Thừa Thiên Huế: Bàn giải pháp tăng "sức đề kháng" cho doanh nghiệp do ảnh hưởng Covid-19
Thừa Thiên Huế: Tập trung hỗ trợ pháp lý để doanh nghiệp phát triển / Đắk Nông: Tìm phương án tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức hội thảo tìm giải pháp cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhằm chia sẻ khó khăn, tìm hướng khắc phục, hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Hội thảo có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thiên Định, cùng lãnh đạo các sở, ngành, các chuyên gia kinh tế và hơn 100 doanh nghiệp tại địa phương.
Các doanh nghiệp đã ngồi lại với nhau cùng vượt khó
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thiên Định cho rằng tình hình dịch Covid-19 đang còn diễn biến tương đối phức tạp. Bên cạnh những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt thì cũng đi liền với cơ hội, bài học để hoàn thiện hơn công tác quản trị doanh nghiệp.
Liên quan đến kinh tế, dự kiến ngân sách tỉnh sẽ hụt thu khá lớn trong năm nay, cùng với các lĩnh vực khác, hoạt động của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng lớn. Trong bối cảnh đó, đã và đang có nhiều mô hình các doanh nghiệp thay đổi theo xu hướng tốt: Doanh nghiệp quan tâm hơn đến việc quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, từ đó, tạo ra sức “đề kháng” cho doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp trước đây hô hào kết nối chia sẻ dùng chung sản phẩm nhưng chưa làm được thì nay đã “ngồi lại” với nhau tìm hướng “vượt khó”, kết nối cộng đồng doanh nghiệp cùng phát triển.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thiên Định phát biểu tại hội thảo
“Tất cả những thách thức sẽ tạo ra sự thiệt hại cho tổng thể nền kinh tế. Nhưng nếu biết ứng xử, sẽ tạo ra lợi ích cho mình. Có thể lợi ích đó nằm ở góc độ kinh tế hay bài học về quản trị… Điều đáng mừng là cộng đồng doanh nghiệp Huế đang nhìn nhận những thách thức này dưới góc độ tương đối lạc quan và tích cực”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thiên Định nói.
Ông Định còn chia sẻ, trước đây, có nhiều vấn đề doanh nghiệp đề nghị đưa lên, đôi khi các sở ban ngành giải quyết đủng đỉnh nhưng với áp lực hiện nay, những khó khăn đó đều được giải quyết kịp thời; các cấp chính quyền của tỉnh đang nỗ lực thay đổi, chúng tôi rất kỳ vọng trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra, kinh tế Thừa Thiên Huế vẫn có sự ổn định.
Cần cơ chế, chính sách hỗ trợ thực tiễn
Tại hội thảo, Thạc sĩ Phạm Phương Trung, Chuyên gia Kinh tế Quốc tế - Trường đại học Kinh tế (Đại học Huế) và chuyên gia kinh tế, chiến lược phát triển doanh nghiệp Trần Sỹ Chương đã có những chia sẻ về tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế thế giới và Việt Nam và những phương án cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thừa Thiên Huế Dương Tuấn Anh cho hay, với cộng đồng doanh nghiệp Huế, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp ngành du lịch, dịch vụ giao thông vận tải, nông - lâm nghiệp và thuỷ sản, dệt may… là các nhóm doanh nghiệp hiện đang chịu ảnh hưởng lớn nhất.
Để hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại, Hiệp hội đề xuất tỉnh nghiên cứu có các biện pháp hỗ trợ, như: Giảm giá tham quan di tích, xem xét miễn giảm lệ phí, thủ tục cho khách quốc tế, cho Quỹ Đầu tư phát triển và Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nghiên cứu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong và sau dịch. Đề nghị Chính phủ và ngành ngân hàng nghiên cứu các gói chính sách tín dụng, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ; có chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ giảm chi phí đầu vào, giãn thời gian đóng Bảo hiểm xã hội…
Thạc sĩ Phạm Phương Trung, Chuyên gia Kinh tế Quốc tế - Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế chia sẻ các giải pháp cho doanh nghiệp để vượt qua khó khăn
Đại diện các doanh nghiệp cũng nêu thực tế khi tiếp cận ngân hàng để được hỗ trợ thì bị từ chối, qua đó đề xuất tỉnh cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ một cách thực tiễn, thực tế cho doanh nghiệp: Cần sự vào cuộc của các ngân hàng, nhất là Ngân hàng Nhà nước và mong tỉnh có buổi làm việc cụ thể với các ngân hàng và doanh nghiệp.
Kết luận tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thiên Định khẳng định, những đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp nếu thuộc thẩm quyền của tỉnh sẽ cho xử lý ngay. Những vấn đề thuộc thẩm quyền Trung ương sẽ có kiến nghị để có hướng xử lý sớm cho doanh nghiệp.
Ông Định cũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp chú trọng hơn việc quản trị doanh nghiệp, xây dựng kịch bản thực sự để có sự chủ động trong bị động, tư duy lại sản phẩm mới, phù hợp với thị trường, xây dựng chiến lược ứng phó sau mùa dịch bệnh… Qua đó, cùng nhau tạo được cộng đồng doanh nghiệp tốt, có sức đề kháng thực sự tốt để vượt qua khó khăn trong bối cảnh hiện nay.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cũng vừa có các cuộc họp với lãnh đạo các hội, Hiệp hội Doanh nghiệp, sở, ngành; thảo luận riêng với chuyên gia để đưa ra các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, cũng như tính chuyện bù đắp hụt thu ngân sách. Ông Phan Ngọc Thọ yêu cầu toàn bộ hệ thống hành chính trong năm 2020 phải cải cách triệt để, làm sao mỗi tháng tỉnh có một dự án, công trình lớn khởi công, danh mục đã có sẵn và phần lớn dự án đều có vốn đầu tư hàng trăm tỷ trở lên. Nếu làm tốt công tác này thì môi trường đầu tư kinh doanh của Thừa Thiên Huế sẽ có sự thay đổi rõ rệt. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dấu ấn 2024: Thúc đẩy hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới
Giá nông sản ngày 21/1/2025: Cà phê giảm nhẹ, hồ tiêu tiếp tục ổn định
Tạp chí The Global Economics vinh danh Home Credit
Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 21/1: Ngân hàng điều chỉnh giảm giá bán USD, tỷ giá NDT tăng nhẹ
Giá vàng nhích nhẹ sau lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump
Bình Dương 'khát' chung cư cao cấp