Hỗ trợ doanh nghiệp

Sản xuất công nghiệp Nghệ An tăng trưởng cao dù dịch COVID-19 phức tạp

DNVN- Năm 2021, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt mà các chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp của Nghệ An đều cơ bản đạt, tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 82 tỷ đồng.

Nhu cầu oxy tăng đột biến, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng gặp khó / Doanh nghiệp Cần Thơ kiến nghị sớm tiêm vaccine mũi 3 cho công nhân để phục hồi sản xuất

Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất

2021 là một năm khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp không những trong nước mà trên địa bàn Nghệ An. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề. Một số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và có doanh nghiệp phải điều chỉnh quy mô sản xuất, hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”. Lúc cao điểm nhất có 32 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và gần 16.000 người (chiếm tỷ lệ 50% người lao động trong khu kinh tế, các khu công nghiệp) phải tạm thời nghỉ việc.

h

Trong những tháng cuối năm 2021,lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Cửa Lò tăng 5-7 %.

Xí nghiệp xếp dỡ Cảng Cửa Lò (Nghệ An) là một trong những doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch COVID-19. Theo ông Yên Văn Phúc- Phó giám đốc xí nghiệp, 6 tháng đầu năm 2021, lượng hàng qua cảng Cửa Lò đều ổn định và có xu hướng tăng. Tuy nhiên, đến tháng 7, 8 do dịch COVID-19 bùng phát mạnh, lượng hàng hóa giảm rõ rệt. Một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu do công tác phòng chống dịch nên phải thu hẹp quy mô sản xuất, ngoài ra nhu cầu về nguyên vật liệu đầu vào, hàng hóa phục vụ sản xuất cũng giảm sút. Vì thế, lượng hàng hóa lưu thông qua Cảng Cửa Lò nhiều tháng giảm sút. Tuy nhiên vào quý IV dịch COVID -19 đang dần được khống chế, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Cửa Lò tăng 5-7 %.

Dịch COVID-19 cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến Công ty cổ phần Tập đoàn An Hưng, chuyên sản xuất các mặt hàng may mặc. Theo ông Trần Tiến Dũng – Giám đốc công ty An Hưng, khi địa phương áp dụng Chỉ thị 16 thì công ty phải chuyển phương án “3 tại chỗ” nên sản xuất chỉ được 1/4 công suất. Trong khi đó, các chi phí vận chuyển hàng hóa trên đường tăng cao, ăn thẳng vào giá thành. Dù vậy, các đơn hàng đã ký kết từ trước vẫn phải bảo đảm đủ lượng hàng cung ứng cho các đối tác.

Trước tình hình dịch bệnh, tỉnh Nghệ An đã thành lập các tổ Công tác chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong việc thực hiện phòng, chống dịch tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ sở sản xuất công nghiệp, khu, cụm công nghiệp.

Nghệ An cũng đã xây dựng kế hoạch bảo đảm nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân theo các cấp độ của Trung ương nhằm ứng phó với dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đôn đốc Công ty Điện lực Nghệ An, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện hỗ trợ giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

 

Theo ông Phạm Văn Hóa- Giám đốc Sở Công thương Nghệ An: Đến nay, tình hình dịch COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp đã hoạt động sản xuất trở lại bình thường. Tuy nhiên hoạt động sản xuất vẫn đang tiếp tục gặp những khó khăn nhất định do chi phí nguyên vật liệu, giá xăng dầu, cước vận tải, chi phí đầu vào... tăng cao làm cho giá thành sản phẩm tăng. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An, Sở Công Thương đang tiếp tục tham mưu với tỉnh triển khai các giải pháp, nhiệm vụ hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động nỗ lực vượt qua giai đoạn rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để phục hồi sản xuất tại khu vực sản xuất công nghiệp.

Sản xuất công nghiệp từng bước được phục hồi

Dù gặp nhiều khó khăn vì diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và các yếu tố khác như: thiên tai, giá cả, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng... nhưng được sự quan tâm chỉ đạo Đảng và nhà nước, tỉnh Nghệ An và sự phối hợp của các cấp, ngành, sự nỗ lực của tập thể cán bộ, người lao động, đặc biệt là của cộng đồng doanh nghiệp, đơn vị sản xuất – kinh doanh trên địa bàn mà hoạt động công thương năm 2021 đạt nhiều kết quả.

Năm qua, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 16 % so với năm 2020. Trong đó, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 28%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16%; Công nghiệp khai khoáng tăng 15%...

Công ty may An Hưng đang từng bước khắc phục khó khăn sau đại dịch COVID-19.

Công ty may An Hưng đang từng bước khắc phục khó khăn sau đại dịch COVID-19.

 

Một số sản phẩm công nghiệp tăng so với năm 2020 như: Tôn thép Hoa Sen các loại ước đạt 1.215 nghìn tấn, tăng 40%, vượt 73,57% kế hoạch; sữa chế biến 278,3 triệu lít, tăng 8,82%, đạt 93% kế hoạch; Xi măng ước đạt 8,97 triệu tấn, tăng 21,84%, vượt 9,39% kế hoạch; quần áo dệt may ước đạt 70,0 triệu cái, tăng 63,15%, vượt 40% kế hoạch…đã góp phần vào sự phục hồi sản xuất công nghiệp của cả nước.

Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 của Nghệ An ước đạt 81.750 tỷ đồng, tăng 17,95% so với năm 2020 và đạt 103,12% kế hoạch.

Một số nhà máy đi vào hoạt động trong năm có tác động tích cực đến tăng trưởng như: Nhà máy xi măng Tân Thắng, nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Luxshare ICT Nghệ An, nhà máy sản xuất viên nén sinh khối (Biomass, DKC), nhà máy may (An Nam Matsuaka, Nam Thuận, TAAD, Hanosimex Nghi Lâm...).

Để phát triển sản xuất công nghiệp năm 2022 đạt hiệu quả tỉnh Nghệ An đã đưa ra những kế hoạch, mục tiêu mới như tiếp tục triển khai khẩn trương các nội dung hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác chỉ đạo tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp, dự án nhằm nắm bắt khó khăn vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ kịp thời nhằm khai thác hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp. Hỗ trợ tối đa các nhà máy, doanh nghiệp khôi phục sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ.

 

Nghệ An cũng tăng cường bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu, năng lượng để đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng, đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án đang đầu tư dở dang đưa vào hoạt động theo kế hoạch để bổ sung thêm năng lực sản xuất mới.

Bên cạnh đó, Nghệ An cũng đã đưa ra một số chỉ tiêu như đẩy mạnh tái cơ cấu công nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đẩy mạnh phát triển các ngành sản xuất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, có giá trị gia tăng cao, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, thân thiện với môi trường... Phát triển một số ngành thương mại theo hướng nâng cấp chuỗi giá trị, có lợi thế, có giá trị gia tăng cao, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, phát triển thương mại điện tử; phát triển thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Đẩy mạnh phát triển xuất khẩu. Nâng cao tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến, chế tạo, giá trị gia tăng cao; thực thi hiệu quả các cam kết và khai thác tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do nhằm mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nhất là các thị trường trọng điểm chiến lược như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN... không phụ thuộc quá lớn vào một thị trường.

Thủy Tiên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm