Thị trường

Làm sao để xuất khẩu thuỷ sản cán đích 10 tỷ USD năm 2024?

DNVN - Để ngành thủy sản hướng đến mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD trong năm 2024, rất cần sự nỗ lực to lớn từ các doanh nghiệp, sự đồng lòng chung sức của hiệp hội, sự quan tâm hỗ trợ từ Chính phủ và chính quyền địa phương...

Sắp diễn ra triển lãm quốc tế lần thứ 6 ngành dệt may / Xây dựng độ nhận diện cho thuỷ sản Việt Nam để xuất khẩu bứt phá

Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, năm 2023 xuất khẩu thủy sản chỉ đạt hơn 8,9 tỷ USD, giảm hơn 18% so với cùng kỳ.

Sự sụt giảm này cũng đã ảnh hưởng qua những tháng đầu năm 2024. Theo đó, xuất khẩu thuỷ sản tháng 2 và tháng 3/2024 đều tăng trưởng âm so với cùng kỳ 2023.

Sự sụt giảm xuất khẩu năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 là do lượng hàng tồn kho vẫn chưa kịp giải phóng, và kéo dài cho đến cuối năm 2023. Tỷ giá các đồng tiền bị mất giá mạnh so với USD, đặc biệt là đồng Yên. Sự sắp xếp lại cơ cấu thị trường, đặc biệt tại thị trường Mỹ và Trung Quốc khiến tôm Việt Nam chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ tôm Ecuador và Ấn Độ.


Thủy sản Việt Nam hiện vẫn đối diện nhiều thách thức.

Tại thị trường EU, thủy sản Việt Nam vẫn bị tác động bởi quy định IUU và những chứng nhận bền vững khác khiến xuất khẩu thủy sản giảm mạnh trong thời gian qua.

Cũng theo Tổng thư ký VASEP, xuất khẩu thủy sản Việt Nam còn phải đối diện với nhiều thách thức. Trong đó có việc Bộ Thương mại Mỹ điều tra chống trợ cấp đối với tôm Việt Nam, dự kiến tháng 8/2024 sẽ có kết quả cuối cùng.

Cạnh tranh khốc liệt giữa các nước xuất khẩu sản phẩm cá thịt trắng trên thế giới. Tại thị trường Mỹ và EU, cá Pollock từ Nga và Mỹ đang được ưa chuộng bởi chất lượng ngon mà giá thấp, sản lượng lại nhiều. Vì vậy, cá tra Việt Nam gặp khó khăn trong việc cạnh tranh tại các thị trường này.

Thêm vào đó, thẻ vàng IUU chưa được EU gỡ bỏ cho Việt Nam. Đoàn thanh tra EC đã đến đánh giá lần 4 để khắc phục cảnh báo thẻ vàng cho Việt Nam. Tuy vậy, kết quả chưa gỡ bỏ thẻ vàng và dự kiến EU sẽ quay lại thanh tra đợt 5 dự kiến vào tháng 10 tới đây.

Trong điều kiện khó khăn, thách thức hiện nay, VASEP sẽ tiếp tục tổng hợp những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Từ đó đưa ra các đề xuất và kiến nghị giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh ngành hàng.

Tăng cường hoạt động kết nối chuỗi cung ứng xuất khẩu tôm, học tập kinh nghiệm từ các nước để đạt được mục tiêu xuất khẩu tôm đóng góp trên 40% vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong những năm tới.

Tiếp tục nâng cao nhận thức về thương mại xanh, giảm phát thải trong chế biến và xuất khẩu thủy sản, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp tái sinh.

Nghiên cứu và phân tích chuyên sâu các hiệp định thương mại sau khoảng thời gian dài có hiệu lực để đưa ra các khuyến nghị, đề xuất liên quan đến cơ cấu thị trường, sản phẩm cũng như khả năng tiếp cận thuế quan.

Theo ông Hoè, để ngành thủy sản hướng đến mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD trong năm 2024 rất cần sự nỗ lực to lớn từ các doanh nghiệp, sự đồng lòng chung sức vượt qua thách thức.

Các doanh nghiệp cần chủ động đổi mới trong sản xuất và kinh doanh, nắm bắt xu hướng và nhu cầu tiêu dùng, xây dựng chiến lược phát triển phù hợp, tiến bộ và hướng đến phát triển bền vững nhằm tạo lợi thế và sức cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam.

"Hiệp hội cũng sẽ phải không ngừng phát triển và đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Ban chấp hành hiệp hội sẽ phát huy hết vai trò dẫn dắt và định hướng phát triển cho các doanh nghiệp thành viên trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

Để đạt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD năm 2024, ngoài những nỗ lực của hiệp hội và các doanh nghiệp thành viên, VASEP mong tiếp tục nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, cùng các cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương", ông Hoè nói.

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm