Những điểm sáng kinh tế trong năm 2021
Đà Nẵng: Nhiều hoạt động an toàn, hấp dẫn chào đón du khách dịp năm mới 2022 / Năm 2021, xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản xác lập kỷ lục mới
Những số liệu kinh tế - xã hội năm 2021 rất đáng chú ý đã được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/12. Cả nước đã có những nỗ lực không nhỏ trong một năm đầy thách thức để có thể đạt được mức tăng trưởng gần 2,6% trong cả năm. Mức tăng trưởng âm trong quý III do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã kéo GDP 2021 xuống mức thấp nhất trong thập kỷ qua.
Một năm dịch bệnh nặng nề đã tác động tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, vẫn có nhiều điểm sáng giúp kinh tế Việt Nam phần nào phục hồi sau thời điểm khó khăn nhất của quý III. Xuất nhập khẩu là điểm sáng nhất khi tổng kim ngạch đạt hơn 668 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước.
Trong đó, xuất khẩu tăng 19%; nhập khẩu tăng 26,5% và cán cân thương mại quý IV đã đổi chiều từ nhập siêu sang xuất siêu, qua đó giúp cán cân thương mại hàng hóa cả nước thặng dư khoảng 4 tỷ USD. Kết quả này tiếp tục đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất siêu 6 năm liên tiếp.
Điều này cộng với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước năm nay chỉ tăng 1,84% - mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho Chính phủ thực hiện nhiều chính sách tài chính, tài khóa trong hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế.
Kết thúc năm 2021, xuất nhập khẩu hàng hóa là điểm sáng của nền kinh tế khi cán đích ngoạn mục với tổng kim ngạch đạt hơn 668 tỷ USD. Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí.
Dịch bệnh được kiểm soát, chốt chặn giữa các địa phương được tháo gỡ đã giúp chuỗi cung ứng hàng hóa liên thông trở lại. Nguyên vật liệu sản xuất được giải tỏa nhanh tại các cảng.
Nhu cầu tiêu dùng cả trong và ngoài nước dần phục hồi đã kích thích hoạt động sản xuất cung ứng hàng hóa ra thị trường tăng mạnh.
Trong khó khăn dịch bệnh nhưng chưa năm nào tổng thu ngân sách Nhà nước lại hoàn thành sớm và tăng cao như năm nay khi vượt trên 14% dự toán được giao .
"Chúng tôi đã chỉ đạo cơ quan thuế hải quan và cơ quan tài chính ở địa phương tăng cường thanh kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế, qua đó vẫn thu được thuế và đỡ gây phiền hà cho doanh nghiệp", ông Trần Xuân Hà - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế, tỷ giá ít biến động đã giúp cho Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầy hấn dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đạt trên 31 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm ngoái.
Ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho hay: "Vốn FDI tăng lên trong khi kinh tế thế giới khó khăn chứng tỏ các nhà đầu tư tin tưởng vào môi trường đầu tư ở Việt Nam. Chính trị ổn định và kinh tế vĩ mô ổn định nên giúp nhà đầu tư yên tâm bỏ tiền vào".
Với các gói kích thích kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, phí, lãi suất ngân hàng sẽ được Chính phủ tiếp tục triển khai, nhiều doanh nghiệp hiện có chung kỳ vọng: 2022 sẽ là một năm có nhiều cơ hội lớn để Việt Nam vượt qua đại dịch và tiếp tục phát triển kinh tế.
Điều hành kinh tế theo hướng thích ứng với dịch bệnh
Bên cạnh những điểm sáng thì dịch bệnh cũng đã khiến nền kinh tế chịu nhiều tổn thương. Làn sóng COVID-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài đã khiến số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường giảm gần 11%, trong khi số doanh nghiệp rút khỏi thị trường lại tăng gần 18% và chủ yếu là các doanh nghiệp thành lập dưới 5 năm, quy mô vốn nhỏ.
Những khó khăn này chính là thách thức không nhỏ đối với công tác điều hành kinh tế. Làm thế nào để giảm tổn thương, hạn chế các tác động tiêu cực của dịch bệnh, đồng thời tận dụng tối đa các cơ hội là vấn đề đặt ra cho năm 2022.
Nghị quyết 128 được ban hành tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh trở lại. Ảnh miinh họa - Ảnh: TTXVN.
Mức độ tác động của dịch bệnh đã vượt qua những dự báo và gây ảnh hưởng tới tất cả các trung tâm sản xuất lớn của Việt Nam. Nhiều mô hình đã được thử nghiệm, điều chỉnh nhưng chỉ khi Nghị quyết 128 được ban hành mới giúp khơi thông tư duy về chống dịch, giải tỏa các chốt chặn, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh trở lại.
Ông Jacques Moriset - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: "2021 là một năm đầy khó khăn đối với Việt Nam. Việt Nam đã có sự phục hồi đáng ghi nhận trong những tháng cuối năm. Bước ngoặt này có được từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, chỉ có thích ứng an toàn mới có thể phục hồi sản xuất, giảm tổn thương của nền kinh tế".
Cũng phải nhìn nhận, việc phục hồi, phát triển kinh tế năm vừa qua đã gắn liền với các quyết sách về y tế, đặc biệt là quyết tâm đẩy nhanh diện bao phủ tiêm chủng trên toàn quốc.
"Đây là quyết định hết sức táo bạo, thậm chí các nước trong khu vực các tổ chức quốc tế không thể tin được là trong quý IV chúng ta gần như hoàn thành vượt chỉ tiêu. Đây là nền tảng rất quan trọng cho thực hiện Nghi quyết 128 trong quý IV", bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay.
Việc cân đối các chính sách cũng đã được tính toán để đảm bảo kinh tế có thể giữ được nền tảng ổn định là điều kiện để thực hiện nhiều chính sách điều hành tài chính, tài khóa và an sinh xã hội
"Năm 2021 chính sách theo hướng hỗ trợ cho tăng trưởng nhưng không quá đà. Chúng ta giữ cho hệ thống tài chính ổn định tạo cho thanh khoản nhưng không bơm tiền quá mạn. Như vậy, năm 2021 lạm phát vẫn kiểm soát", ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Đại học Fulbright nói.
Bài học của năm 2021 là phải nhìn trực diện vào khó khăn, không tránh né và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của các doanh nghiệp, của toàn dân trong những lúc dịch bệnh nguy cấp.
Việc Chính phủ ban hành và triển khai kịp thời Nghị quyết số 128 không chỉ góp phần quan trọng khôi phục sản xuất và thúc đẩy thị trường, mà còn từng bước tạo niềm tin cho người dân, các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm và cả năm 2022 tới đây.
Có thể thấy được điều này qua kết quả điều tra mới đây về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khi có gần 82% doanh nghiệp đánh giá năm 2022 sẽ ổn định và tình hình sản xuất kinh doanh nói riêng, nền kinh tế nói chung sẽ tốt đẹp hơn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo