Thị trường

Làng nghề nước mắm Hải Giang I vượt đại dịch

DNVN - Để có những giọt nước mắm đậm đà, thơm ngon, độ đạm cao, người dân ở làng nghề Hải Giang I (Nghệ An) đã chủ động kiểm soát chặt nguồn nguyên liệu đầu vào, lựa chọn từng con cá cơm tươi ngon, béo ngậy, chưa qua bảo quản…

Công ty Sâm Việt Nam giải thích việc sở hữu 10ha sâm Ngọc Linh ở Kon Tum / Đà Nẵng: Lập Tổ hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ Dự án Khu du lịch Làng Vân do Vinpearl làm chủ đầu tư

Chất lượng tạo thương hiệu

Cửa Lò (Nghệ An) không chỉ nổi tiếng bởi bãi biển đẹp cát trắng, nắng vàng, hải sản tươi ngon, đặc biệt nơi đây còn lưu giữ làng nghề làm nước mắm truyền thống Hải Giang I thơm ngon nổi tiếng cả vùng xứ Nghệ.

Theo ông Hoàng Đức Thương (SN 1950, trú phường Nghi Hải, TX. Cửa Lò, Nghệ An) - Trưởng ban Quản lý làng nghề chế biến nước mắm Hải Giang I: Để có được những giọt nước mắm đậm đà, thơm ngon cần phải kiểm soát chặt nguồn nguyên liệu đầu vào, tuyệt đối không được mua hàng tồn, hàng không rõ nguồn gốc. Cá cơm phải đánh bắt ở vùng biển xứ Nghệ đang tươi ngon, béo ngậy, chưa qua bảo quản. Sau khi loại bỏ tạp chất, sẽ trộn muối với cá cơm để chế biến chượp (từ dùng để chỉ nguyên liệu thuỷ sản đang được ướp muối để làm nước mắm), khi bỏ đủ lượng chượp vào bể chứa tiếp tục phủ lên mặt chượp một lớp muối dày khoảng 3 cm để tránh côn trùng xâm hại và tránh thối rữa chượp.

Quá trình phơi chượp cho đến khi ra được sản phẩm nước mắm cần thời gian dài và xử lý công phu qua từng công đoạn như gài nén, rút nước bổi, phơi nắng, chăm sóc chượp, kéo rút mắm cốt… Khi nước mắm rỉ ra, cho vào bể, rồi bơm lên thùng trở lại. Cứ liên tục như thế trong vòng 14 - 20 tháng, đến khi nước mắm trong, sánh, thơm là đạt yêu cầu.

H

Để có những giọt nước mắm đậm đà, thơm ngon, độ đạm cao, người dân ở làng nghề Hải Giang I đã chủ động kiểm soát chặt nguồn nguyên liệu đầu vào.

“Để nước mắm đạt đến độ ngon đậm đà, độ đạm cao, có màu cánh gián sóng sánh cá cơm không được rửa bằng nước ngọt, bởi để lâu sẽ bị thối. Việc chế biến nước mắm phải tỉ mỉ, cẩn thận, kiên nhẫn và cá phải “dầm sương, giải nắng” 18 tháng, khi đó giọt nước mắm mới đậm đặc. Khi nước mắm chín, thường rút ra chum sành phơi tiếp 2 tháng sau cho hết mùa tanh của cá mới đem vào đóng chai bán”, ông Thương chia sẻ.

Người dân sản xuất nước mắm cổ truyền ở làng nghề Hải Giang I luôn chú trọng đến việc cải tiến kỹ thuật, nâng cao quá trình chế biên, sản xuất. Đồng thời, nâng cao chất lượng, dịch vụ và uy tín thương hiệu sản phẩm. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất nước mắm không dùng hóa chất nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.

Chính vì nước mắm đậm đà, đạt độ đạm cao, chất lượng tốt nên năm 2013, nước mắm Hải Giang I đã được Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Các cơ sở sản xuất nước mắm của làng nghề đều sử dụng nhãn hiệu chung, kèm theo tên và địa chỉ của từng cơ sở nhằm gắn trách nhiệm xây dựng thương hiệu làng nghề đối với từng hộ thành viên. Đầu năm 2021, sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao, là sản phẩm tiêu biểu nông nghiệp nông thôn Bắc Trung Bộ năm 2018 và là sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Nghệ An từ 2014 đến nay.

Nỗ lực vượt đại dịch COVID-19

 

Bà Nguyễn Thị Biên (SN 1954, một hộ dân sản xuất nước mắm ở làng nghề Hải Giang I) cho biết: Hiện có 84 hộ gia đình tham gia sản xuất nước mắm ở làng nghề Hải Giang I. Mỗi năm làng nghề chế biến khoảng 1 triệu lít nước mắm (dùng 700 tấn cá, 140 tấn muối mới ra được 1 triệu lít nước mắm). Thị trường chủ yếu là phía Bắc, ngoài ra còn có các tỉnh trong Nam, phần còn lại là bán nhỏ lẻ cho khách du lịch khi về tham quan tắm biển tại Cửa Lò, Cửa Hội. Các hộ tham gia chế biến nước mắm trong làng nghề không đồng đều về trữ lượng chế biến vì còn phụ thuộc vào điều kiện riêng của từng gia đình. Hộ làm nhiều nhất mỗi năm khoảng 70 đến 100 tấn cá, hộ ít nhất khoảng 5 - 10 tấn cá, còn lại phần lớn là bình quân từ 30 - 50 tấn cá mỗi năm.Làng nghề nước mắm Hải Giang I cũng góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.

Bà Biên cũng cho rằng, do dịch COVID - 19 kéo dài khiến mọi hoạt động du lịch tại thị xã biển Cửa Lò gần như ngưng trệ, các nhà hàng, khách sạn, hàng quán đều đóng cửa. Kênh bán hàng cho khách du lịch bị đóng lại khiến việc tiêu thụ nước mắm gặp nhiều khó khăn.

G

Nhiều gia đình đã chủ động quảng bá sản phẩm trên Facebook, bán hàng trên các kênh online.

“Để nỗ lực vượt đại dịch COVID -19 và đưa sản phẩm Hải Giang I đến người tiêu dùng, nhiều gia đình đã chủ động quảng bá sản phẩm trên Facebook, bán hàng trên các kênh online. Để thuận tiện vận chuyển hàng hóa nhiều gia đình đã chủ động đóng nước mắm vào các chai thủy tinh đủ kích cỡ, đặc biệt co đặc nước mắm để tiện sử dụng. Bên cạnh đó, làng nghề nước mắm Hải Giang I còn có đặc sản đặc trưng chính là nước mắm co đặc thành muối, vừa tiện dụng, vừa tốt cho sức khỏe người tiêu dùng”, bà Biên cho biết thêm.

 

Ông Võ Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò cho biết, làng nghề nước mắm Hải Giang I đã có từ lâu đời, là thương hiệu nổi tiếng ở Cửa Lò. Hiện thị xã cũng đã tổ chức nhiều đợt trưng bày quảng bá sản phẩm nhằm đưa nước mắm Hải Giang đến với du khách thập phương. Dịch COVID - 19 bùng phát, hi vọng các hộ sản xuất nước mắm trong làng nghề đoàn kết, cùng nhau nỗ lực, tìm cách vượt qua khó khăn.

Anh Bình - Thủy Tiên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm