy định về chất lượng nông sản nhập khẩu và tăng cường quản lý, siết chặt thương mại biên giới, chuyển sang nhập khẩu chính ngạch. Đây là đòi hỏi theo đúng thông lệ quốc tế cũng như quy luật của thương mại nông sản thế giới.
Khi chuyển sang nhập khẩu chính ngạch, Trung Quốc đưa ra các yêu cầu khắt khe với quy định về truy xuất nguồn gốc, giám sát kiểm dịch động thực vật, chất lượng, quy cách đóng gói hàng hóa, thậm chí rà soát, đánh giá cho phép từng mặt hàng nông, thủy sản được nhập khẩu.
Xe hàng nông sản ùn ứ tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh. (Ảnh: Quang Duy/TTXVN) |
Sự thay đổi lớn này đã khiến nông sản Việt Nam gặp không ít khó khăn. Rất nhiều loại nông sản chưa được phép xuất khẩu sẽ phải tự tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu sang nước khác.
Thậm chí, có mặt hàng đã được phép xuất khẩu vào Trung Quốc, nhưng do thói quen xuất khẩu tự do trước đây, nhiều thương nhân vẫn không làm đúng quy định nhập khẩu của phía bạn. Điều này dẫn đến Trung Quốc phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xảy ra tình trạng bị ùn tắc tại các cửa khẩu.
Đây cũng không phải là vấn đề mới mà doanh nghiệp gặp phải. Một số doanh nghiệp xuất khẩu rau quả sang các thị trường như Nhật Bản, EU, Australia... cũng từng bị những cảnh báo về tồn dư chất bảo vệ thực vật, sai quy cách trong đóng hàng hóa...
Thực tế đã cho thấy khi nông sản Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch, đáp ứng tốt các điều kiện xuất khẩu hoàn toàn có thể tăng trưởng tốt tại thị trường Trung Quốc.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết xuất khẩu một số mặt hàng rau quả nửa đầu năm 2019 đã vượt, thậm chí tăng gấp 2 lần so với năm 2018.
Điển hình vụ vải năm nay đã xuất khẩu được 111.100 tấn, trong khi năm 2018 chỉ là 95.300 tấn. Trong 6 tháng đầu năm nay, chuối đã xuất khẩu được 257.240 tấn trong khi năm 2018 chỉ xuất khẩu 128.500 tấn; dưa hấu xuất khẩu được trên 311.700 tấn (năm 2018 là 306.273 tấn); xuất khẩu thanh long đạt gần 1 triệu tấn (năm 2018 là 655.000 tấn)...
Những con số trên cho thấy nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của thị trường nhập khẩu; trong đó có Trung Quốc thì nông sản của Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu. Việc tiến một bước lên chuyên nghiệp hóa trong sản xuất và thương mại, nông sản Việt có thể thu về giá trị cao không chỉ là các thị trường phát triển mà ngay tại thị trường láng giềng.
Dây chuyền chế biến, sơ chế hoa quả xuất khẩu của Công ty Cổ phần Nafoods miền Nam. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN) |
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng xuất khẩu chính ngạch yêu cầu nông dân, doanh nghiệp phải cải tiến chất lượng, đáp ứng an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ bán trực tiếp, không thông qua thương lái nên được giá cao hơn. Ngoài ra, xuất khẩu chính ngạch cũng an toàn hơn về thanh toán.
Mỗi khi đến mùa thu hoạch sản phẩm nào đó, tình trạng ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu lại tái diễn. Ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng do thương nhân, doanh nghiệp chưa chấp hành đúng quy định nhập khẩu khiến họ phải thắt chặt kiểm tra, thời gian thông quan kéo dài. Bên cạnh đó, đa số thương nhân, doanh nghiệp vẫn đưa hàng qua biên giới.
Ví dụ vụ thanh long vừa qua, các doanh nghiệp đưa hàng lên đó; trong khi phía Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) lại là những vùng trồng thanh long rất nhiều và cũng vào vụ. Như vậy, đương nhiên việc xuất khẩu sẽ gặp khó khăn.
Việc dồn xuất khẩu vào một vài cửa khẩu đương nhiên sẽ xảy ra ùn ứ. Để giảm áp lực thông quan tại cửa khẩu, doanh nghiệp nên đẩy mạnh xuất khẩu lên phía Bắc của Trung Quốc.
Chế biến nông sản xuất khẩu tại Công ty Cổ phần rau quả An Giang. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN) |
Thực tế đã có những doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh thay đổi phương thức chuyển hàng từ đường bộ qua biên giới sang chuyển hàng bằng đường biển vào phía Bắc Trung Quốc. Sản phẩm của họ đi lên Thượng Hải thâm nhập sâu vào nội địa và rất thuận lợi.
Để giải quyết được tình trạng nông thủy sản bị ùn ứ, ế hàng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng nhất quyết phải thay đổi tư duy, cách thức tổ chức sản xuất và xuất khẩu. Nông dân phải cố gắng tổ chức sản xuất chuỗi liên kết để giảm dần hiện tượng được mùa mất giá. Địa phương đẩy nhanh hơn quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, đặc biệt là tạo chuỗi liên kết để người dân có hiệu quả sản xuất cao hơn.
“Không thể cứ “thục mạng” sản xuất mà phải tính toán căn cơ, bài bản ngay từ đầu, từ khâu tìm hiểu, đánh giá thông tin thị trường, lựa chọn sản xuất sản phẩm, sản lượng, nơi sản xuất... đến câu chuyện phải sản xuất thế nào. Làm những gì để đạt được yêu cầu về chất lượng, kiểm dịch, mẫu mã, đáp ứng khả năng cạnh tranh và nâng cao giá trị gia tăng, lợi nhuận...,” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy mô và cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất với các doanh nghiệp trong chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Ngành định hướng phát triển các vùng sản xuất hàng hóa theo 3 trục sản phẩm chủ lực, xây dựng và hoàn thiện các hồ sơ vùng trồng, diện tích và địa điểm, các hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đăng ký và bảo hộ thương hiệu, nhất là các thương hiệu quốc gia, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể...
Để xây dựng thành vùng nguyên liệu rộng tạo ra sản lượng hàng hóa, góp phần dễ dàng truy xuất nguồn gốc, không có con đường nào khác là phải thành lập các hợp tác xã kiểu mới. Các hợp tác xã này sẽ cùng với doanh nghiệp hình thành chuỗi sản xuất.
Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp như Nafoods, TH, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Ba Huân, Biển Đông... Đây chính là những đầu tàu lớn dẫn dắt chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm và đặc biệt là phát triển mạnh chế biến.
“Nếu không có chế biến thì không thể nào "dập" được chuyện hôm nay, ngày mai lại mất. Chúng ta có làm tốt mấy mà không chế biến, cứ đi bán thô như kiểu thanh long vừa rồi thì cũng không thể bán được mãi,” Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói./.
End of content
Không có tin nào tiếp theo