Lần đầu tiên trong 10 năm, 3 chỉ số sản xuất công nghiệp quan trọng đều giảm
DNVN - Trong quý I/2023 có 3/4 ngành công nghiệp cấp 1 sụt giảm tăng trưởng so với cùng kỳ. Đây là lần duy nhất trong hơn 10 năm, 3 chỉ số sản xuất công nghiệp quan trọng đều suy giảm.
Bình Phước: Để trái điều thật sự là “trái điều vàng” / Chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử
Chỉ số IIP giảm tốc
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I/2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 3 ước tính tăng 9,4% so với tháng trước và giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2023, IIP giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,8% của cùng kỳ năm 2022 và mức tăng 5,7% của cùng kỳ 2021.
Lý giải sự giảm tốc này, theo bà Phí Thị Hương Nga- Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê), bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn và đối mặt với những diễn biến khó lường. Lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia, chi phí đầu vào tăng, lãi suất tăng, đồng USD tăng mạnh. Nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng đầu vào chưa được khắc phục triệt để làm cho thế giới có dấu hiệu suy thoái. Từ đó dẫn đến cầu tiêu dùng suy giảm, nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam cũng giảm mạnh.
Trong nước, chi phí đầu vào và lãi suất cao; tăng trưởng, xuất khẩu, nhu cầu giảm, đầu tư tư nhân cũng giảm.
Với những ảnh hưởng này, các doanh nghiệp (DN) công nghiệp cũng bị ảnh hưởng, phải thu hẹp quy mô sản xuất, đặc biệt với các DN sản xuất đơn hàng phục vụ cho xuất khẩu.
IIP quý I/2023 giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,8% của cùng kỳ năm 2022 và mức tăng 5,7% của cùng kỳ 2021.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất nhiều ngành chủ lực giảm. Trong đó, ngành khai khoáng giảm 14,4%, chế biến chế tạo giảm 2,4%, sản xuất và phân phối điện nước giảm 1%. Chỉ có ngành cung cấp nước và dịch vụ quản lý nước thải, rác thải tăng 7,8%.
"Như vậy có thể thấy trong quý I/2023 có tới 3/4 ngành công nghiệp cấp 1 trong toàn ngành công nghiệp sụt giảm tăng trưởng so với cùng kỳ. Đây là điều rất đáng lưu ý. Theo quan sát của chúng tôi, đây là lần duy nhất trong hơn 10 năm qua (từ 2012 trở lại đây), cả ba chỉ số sản xuất công nghiệp quan trọng: chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp, chỉ số ngành công nghiệp chế biến chế tạo và chỉ số ngành sản xuất điện sụt giảm", bà Phí Thị Hương Nga nói
Do yếu tố khách quan
Phân tích kỹ hơn số liệu quý I, bà Phí Thị Hương Nga đưa ra những nguyên nhân gây suy giảm đối với các lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Thứ nhất, do 3 nhóm ngành sản xuất khai thác năng lượng của Việt Nam đều có mức sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.
Thứ hai, đối với các nhóm ngành chế biến chế tạo vốn có đóng góp lớn cho tăng trưởng của ngành công nghiệp và nền kinh tế trong quý I đã giảm so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt một số nhóm ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu mà Việt Nam có lợi thế.
Cụ thể, đối với nhóm ngành dệt may và da giày - nhóm ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất của việc sụt giảm đơn hàng. Và tình hình sản xuất của các DN ngành này trong quý I chưa khả quan do không có đơn hàng thường xuyên từ các thị trường truyền thống như Mỹ, EU và một số nước Châu Á. Ngoài ra, một số DN sản xuất trong nước vẫn có đơn hàng, tuy nhiên khối lượng đơn hàng giảm 70 - 80% so với các tháng trước.
Nhóm ngành thứ hai là nhóm sản xuất các sản phẩm điện tử, máy tính và quang học giảm 6,8%.
Nhóm ngành thứ 3 có ảnh hưởng là nhóm ngành sản xuất giường tủ, bàn ghế tiếp đà suy giảm từ quý IV năm ngoái do cầu giảm, tình trạng thiếu đơn hàng tại các DN vẫn đang diễn ra.
Nhóm ngành tiếp theo có sự suy giảm là sản xuất xe có động cơ và sản xuất phương tiện vận tải khác giảm sâu với mức giảm lần lượt là 8,2% và 14,4%.
Bên cạnh một số ngành xuất khẩu chủ lực sụt giảm nhưng một số ngành sản xuất trong nước vẫn có mức tăng trưởng khá như ngành sản xuất đồ uống tăng 27,3%, ngành sản xuất than cốc và dầu mỏ tinh chế.
"Với việc đánh giá số liệu tăng - giảm của một số ngành, có thể thấy việc suy giảm chủ yếu do các yếu tố khách quan. Đó là kinh tế thế giới suy giảm dẫn đến cầu sụt giảm. Cầu xuất khẩu của Việt Nam giảm nên các đơn hàng của các DN trong nước giảm. Trong khi đó, các nhóm ngành sản xuất, nhu cầu trong nước vẫn duy trì mức tăng khá", Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng nhìn nhận.
Kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp
Trước thực trạng này, bà Phí Thị Hương Nga cho rằng, để tháo gỡ khó khăn và ổn định cho các DN sản xuất công nghiệp, ngoài những biện pháp liên quan đến quản lý kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và các cân đối lớn của nền kinh tế thì cần một số biện pháp liên quan đến vốn cho DN, tìm đầu ra cho sản phẩm, giảm chi phí đầu vào.
Khó khăn lớn nhất của các DN hiện nay là thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Chính phủ, các bộ, ngành cần hỗ trợ DN tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ thuế phí xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng trong nước. Bên cạnh các thị trường truyền thống, có thể tích cực khai thác tìm các thị trường mới.
Đặc biệt, cần hỗ trợ DN vay vốn với lãi suất thấp và thủ tục nhanh gọn. Sau 3 năm đại dịch COVID-19, DN đã cạn kiệt nguồn vốn. Với tình hình kinh tế quý I/2023, sản xuất chậm lại như vậy, lượng tồn kho tăng cao thì vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh càng khó khăn hơn nữa.
Vì vậy, các DN mong muốn được vay vốn ưu đãi, giảm thủ tục.
Với chính sách miễn giảm thuế, Tổng cục Thống kê kiến nghị và đề xuất thực hiện chính sách miễn giảm thuế kéo dài đến hết năm 2025, giảm tiền thuê đất, thực hiện chính sách về thuế và vốn như thời có dịch.
Ngoài ra, cần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản để tạo điều kiện cho các DN sản xuất công nghiệp phục hồi và phát triển.
Đối với trong nước, cần đẩy mạnh và hoạt động có hiệu quả trong ngăn chặn hàng nhập lậu, chống chuyển giá, gian lận nhãn mác cũng như tuyên truyền chính sách "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" để phục hồi nhu cầu trong nước.
Về chính sách lao động, cần chính sách hỗ trợ người lao động, giảm bớt các thủ tục để giảm bớt khó khăn cho DN và có các gói hỗ trợ tín dụng cho DN khó khăn về vốn để trả lương cho NLĐ.
"Các giải pháp cần được triển khai kịp thời và nhanh chóng hơn, để có thể có tác động tích cực ngay với DN", bà Phí Thị Hương Nga nhấn mạnh.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Cột tin quảng cáo