Liên kết tiêu thụ sản phẩm thiếu bền vững vì nạn 'bẻ kèo' hợp đồng khi giá thay đổi
Đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật / Nghề làm tôm khô, lễ vía Bà Thủy Long ở Cà Mau là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Trong 2 ngày (15 - 16/11), diễn đàn Mekong Connect 2023 với chủ đề “Kết nối chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa vùng kinh tế TP Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững” đã được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.
Các đại biểu thực hiện nghi thức ký kết kết thuận hợp tác tại Diễn đảnMekong Connect 2023.
Tham gia đóng góp ý kiến, ông Trần Việt Trường - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đã kiến nghị một số giải pháp nhằm thúc đẩy chuỗi liên kết, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh.
Theo ông Trường, thời gian qua Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ và Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
Việc nghiên cứu khai thác thế mạnh đặc thù, vận dụng cơ chế chính sách giữa hai TP trực thuộc Trung ương trở thành cấp thiết để cùng chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn, tìm ra cơ hội, phát huy tiềm năng. Đặc biệt, Dự án Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ được hưởng cơ chế chính sách đặc thù và được kỳ vọng sẽ tạo nên động lực tăng trưởng mới cho cả vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh.
Cũng theo ông Trần Việt Trường, thời gian qua ĐBSCL đã hình thành đa dạng các liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, như liên kết theo chuỗi giá trị; liên kết ngành, cụm ngành hàng chủ lực, liên kết theo chuỗi sản xuất và chế biến; liên kết hướng đến thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; liên kết vận tải - logistics; liên kết công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, chủ yếu là liên kết theo ngành, cụm ngành hàng chủ lực (thủy sản, lúa gạo, cây ăn trái, rau màu) nhưng hiệu quả không cao, thiếu tính bền vững, vẫn còn tình trạng “bẻ kèo” hợp đồng khi giá cả thị trường thay đổi.
Các hình thức liên kết còn lại chỉ dừng ở giai đoạn thử nghiệm. Do vậy, việc hình thành các chuỗi liên kết giá trị có tính chuyên nghiệp cao là rất cần thiết, làm hạn chế việc mất đồng bộ về cung cầu, khắc phục tính dễ bị tổn thương, gây đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa.
Trong khi đó, trong sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL luôn thiếu hụt nguồn cung ứng giống cây trồng chất lượng, thiếu năng lực kỹ thuật, quản lý của người nông dân, cơ sở hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ.
Chế biến và gia công sản phẩm nông nghiệp là khâu yếu nhất. Các nhà máy chế biến chưa đáp ứng được nhu cầu của nguồn nguyên liệu đến từ nông dân, gây lãng phí và giảm giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, vùng ĐBSCL đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường tiêu thụ. Các kênh phân phối chưa được phát triển, rất khó tiếp cận các kênh bán lẻ. Đặc biệt hơn, ĐBSCL thiếu cơ chế chính sách để thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ chế biến nông sản nên chưa tạo được động lực phát triển vùng, vốn có lợi thế về sản xuất nông nghiệp.
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu tại diễn đàn.
Chính vì thế, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, việc xây dựng Trung tâm liên kết thành “Một điểm đến đa dịch vụ” góp phần hình thành chuỗi sản xuất liên kết gắn với 3 nhà: nhà nông, nhà sản xuất (thương nhân, doanh nghiệp nông sản) và doanh nghiệp xuất, nhập khẩu; khuyến khích thiết lập mối liên kết giữa vùng sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần gia tăng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và giá trị gia tăng của sản phẩm.
Trung tâm liên kết dự kiến xây dựng tại TP Cần Thơ với 300 ha, được chia thành 2 khu (Khu 1 với 50 ha tại quận Bình Thủy và Khu 2 với 250 ha tại huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ). Dự kiến với 10 chức năng hoạt động của Trung tâm liên kết. Đặc biệt, dự án này được hưởng cơ chế chính sách đặc thù và được kỳ vọng sẽ tạo nên động lực tăng trưởng mới cho TP Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL.
Tại diễn đàn lần này, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Trung tâm Liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ; định hướng các tỉnh ĐBSCL cùng phối hợp triển khai Đề án, dựa trên tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, cũng như hỗ trợ TP Cần Thơ các giải pháp thúc đẩy chuỗi liên kết, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Trong đó, quan tâm đến các khâu trọng yếu là hình thành chợ đầu mối, trung tâm cung ứng nông sản hiện đại; giải pháp toàn diện về logistics nông nghiệp của vùng ĐBSLC gồm toàn bộ các khâu từ khâu lập kế hoạch, dự báo, hỗ trợ mua hàng, sản xuất, phân phối logistics chủ động, kết nối đa kênh tới thị trường tiêu thụ; chú trọng đến giải pháp tích hợp trực tiếp và trực tuyến, kết nối tiêu thụ, hình thành Trung tâm giao dịch nông sản trực tiếp (chợ bán sỉ hiện đại), kết nối với mạng lưới cung ứng nông sản toàn cầu…
Người đứng đầu chính quyền TP Cần Thơ cũng bày tỏ kỳ vọng TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ cùng liên kết vận dụng cơ chế đặc thù, mở ra hệ sinh thái thuận lợi hóa cho những ý tưởng thúc đẩy thế mạnh đặc thù và kinh nghiệm đặc biệt từ các địa phương để cùng nhau phát huy tiềm năng tốt nhất mọi nguồn lực.
End of content
Không có tin nào tiếp theo