Thị trường

Xây dựng độ nhận diện cho thuỷ sản Việt Nam để xuất khẩu bứt phá

DNVN - Dù kết quả xuất khẩu thuỷ sản 4 tháng đầu năm đáng khích lệ nhưng dự báo quý II và thời gian còn lại của năm 2024, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức.

Đằng sau 'cơn bão' trên thị trường cà phê toàn cầu / Đà Nẵng: Sẽ tính phí túi nilon đựng hàng tại các siêu thị, trung tâm thương mại

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Nam cho biết, nền kinh tế thế giới vừa trải qua quý 1/2024 với nhiều biến động phức tạp, khó lường, theo đó cản trở sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Ngành thủy sản đang đối mặt với tình hình thiếu hụt nguyên liệu cả nuôi trồng lẫn đánh bắt tự nhiên. Ngành nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng quá trình đô thị hóa nên các biến động từ quy hoạch đất cho sản xuất tại nhiều địa phương và chính những quy hoạch về sử dụng đất chưa đồng bộ đang là thách thức lớn cho cả doanh nghiệp và người nuôi thủy sản.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề môi trường cấp bách nhất hiện nay, tác động tiêu cực đến nuôi trồng thủy sản. Nguồn hải sản khai thác cũng gặp khó khăn khi tài nguyên ngày càng cạn kiệt, sản lượng khai thác không đủ đáp ứng nhu cầu, nên phải thêm nguồn cung từ nhập khẩu.

Tuy nhiên, quy định của thị trường EU và các qui định mới của Việt Nam liên quan đến khai thác IUU đang khiến cho nút thắt nguyên liệu thêm tắc nghẽn.


Bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) phát biểu tại hội nghị toàn thể hội viên VASEP năm 2024.

Trong bối cảnh đầy khó khăn và thách thức đó, xuất khẩu thủy sản Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 đạt 2,7 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước... Các mặt hàng và thị trường xuất khẩu đều tăng nhẹ cho thấy có sự phục hồi so với năm 2023. Dù chưa bằng cùng kỳ năm 2022, nhưng đây là kết quả đáng khích lệ trên con đường phục hồi và phát triển của ngành.

Dự báo quý 2 và thời gian còn lại của năm 2024, sự phục hồi của xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn do những rủi ro và yếu tố bất định trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng tới nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.

Là động lực của nền kinh tế toàn cầu và cũng là thị trường có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất của thủy sản Việt Nam, nhưng Trung Quốc hiện đang đối mặt với một giai đoạn mới của tăng trưởng chậm và kéo dài. Các chỉ số kinh tế chính của Trung Quốc như: chỉ số niềm tin người tiêu dùng, FDI, thị trường chứng khoán, chỉ số nhà ở, đều cho thấy xu hướng suy giảm trong dài hạn.

"Những doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu chính vào thị trường Trung Quốc có thể phải đối mặt với sự giảm sút nhu cầu. Trung Quốc có thể sẽ phải dựa vào xuất khẩu để kích thích tăng trưởng. Đây sẽ là nguyên nhân đặt ra những thách thức về giá cả và cạnh tranh cho các nhà sản xuất quốc tế", bà Sắc nhận định.

Theo Chủ tịch VASEP, trong bối cảnh hiện nay, cần nhìn vào thực tế, xác định những khó khăn thách thức. Từ đó tìm kiếm các giải pháp phù hợp để xây dựng chiến lược xuất khẩu thủy sản Việt Nam hướng đến mục tiêu 10 tỷ USD trong năm 2024.

Để đạt mục tiêu đặt ra, các doanh nghiệp cần thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh của thị trường. Trong đó, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh sự phụ thuộc, đồng thời tăng cường xuất khẩu vào các thị trường mới, hướng đến mở rộng và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa.

Đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng, xây dựng hình ảnh và độ nhận diện cho thủy sản Việt Nam, đồng thời cập nhật thông tin từ các thị trường, đánh giá đúng diễn biến tình hình, qua đó có được phản ứng thích hợp và kịp thời nhất...

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm