Mở cửa cho khu vực tư nhân tham gia kinh doanh bảo hiểm
Dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 vượt 600 tỷ USD / Kết nối nông sản các địa phương tới Hà Nội
“Mong sẽ có tập đoàn kinh doanh bảo hiểm của Việt Nam cạnh tranh được với các tập đoàn thế giới”
Thảo luận tại tổ về Dự án Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sáng 25/10, nhấn mạnh về sự cần thiết của dự luật này, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) cho rằng, giờ là thời điểm rất cần sửa đổi, ban hành và nếu cần thiết có thể để luật này dưới một tên gọi nào đó, nhưng phải rất mới, thể hiện được tinh thần kinh doanh bảo hiểm cũng phải bám rất sát mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN, để làm cho thị trường bảo hiểm có thể trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế -xã hội của đất nước.
Lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm có vai trò quan trọng, nhưng theo đại biểu Thắng, thực tế là hiện nay thị trường bảo hiểm này đang đứng trước thách thức, cạnh tranh lớn. Đó là các tập đoàn, công ty bảo hiểm lớn đến từ nhiều nước trên thế giới, đang thu hút nguồn lực rất lớn ở thị trường Việt Nam vì họ có bề dày kinh nghiệm, sản phẩm dịch vụ phong phú hấp dẫn nên người có tiền tham gia tích cực.
“Đây là vấn đề rất lớn cần phải suy nghĩ, nếu không cẩn thận, chúng ta có thể mất thị trường trong nước, giống như thị trường bán lẻ. Chúng ta phải nhìn nhận nghiêm túc để sửa luật cho đúng, thích ứng với những thay đổi hiện nay của đất nước”, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ.
Quan tâm đặc biệt đến sự tham gia thị trường này của tư nhân, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng đề nghị cần có sự chuẩn bị đầy đủ cơ sở pháp lý cho các cá nhân của Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm.
Đặt vấn đề tại sao cho phép các công ty, tập đoàn nước ngoài kinh doanh trên thị trường Việt Nam, mà lại không có điều kiện để khuyến khích, mở cơ hội cho người Việt Nam tham gia lĩnh vực này, ông Thắng cũng cho rằng, nếu khéo tổ chức, thì đây sẽ là nguồn lực rất quan trọng để tái đầu tư phát triển KT-XH.
“Đã là kinh doanh thì phải mở cho các thành phần kinh tế cùng tham gia, cần cho cả khu vực tư nhân trong nước. Tôi rất muốn, tới đây sẽ có tập đoàn kinh doanh bảo hiểm của Việt Nam cạnh tranh được với các tập đoàn của thế giới”, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng nêu quan điểm.
“Bảo hiểm vi mô mang lại lợi ích cho người yếu thế”
Quan tâm đến các quy định về bảo hiểm vi mô, một nội dung mới được đưa vào dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm trình Quốc hội lần này, tuy nhiên,đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng, dự thảo quy định còn sơ sài, không quy định tổ chức nào được phép và tổ chức nào không được phép tham gia, vì vậy, dự thảocần quy định rõ.
Nhấn mạnh, bảo hiểm vi mô cũng chứa nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện, từ quản lý tài chính đến quản trị tài chính, cần kiểm soát chặt,đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, “dự thảo cần nghiên cứu theo hướng thay vì tạo ra các tổ chức bảo hiểm vi mô, thì cần tạo cơ chế cho các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm chuyên nghiệp họ làm sẽ hiệu quả hơn”.
“Với điều kiện đặc thù hiện nay, nhiều đại lý, nhiều môi giới chỉ quan tâm bán được bảo hiểm mà không quan tâm đến quyền lợi của người mua nên vẫn xảy ra tình trạng tranh chấp, phức tạp” - đại biểu Nguyễn Phi Thường nêu quan điểm.
Thông tin thêm về lĩnh vực bảo hiểm vi mô, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, bảo hiểm vi mô là một hình thức có tính đặc thù. Đối với hình thức bảo hiểm này số lượng người tham gia đông, nhưng chủ yếu là những người yếu thế.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, quy mô của mỗi hợp đồng bảo hiểm này khoảng tầm 50 triệu đồng, là con số nhỏ. Nhưng lực lượng làm không chuyên nghiệp, lợi nhuận thấp nên ít tham gia mà chủ yếu là dùng số lượng cán bộ, công chức kiêm nhiệm để thực hiện hình thức này, chứ còn để hạch toán riêng biệt chi phí, trả lương đầy đủ thì việc hoạt động khó hiệu quả. Tuy nhiên, điều này mang lại lợi ích cho người nghèo, người yếu thế rất tốt.
Đồng ý quan điểm phải bổ sung sửa đổi, nhưng vấn đề không phải chỉ sửa đổi, bổ sung đối với nhữngtồn tại, thách thức mà vấn đề là tìm ra chiều hướng phát triển, đại biểu Lê Văn Khảm (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cho hay, ông chưa nhận thấy những điểmnổi bật ở nội dung phát triển thị trường bảo hiểm.
Quan tâm tới quy định về bồi hoàn bảo hiểm trong dự thảo luật, đại biểu Lê Văn Khảm (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) cho biết, trong dự thảo luật lần này cũng như luật cũ có đề cập quy định để loại trừ trường hợp bảo hiểm nhân thọ do tự tử trong vòng 2 năm sau khi ký hợp đồng, nhằm loại trừ các trường hợp trục lợi bảo hiểm. Tuy nhiên, đại biểu thấy rằng, tự tử chỉ rơi vào một số trường hợp như tâm thần, sự cố bất ngờ, như phụ nữ sau sinh hay bị trầm cảm, có người đã tự tử… thì những đối tượng đó không hẳn có lý do trục lợi. Vì thế nếu quy định như luật thì nên cân nhắc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo