Hỗ trợ doanh nghiệp

Kiến nghị cho doanh nghiệp lúa gạo được thế chấp vay vốn bằng chính sản phẩm thu mua

DNVN - Để tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn thu mua thóc, gạo cho nông dân, Bộ Công Thương đề nghị có hỗ trợ nhất định về lãi suất cho các doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thế chấp vay vốn bằng chính sản phẩm sẽ thu mua.

TP Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu gặp khó vì lưu thông và thiếu nhân lực / "3 tại chỗ” bộc lộ nhiều bất cập, doanh nghiệp đề xuất thí điểm phương án “người lao động đi làm từ nhà”

Bộ Công Thương vừa có công văn hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ về tạo thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn thu mua thóc, gạo hàng hóa.
Theo Bộ Công Thương, qua công tác theo dõi tình hình thị trường và thông tin trao đổi tại cuộc họp ngày 12/8 giữa Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công Thương về đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Nam với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, việc tiếp cận nguồn vốn theo văn bản số 5747/NHNN-TD của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tuy đã giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng nhưng chưa hoàn toàn được thuận lợi.

Ảnh minh họa. (Nguồn: ĐTO)
Do đó, để tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn thu mua thóc, gạo cho nông dân, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chỉ đạo các Ngân hàng thương mại có hỗ trợ nhất định về lãi suất cho các doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thế chấp vay vốn bằng chính sản phẩm sẽ thu mua.
Trước đó, tại buổi làm việc trực tuyến ngày 12/8 với Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công Thương, ông Vũ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Angimex cho biết đang gặp vướng mắc trong vấn đề tài chính.
Theo phản ánh của ông Hùng, dù lượng xuất khẩu tồn kho quá lớn song Angimex đã gửi văn bản tới Sở NN&PTNT An Giang để có sự hỗ trợ DN mua 30.000 tấn lúa cho nông dân. Tuy nhiên, muốn làm được việc này Angimex cần được hỗ trợ tăng hạn mức vay và giảm lãi suất ngân hàng.
Ông Trần Ngọc Trung, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Vinh Phát đề xuất cần có cơ chế kéo dài thời gian vay vốn so với mức 6 tháng như hiện nay bởi chỉ khi có vốn doanh nghiệp mới mạnh dạn thu mua lúa được.
Ngày 10/8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản số 5747/NHNN-TD đề nghị các Ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đảm bảo vốn tín dụng phục vụ thu mua, tạm trữ thóc, gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bằng nhiều hình thức như: mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, doanh nghiệp để có nguồn vốn thu mua tạm trữ thóc, gạo và nâng diện tích, chất lượng kho chứa, bảo quản, chế biến thóc, gạo; đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng phù hợp...

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm