Làm sao để giấc mơ “an cư” của người thu nhập thấp không còn xa vời?
Đà Nẵng cho phép taxi điện GSM hoạt động không quá 500 xe / Giá nông sản ngày 10/6/2023: Cà phê và hồ tiêu đồng loạt giảm
Điều chỉnh cơ chế tạo quỹ phát triển nhà ở xã hội
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15, vấn đề về nhà ở xã hội là một trong những nội dung của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu, với nhiều ý kiến đóng góp nhằm tạo nguồn cung đáp ứng nhu cầu rất lớn với phân khúc này của thị trường.
Để giải quyết một trong những vướng mắc lớn nhất khiến quá trình phát triển nhà ở xã hội vẫn còn rất chậm đó là về quỹ đất. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải tính toán lại quy định "thu hồi" quỹ đất 20% tại các dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Bởi lâu nay đa số doanh nghiệp chọn hoán đổi quỹ đất bằng việc đóng tiền thay thế nhưng nguồn tiền này "hòa chung" vào ngân sách và đã không được dành riêng để dùng xây nhà ở xã hội.
Ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: "Theo quy định của Luật Ngân sách và các luật hiện hành là các khoản thu ngân sách không phân định hay nói cách khác không quy định về nhiệm vụ chi, tức thu là thu vào để hòa chung vào ngân sách, không quy định vào nhiệm vụ chi của những việc cụ thể, cho nên nếu mà ghi thế sẽ rất khó khăn. Thứ hai là khoản này có đưa vào ngân sách không, nếu kông đưa vào ngân sách mà bỏ ngoài lại cũng không có cơ chế".
Tăng sự chủ động trong hỗ trợ tài chính của địa phương
Cũng liên quan đến quy định các dự án nhà ở thương mại phải dành quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội, cũng có đại biểu lại cho rằng không nên quy định cứng mỗi dự án phải dành 20% phát triển nhà ở xã hội. Bởi có khu vực giá trị quyền sử dụng đất rất lớn, vì vậy đại biểu cho rằng với dự án có vị trí đắc địa không xây dựng nhà ở xã hội ở khu vực này, nên quy thành tiền để nhà nước xây ở khu vực khác phù hợp hơn với mức sống và điều kiện của người lao động có thu nhập thấp.
Thực tế Dự thảo Luật cũng đã có quy định nhiều cơ chế ưu đãi đối với chủ đầu tư nhà ở xã hội như: Miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; được hưởng lợi nhuận định mức; vay vốn ưu đãi; hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu nối hạ tầng chung khu vực có dự án...
Tuy nhiên, vấn đề giải phóng mặt bằng vẫn đang gây khó cho các chủ đầu tư. Đây cũng là vấn đề được các đại biểu đặt ra theo hướng, nhà nước sẽ cung cấp đất sạch cho các chủ đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội. Bởi bằng cách này, các doanh nghiệp sẽ không mất thời gian để giải phóng mặt bằng nên có thể nhanh chóng phát triển dự án đưa nguồn cung ra thị trường sớm.
Để đẩy nhanh việc tạo nguồn cung cho phân khúc nhà ở xã hội, có đại biểu đề xuất tăng tính chủ động cho các địa phương trong hỗ trợ tài chính cho các dự án phát triển nhà ở xã hội.
Bà Tạ Thị Yên - Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho đề xuất: "Do khả năng đảm bảo quỹ đất, giá cả nguyên vật liệu và nguồn nhân lực cho các dự án nhà ở xã hội ở mỗi địa phương cũng khác nhau, chúng ta nên quy định vào luật là tăng quyền chủ động cho địa phương trong hỗ trợ tài chính cho nhà ở xã hội, bởi vì chỉ khi đó đối tượng của nhà ở xã hội mới có thể tiếp cận, hay lựa chọn được nhà ở với diện tích hợp lý, chất lượng xây dựng với giá cả phải chăng".
Nhiều đề xuất đã được đưa ra để đáp ứng giấc mơ “an cư” của người thu nhập thấp. Ảnh minh họa.
Hình thành cơ sở lưu trú cho công nhân
Với riêng phân khúc nhà ở cho công nhân, các đại biểu cho rằng, cần hình thành nhà lưu trí theo khái niệm lưu trú không phải đơn vị ở hay còn gọi là nhà trọ, để đảo bảo ổn định cuộc sống cho người lao động và nguồn lao động ổn định cho các khu công nghiệp.
Ông Trần Chí Cường - Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng nói: "Về hình thức sở dụng đất, có nhất thiết phải nằm trong khu công nghiệp hay không hay có thể nằm ngoài khu công nghiệp để tạo điều kiện cho công nhân thuê, cho người ta thuê hết thời hạn thì thôi. Như vậy, công nhân có sự luân chuyển, tạo điều kiện hơn cho công nhân có nơi ở để họ yên tâm trong làm việc và sẽ không áp lực nhiều trong việc xây dựng nhà để bán cho công nhân. Với công nhân điều kiện hiện nay cũng khó để mua được một nơi ở, mà họ chủ yếu thuê trọ là chính".
Dự án nhà ở xã hội mở bán 26 lần chưa hết
Rất nhiều giải pháp đang được đưa ra để tạo nguồn cung về nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân, tuy nhiên đang có nghịch lý là thời gian qua lại có tình trạng có những dự án mở bán hàng chục lần cũng không thể bán hết. Vì sao lại có nghịch lý này khi nhiều người vẫn đang mong có một suất mua nhà ở xã hội?
Trong khi dư luận chưa hết xôn xao việc hàng nghìn người dân tại Hà Nội phải xếp hàng dưới thời tiết nóng nực, oi bức để bốc thăm suất mua nhà ở xã hội. Vài ngày sau, không ít người cảm thấy ngỡ ngàng khi một dự án nhà ở xã hội khác, cũng nằm trên địa bàn thành phố Hà Nội, được Sở Xây dựng thông báo sẽ tiếp tục nhận hồ sơ đăng ký mua nhà lần thứ 27, thiết lập kỷ lục về số lần thông báo mở bán nhà ở xã hội, tức là ở 26 lần mở bán trước đó, dự án này vẫn chưa thể bán hết hơn 1.000 căn hộ.
"Mua và đóng đến 95 % giá trị căn nhà rồi nhưng vẫn không phải tài sản của mình. Và bất cập là do chưa bàn giao chính thức nên cư dân ở đây được gọi là đang sống tạm. Hệ lụy là cư dân ở đây không làm được tạm trú tạm vắng, Hàng trăm cháu học sinh phải học trái tuyến", ông Hoàng Đình Văn, cư dân tại Chung cư THT New city cho biết.
Chung cư THT New city mở bán lần thứ 27.
Còn theo anh Thiều Văn Hà, Chung cư THT New city cho hay, việc không được bàn giao dẫn đến không lập được ban quản trị, dẫn đến chất lượng dịch vụ ở đây rất kém như thang máy liên tục bị cắt.
"Mua nhà mà vay mãi mới mua được nhà, mà giờ lại không có sổ. Chúng tôi người nhà quê, thấy bỏ ra một số tiền lớn mà giờ chơi vơi ở đâu", anh Hà cho biết.
Có 3 yếu tố để quyết định sức hút của dự án nhà ở xã hội, đó là vị trí, giá bán và năng lực của chủ đầu tư. Thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, dự án nhà ở xã hội tại huyện Hoài Đức là một dự án phức tạp, xây chậm tiến độ, chất lượng công trình một số hạng mục còn chưa đáp ứng yêu cầu, nên không thu hút được người dân.
Vì vậy nên dù giá bán dự kiến căn hộ nhà ở xã hội này chỉ hơn 14 triệu đồng/m2, tức là một căn hộ 2 ngủ chỉ khoảng 800 - 900 triệu đồng nhưng sau nhiều lần mở bán vẫn ế khách.
Nguyên nhân nhà ở xã hội ế ẩm
Không chỉ riêng dự án trên, mà tại Hà Nội cũng như một số địa phương khác, nhà ở xã hội, dù giá bán thấp hơn mặt bằng chung cũng khó tìm đủ khách mua.
Như dự án khu nhà ở xã hội Bamboo Garden tại huyện Quốc Oai, Hà Nội, với hơn 400 căn hộ, từng xôn xao, khi chỉ có mức giá khoảng 10 triệu đồng/m2, nhưng cũng phải trải qua 23 lần mở bán mới hết.
Một trường hợp khác là dự án nhà ở xã hội duy nhất tại tỉnh Lạng Sơn, dù quy mô lên tới 4 tòa chung cư, nhưng hiện nay, chủ đầu tư mới dám xây một tòa, một phần vì số lượng khách mua ít, đến nay đã cạn hồ sơ đăng ký mua. Có nghĩa là nếu chủ đầu tư xây tiếp thì sẽ không biết bán cho ai.
Hay tại tỉnh Bắc Ninh, một số nhà ở công nhân, nhà ở xã hội vẫn chưa lấp đầy người ở.
Tránh lãng phí trong các dự án nhà ở xã hội
Bên cạnh các cơ chế chính sách thì năng lực và cái tâm của các chủ đầu tư cũng là yếu tố quan trọng để mang đến cơ hội an cư lạc nghiệp cho nhiều người. Ảnh minh họa.
Rõ ràng đang có một sự lãng phí lớn trong bối cảnh thiếu quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Vậy cần những giải pháp như thế nào để tránh việc dự án được xây dựng dang dở, bỏ phí, còn người dân mất tiền mà vẫn vất vưởng không nơi an cư?
Theo ý kiến của các chuyên gia, một dự án nhà ở xã hội ngoài là căn hộ để ở, phải đảm bảo kết nối giao thông tốt, đảm bảo hạ tầng, mới thu hút được người mua. Hay mở rộng đối tượng người được mua nhà ở xã hội, để tăng số lượng người đáp ứng yêu cầu à vấn đề về giá bán.
"Hơn 10 năm mấy trăm căn nhà ở xã hội vẫn không bán hết, như vậy vẫn tạo ra sự lãng phí. Chúng tôi cho rằng vẫn cần có quỹ đất, có quy hoạch đúng, phù hợp với khu vực có nhà ở xã hội. Làm thế nào để sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực đất đai để phục vụ cho loại hình nhà ở xã hội", ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết.
"Thu nhập của người công nhân luôn xảy ra câu chuyện là 10 - 15 năm chưa mua được nhà. Các chủ đầu tư có thể bỏ vốn ra để xây dựng nhà ở xã hội nhưng sau đó thì bán cho ai? Bởi người có nhu cầu mua nhà ở xã hội lại không có tiền để mua nhà…", ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cát Tường cho biết.
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ tiếp tục lấy ý kiến tại kỳ họp Quốc hội sắp tới nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường. Bên cạnh các cơ chế chính sách thì năng lực và cái tâm của các chủ đầu tư cũng là yếu tố quan trọng để mang đến cơ hội an cư lạc nghiệp cho nhiều người.
End of content
Không có tin nào tiếp theo