Giá lúa gạo của Việt Nam luôn tuân theo quy luật thị trường
Kiến nghị cho doanh nghiệp lúa gạo được thế chấp vay vốn bằng chính sản phẩm thu mua / Bộ Công Thương: Doanh nghiệp vẫn gặp khó khi vay vốn để tạm trữ lúa gạo
Tại cuộc họp báo, vấn đề giá lúa gạo được báo chí đặc biệt quan tâm sau khi báo Bangkok Post (Thái Lan) trước đó đã dẫn lời Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan Chalermchai Sri-on cho rằng Việt Nam và Thái Lan sẽ hành lập nhóm triển khai ý tưởng liên quan đến thỏa thuận giá gạo giữa Việt Nam và Thái Lan để tất cả các bên hiểu rõ hướng nâng giá gạo xuất khẩu.
Thỏa thuận được báo Bangkok Post nhận định là bước đầu tiên trong hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan, giúp các nông dân có được giá xuất khẩu công bằng hơn, sử dụng cơ chế giá cả trên thị trường toàn cầu.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên về vấn đề có hay không việc Việt Nam "bắt tay" Thái Lan nâng giá gạo, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định giá lúa gạo của Việt Nam luôn tuân theo quy luật thị trường, thể hiện sự minh bạch và có trách nhiệm với an ninh lương thực quốc tế.
Khi tham gia vào Tổ chức thương mại quốc tế (WTO), tham gia các hiệp định thương mại tự do, Việt Nam luôn tuân thủ quy định thương mại quốc tế và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Đối với vấn đề giá lúa gạo, Việt Nam cam kết tuân theo quy luật thị trường và luôn thể hiện sự minh bạch cũng như trách nhiệm với vấn đề an ninh lương thực quốc tế.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng Đề án sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm nâng cao giá trị, thu nhập của người dân, bảo đảm an ninh lương thực và phục vụ chế biến xuất khẩu.
Chia sẻ về đề án này, ông Cường cho biết 1 triệu ha đất trồng lúa chất lượng cao này không chỉ đơn giản là giống lúa chất lượng cao mà cần đề xuất các chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chế biến xuất khẩu gạo đầu tư từ kho chứa, chế biến, logistics nhằm tạo ra hiệu quả cao nhất.
Đề án phải có giải pháp tận dụng các phế phụ phẩm để tạo ra sản phẩm công nghệ cao, chế biến sâu từ gạo và các sản phẩm từ gạo; có các cơ chế chính sách hỗ trợ cho người trồng lúa trong tổ chức, đầu tư sản xuất.
“Cục Trồng trọt đang xin ý kiến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong đề án này tập trung xây dựng một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo cùng với nông dân phát triển đa dạng hóa ngành nghề nông nghiệp, nâng cao các sản phẩm nông nghiệp, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam”, ông Cường nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo