Kiến nghị cho phép phát triển ngành công nghiệp khẩu trang vải kháng khuẩn
DNVN - Khẩu trang vải kháng khuẩn và kháng giọt bắn có công dụng rất cao và hiệu quả cho người dân phòng, chống dịch Covid. Do đó, Bộ Công Thương đã báo cáo, đề xuất với Thủ tướng một số biện pháp trước mắt cho phép phát triển ngành công nghiệp dệt may đối với sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn và kháng giọt bắn.
An Giang: Thu giữ hàng chục ngàn khẩu trang y tế không có hóa đơn, chứng từ / Long An phát hiện việc mua gom 42.500 khẩu trang y tế
Chia sẻ với báo chí bên lề cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, với những khuyến nghị của Bộ Y tế thì khẩu trang vải kháng khuẩn và kháng giọt bắn hoàn toàn có thể trở thành sản phẩm mới của ngành công nghiệp dệt may với thị trường rất lớn là 100 triệu dân trong nước. Nhưng bên cạnh đó, thị trường thế giới cũng đang rất cần hai loại khẩu trang này cũng như các vật phẩm y tế khác để phòng, chống dịch bệnh.
"Thông qua nắm bắt thị trường cũng như yêu cầu cụ thể từ phía doanh nghiệp (DN), chúng tôi đã đề xuất và báo cáo Chính phủ cho phép 1 số giải pháp phát triển ngành công nghiệp sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn và kháng giọt bắn. Công suất trước mắt là sản xuất hàng tháng 40 triệu chiếc khẩu trang. Với nguồn nguyên liệu đầu vào, chúng ta hoàn toàn tự chủ và tự cung ứng được. Còn nếu như tổ chức lại ngành dệt may và dây chuyền sản xuất thì thậm chí có thể nâng công suất lên đến 200 triệu - 300 triệu chiếc khẩu trang/tháng. Như vậy, Việt Nam hoàn toàn có điều kiện để tiếp cận với thị trường quốc tế ở quy mô rất lớn", người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ với báo chí về đề xuất phát triển ngành công nghiệp khẩu trang vải kháng khuẩn. (Ảnh: NDH)
Tại cuộc họp chiều 17/3 của Bộ Công thương với các DN sản xuất, phân phối khẩu trang vải kháng khuẩn nhằm đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch COVID-19, ông Ngô Khải Hoàn, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp, cho biết tính đến cuối tháng 3 lượng khẩu trang vải kháng khuẩn đưa ra thị trường đạt tới 57 triệu chiếc. Theo đó, ngành dệt may hoàn toàn có thể đáp ứng được sản xuất và cung ứng thị trường phục vụ phòng chống dịch cả trong nước và xuất khẩu. Nguồn nguyên liệu sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn đều có sẵn trong nước, nên có khả năng sản xuất 100 triệu chiếc các loại.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, điều quan trọng hiện nay, ở trong nước mới sử dụng khẩu trang vải kháng khuẩn trong khi bản thân các nước còn chưa qua sử dụng, nên rất cần tạo tiền đề cho thị trường trong nước ổn định để các cơ sở sản xuất công nghiệp của Việt Nam chuyển hẳn sang sản xuất sang sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn và kháng giọt bắn.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đã đưa ra một số kiến nghị đối với Chính phủ và chỉ đạo với các đơn vị trực thuộc.
Thứ nhất, Bộ Công Thương đã bàn và thống nhất với Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng trước hết ban hành quy trình sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn và kháng giọt bắn. Bằng biện pháp này, các sản phẩm của chúng ta được công bố hợp quy, hợp chuẩn để có thể đưa ra thị trường phục vụ người dân.
Thứ hai, để tiếp cận được với các cơ sở phân phối trong ngành y tế, Bộ Công Thương kiến nghị với Thủ tướng cho phép Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở phân phối vật phẩm y tế trong nước sẽ chính thức đưa tất cả khẩu trang vải kháng khuẩn và kháng giọt bắn, không chỉ tại các siêu thị mà tất cả các cửa hàng, nhà thuốc đều có thể kinh doanh và đưa sản phẩm này vào phục vụ người dân.
Thứ ba, Bộ Công Thương kiến nghị với Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu để cấp ngân sách hoặc huy động ngân sách của các địa phương tổ chức mua, đặt hàng khẩu trang vải của các cơ sở sản xuất khẩu trang này, qua đó cung cấp cho các đối tượng xã hội như người già, người có bệnh lý nền, trẻ em... Qua đó, chúng ta cũng tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất công nghiệp có điều kiện tổ chức sản xuất ngay và cung ứng cho xã hội, đồng thời có điều kiện tiếp tục gia tăng công suất hoạt động để phục vụ thị trường quốc tế.
Thứ tư, Bộ Công Thương cũng báo cáo với Thủ tướng xem xét, điều chỉnh trước mắt Nghị quyết 20/NQ-CP về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19. Nghị quyết này của Thủ tướng chỉ cho phép xuất khẩu với mục đích viện trợ, hỗ trợ quốc tế do Chính phủ Việt Nam thực hiện với mức tối đa 25% sản lượng cho xuất khẩu, 75% sản lượng cần dành cho công tác phòng chống dịch bệnh trong nước.
Chúng tôi kiến nghị Chính phủ xem xét cho phép xuất khẩu khẩu trang vải kháng khuẩn và kháng giọt bắn trên cơ sở đáp ứng trước mắt nhu cầu thị trường trong nước.
Thứ năm, Bộ Công Thương chỉ đạo các thương vụ, các cơ quan đại diện của Bộ ở bên ngoài tiếp tục kết nối với thị trường quốc tế để giới thiệu cho các nhà sản xuất các DN trong nước có năng lực và điều kiện phát triển thị trường, tiếp cận thị trường quốc tế về loại khẩu trang này để tiếp tục tổ chức sản xuất và trở thành sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Cột tin quảng cáo