JCCI: Chính phủ Việt Nam cần xác định nghiêm ngặt các công ty xuất khẩu lao động bất hợp pháp
DNVN - Theo ông Nobufumi Miura - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), Chính phủ Việt Nam cần xác định nghiêm ngặt các công ty xuất khẩu lao động bất hợp pháp này để đảm bảo khả năng dịch chuyển lao động hiệu quả và bảo đảm an toàn cho hệ thống làm việc ở nước ngoài.
Bất động sản công nghiệp: Chuyên gia nêu 5 nhóm vấn đề đang được giới đầu tư quan tâm / Cần đẩy nhanh quá trình hình thành nhiều tập đoàn kinh tế
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên với chủ đề "Vai trò và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong phát triển nhanh và bền vững" diễn ra mới đây, Chủ tịch JCCI cho biết, một trong 5 nhân tố tác động lớn đến môi trường đầu tư ở Việt Nam là phát triển nguồn nhân lực.
Để duy trì sự tăng trưởng kinh tế hiện nay của Việt Nam, việc đào tạo các kỹ sư để thúc đẩy công nghiệp hóa và CNTT ở thị trường trong nước là vô cùng cấp bách. Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt kỹ sư do sự thâm nhập của các công ty nước ngoài và số lượng ngày càng tăng của các công ty trong lĩnh vực sản xuất. Mục tiêu của Nghị quyết số 50-NQ/TW là tăng tỷ lệ kỹ sư trong lực lượng lao động lên 80% vào năm 2030.
Theo ông Nobufumi Miura, để đạt được điều này, cần có sự hỗ trợ về giáo dục để tăng số lượng kỹ sư ở Việt Nam. Có rất nhiều người Việt Nam hiện đang làm việc với vai trò thực tập sinh kỹ thuật hoặc chuyên viên kỹ thuật cao tại Nhật Bản. Tuy nhiên, đã có những trường hợp trong đó người lao động bị buộc phải làm trong môi trường làm việc nghèo nàn. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần xây dựng một hệ thống lực lượng lao động phù hợp để giúp những người trẻ tuổi có thể yên tâm học hỏi các kỹ năng trong quá trình làm việc tại Nhật Bản.
"Chúng tôi mong muốn Việt Nam có thể tạo môi trường làm việc thích hợp để những lao động có kinh nghiệm làm việc tại Nhật Bản này có thể truyền đạt kỹ năng của họ cho các kỹ sư khác tại Việt Nam", ông Nobufumi Miura chia sẻ.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Hàng năm, nhu cầu đối với các kỹ sư Việt Nam làm việc trên các dây chuyền sản xuất, ví dụ như các khu công nghiệp, tăng lên đáng kể, nhưng cũng có một số khía cạnh nhất định về phát triển nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu. Công ty nghiên cứu của Hoa Kỳ ước tính rằng chỉ có 12% trong số 57 triệu người trong độ tuổi lao động có trình độ cao. Ngoài ra, trong các lĩnh vực truyền thống như may mặc và thiết bị điện tử, sự phát triển nhân sự CNTT rất cần thiết để thúc đẩy một xã hội kỹ thuật số. Chính phủ Việt Nam cần thành lập một tổ chức để tìm hiểu các công nghệ này tại Việt Nam và thúc đẩy giáo dục kỹ thuật một cách rộng rãi.
Hiện tại, Nhật Bản có khoảng 300.000 người lao động và sinh viên Việt Nam, bao gồm các thực tập sinh kỹ thuật, sinh viên quốc tế và các chuyên viên kỹ thuật cao. Trong số đó, có khoảng 160.000 (chiếm phần lớn) là thực tập sinh kỹ thuật.
"Vì Nhật Bản chuyên về lĩnh vực công nghiệp, đây sẽ là một hệ thống hiệu quả để chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, nhưng có nhiều trường hợp, người lao động bị buộc làm việc trong môi trường làm việc nghèo nàn hoặc bị buộc phải làm những công việc mà họ không muốn làm. Bên cạnh các vấn đề đã tồn tại, đây là những vấn đề phát sinh do thiếu hệ thống quản lý ở Nhật Bản và tình trạng các công ty Nhật Bản tiếp nhận thực tập sinh ở dạng lực lượng lao động giá rẻ. Vấn đề này, do đó, thuộc trách nhiệm giải quyết của Nhật Bản", Chủ tịch JCCI nói.
Tuy nhiên, ông Nobufumi Miura cho rằng, có một số vấn đề mà Việt Nam có thể thực hiện để cải thiện tình hình. Một trong số đó là sự tồn tại của các công ty xuất khẩu lao động có dụng ý xấu. Các công ty xuất khẩu lao động cần phải cung cấp cho các thực tập sinh mô tả đầy đủ về điều kiện làm việc, giới thiệu cho họ công việc phù hợp với chuyên môn hoặc khóa học họ mong muốn sau khi về nước, thu phí một cách hợp lý, và nộp các loại văn bằng chứng chỉ một cách thích hợp.
Thực tế cho thấy, một số công ty xuất khẩu đã không đáp ứng các yêu cầu này, dẫn đến hậu quả là môi trường làm việc tồi tệ cho người lao động Việt Nam và tình trạng họ phải trở về nước với một khoản nợ lớn. Sự tồn tại của những công ty xuất khẩu bất hợp pháp này gây bất lợi cho những người lao động trẻ của Việt Nam đang có ý định nghiêm túc về việc học tập các kỹ năng tại Nhật Bản.
Các sự cố và tai nạn liên quan đến tuyển dụng bất hợp pháp của người lao động Việt Nam đang gia tăng trên toàn thế giới chứ không chỉ giới hạn trong các trường hợp thực tập sinh kỹ thuật tại Nhật Bản. Do đó, Chủ tịch JCCI kiến nghị, Chính phủ Việt Nam cần xác định nghiêm ngặt các công ty xuất khẩu lao động bất hợp pháp này để đảm bảo khả năng dịch chuyển lao động hiệu quả và bảo đảm an toàn cho hệ thống làm việc ở nước ngoài.
Điều quan trọng là cải thiện môi trường làm việc cho những người đã có được các kỹ năng ở nước ngoài để có thể áp dụng hiệu quả kinh nghiệm này sau khi trở về nước. Hiện nay, có những trường hợp mà không có doanh nghiệp hay tổ chức nào tại Việt Nam sử dụng các kỹ năng mà các thực tập sinh kỹ thuật và các chuyên viên kỹ thuật cao đã thu thập được ở nước ngoài sau khi họ hoàn thành thời gian đào tạo và làm việc tại Nhật Bản và trở về nước.
"Chúng tôi mong rằng có thể tận dụng các kỹ năng của thực tập sinh tại Nhật Bản, chẳng hạn như các công ty hỗ trợ tiếp nhận thực tập sinh tại Nhật Bản có thể thành lập một cơ sở tại Việt Nam, và đảm bảo cơ hội truyền đạt các kỹ năng quý giá này cho các kỹ sư Việt Nam khác. Cùng với các vấn đề của phía Nhật Bản trong việc chấp nhận lực lượng lao động, việc trao đổi nhân sự tích cực hơn giữa Nhật Bản và Việt Nam là cần thiết để phát triển một hệ thống dịch chuyển lao động an toàn và hệ thống việc làm sau khi trở về nước tại Việt Nam", ông Nobufumi Miura nhấn mạnh.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo