Thị trường

Long An: Giúp nông dân làm giàu từ nuôi tôm công nghệ cao

Toàn huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An) hiện có trên 2.300 ha nuôi tôm nước lợ. Nhờ chủ động liên kết, chú trọng khoa học – công nghệ trong quá trình nuôi trồng, nghề nuôi tôm đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp các hộ dân địa phương vươn lên làm giàu.

Xuất khẩu gạo tăng vọt giữa khó khăn COVID-19 / TP. Hồ Chí Minh tạm giữ gần 1.000.000 chiếc khẩu trang không rõ nguồn gốc

Cần Giuộc đang thúc đẩy nuôi tôm công nghệ cao

Cần Giuộc đang thúc đẩy nuôi tôm công nghệ cao

Liên kết nuôi tôm

Để nâng cao hiệu quả con tôm, các hộ nuôi và ngành nông nghiệp huyện Cần Giuộc đã thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Không chỉ triển khai các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, huyện còn tổ chức các chuyến tham quan thực tế tại các mô hình điểm ở Trà Vinh, Bạc Liêu…

Đại diện UBND huyện cho biết, các mô hình nuôi tôm hiện đại được đẩy mạnh từ năm 2017 và chỉ sau 1 năm, huyện đã có gần 40 ha tôm công nghệ cao. Kết quả cho thấy nuôi tôm công nghệ cao cho hiệu quả gấp 2 - 3 lần nuôi tôm truyền thống, hạn chế dịch bệnh, sốc môi trường nước.

Cùng với các chính sách hỗ trợ, Cần Giuộc đã thúc đẩy việc liên kết, thành lập các HTX, tổ hợp tác nhằm nâng cao năng lực sản xuất, gia tăng sức cạnh tranh, giá bán cho sản phẩm.

 

Hiện, toàn huyện đang có 4 HTX, hơn 40 tổ hợp tác, nhóm hộ liên kết nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao. Các HTX và tổ hợp tác đang phát triển ổn định, trở thành đầu tàu dẫn dắt thành viên trong sản xuất, tiêu thụ, vươn lên làm giàu từ nuôi tôm.

Là một trong những người giàu lên nhờ nuôi tôm công nghệ cao, ông Nguyễn Thanh Tiền – thành viên tổ hợp tác số 2 (ấp Đông An, xã Phước Vĩnh Đông), chia sẻ trước đây, gia đình ông nuôi theo lối quảng canh, năng suất chỉ đạt bình quân 2 – 3 tấn/ha. Khi tham gia vào tổ hợp tác, được tập huấn kỹ thuật, năng suất tôm liên tục gia tăng.

“Nhờ ứng dụng công nghệ cao, năng suất tôm nhà tôi luôn đạt 13 - 15 tấn/ha. Có nhiều thời điểm giá tôm có sụt giảm, nhưng lợi nhuận vẫn đạt hơn 30 triệu đồng/tấn. Nhờ nuôi tôm, đời sống kinh tế gia đình tôi được nâng lên đáng kể”, ông Tiền phấn khởi nói.

Cùng chung niềm vui, ông Võ Văn Một cho hay ông nuôi tôm đã hơn 10 năm. Từ khi tham gia tổ hợp tác, ông được học cách nuôi công nghệ cao và tham quan mô hình ở Bạc Liêu và được tỉnh hỗ trợ 70% chi phí xây ao lắng. Được hỗ trợ, mô hình nuôi tôm đi vào ổn định, lợi nhuận gia tăng, những rủi ro từ dịch bệnh, biến động thị trường được giảm thiểu.

Nuôi tôm công nghệ cao đang giúp người dân thoát nghèo, làm giàu

Nuôi tôm công nghệ cao đang giúp người dân thoát nghèo, làm giàu

 

Nhanh nhạy trong sản xuất

Để thích ứng với nhu cầu thị trường và năng lực sản xuất của nông dân, nhiều HTX, tổ hợp tác trên địa bàn huyện Cần Giuộc đã triển khai phương pháp nuôi tôm theo nhiều giai đoạn cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Thanh Toàn – Giám đốc HTX tôm Đông Thạnh (xã Đông Thạnh), cho biết với khả năng kinh tế có hạn, nhiều hộ nuôi tôm không đủ khả năng đầu tư lớn nên từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Nhiều nơi hình thành mô hình đạt kết quả cao, trong đó phổ biến là mô hình nuôi tôm với 2 - 3 giai đoạn.

Đây là mô hình có nhiều ưu điểm, tùy điều kiện có thể xây dựng “ao nổi” trong nhà lưới với diện tích khoảng 100 - 150 m2 (ương tôm giống khoảng 20 ngày); hoặc chuẩn bị ao đất khoảng 500 - 1.000 m2 (ương tôm giống khoảng 30 - 40 ngày). Sau đó chọn lọc, loại bỏ tôm còi và đưa sang ao nuôi thương phẩm.

 

Mô hình nuôi tôm của ông Nguyễn Văn Năm, ấp Hòa Quới, xã Tân Chánh, là một trong những thành công điển hình. Giai đoạn 1 ông Năm ương tôm giống bể nổi 300 m2 trong 15 ngày sau đó chuyển sang ao nuôi cấp 1.

Giai đoạn 2, tôm được ương trong ao lót bạt 800 m2 trong 20 ngày, sau đó chuyển sang ao nuôi cấp 2. Kết quả, mô hình của ông Năm hiện đang cho lợi nhuận bình quân 250 - 300 triệu đồng/3.000 m2.

Để đảm bảo hiệu quả bền vững, các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn huyện cũng hướng dẫn thành viên, hộ liên kết chủ động luân canh giữa các vụ tôm nhằm tái tạo chất lượng môi trường ao nuôi, loại bỏ mầm bệnh của vụ trước để hạn chế dịch bệnh.

Sự đồng hành của các HTX, tổ hợp tác và chính quyền địa phương đã và đang giúp nghề nuôi tôm nước lợ huyện Cần Giuộc gặt hái nhiều thành công, trở thành một trong những nghề làm giàu của người dân trên địa bàn.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm