Lý do chính khiến tiến độ cổ phần hóa DNNN chậm chạp
DNVN - Theo Bộ Tài chính, có hai nguyên nhân chính khiến tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn nhà nước còn chậm trong năm 2019.
Sản xuất sạch để đưa nhãn xuất ngoại / Phép thử với ngành hàng đồ uống
Đánh giá về hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) ,trong năm 2019 Bộ Tài chính cho biết: Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2019 về chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 60/2018/QH14 ngày 15 tháng 6 năm 2018 của Quốc hội; đang rà soát, báo cáo trình Chính phủ để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, vấn đề sử dụng nguồn thu cổ phần hóa, vấn đề chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần. Đồng thời, tích cực phối hợp, đôn đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khẩn trương thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo lộ trình đã đề ra theo chỉ đạo của Chính phủ.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà nước còn chậm. Theo đó, trong năm 2019 chỉ có 12 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó chỉ có 03 doanh nghiệp thuộc danh mục phải cổ phần hóa theo kế hoạch.
Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là việc lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ còn rất chậm. Ngoài ra, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa.
Lũy kế từ năm 2017 đến nay, có 171 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, tuy nhiên chỉ có 36/128 doanh nghiệp thuộc danh mục cổ phần hóa theo kế hoạch tại các Quyết định số 991/TTg-ĐMDN ngày 10 tháng 7 năm 2017 và số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ (đạt 28%); số còn phải cổ phần hóa theo kế hoạch là 92 doanh nghiệp (tương ứng 72%). Thực hiện thoái vốn nhà nước tại 92 doanh nghiệp theo danh mục tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, với giá trị thoái là 4.704 tỷ đồng (đạt 7,8% kế hoạch), thu về 8.964 tỷ đồng; riêng năm 2019 đã thoái tại 13 doanh nghiệp, với giá trị thoái là 896 tỷ đồng, thu về 1.839 tỷ đồng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp không thuộc danh mục tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg từ năm 2017 đến nay đã thoái 3.785 tỷ đồng (theo mệnh giá), thu về 110.392 tỷ đồng.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo