Thị trường

Nghị quyết 128/NQ-CP: 'Cởi trói' tinh thần, thúc đẩy khôi phục kinh tế

Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” được các doanh nghiệp đánh giá là giải pháp kịp thời, giúp "cởi trói" tinh thần cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy khôi phục kinh tế.

Ngành thủy sản Việt Nam hi vọng sớm gỡ "thẻ vàng" / Tổng tài sản Bac A Bank giảm mạnh, lợi nhuận sau thuế tăng trong quý 3/2021

Dây chuyền chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tỉnh Cà Mau. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Dây chuyền chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tỉnh Cà Mau. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

"Cởi trói" cho doanh nghiệp

Ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn nêu thực tế: Trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, nhiều địa phương phía Nam đã phải áp dụng đợt giãn cách kéo dài chưa từng có tiền lệ, không chỉ gây khó khăn cho đời sống người dân mà còn ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế.

Với quyết tâm phòng, chống dịch của Chính phủ và các địa phương trong thời gian qua, tình hình dịch hiện nay cơ bản đã được kiểm soát. Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP để thay thế cho việc áp dụng các Chỉ thị 15, 16, 19 trong giai đoạn hiện nay là hết sức kịp thời và cần thiết.

TPHồ Chí Minh đã mạnh dạn “mở cửa” cho hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách an toàn bằng việc thực hiện “Chỉ thị 18/CT-UBND về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19” từ ngày 1/10. Doanh nghiệp có thể dừng sản xuất “3 tại chỗ” cho nhân viên được về nhà và thực hiện “1 cung đường – 2 địa điểm”, việc này đã giải tỏa tâm lý cho người lao động, phục hồi tinh thần, tăng năng suất làm việc.

 

Tuy nhiên, trước khi có Nghị quyết 128, việc áp dụng các Chỉ thị 15, 16 hay 16+ nhiều địa phương chủ trương “khóa chặt” địa bàn do áp lực từ quan điểm mỗi địa phương chịu trách nhiệm, người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm khi xảy ra dịch trên địa bàn. Với việc ban hành Nghị quyết 128 của Chính phủ đưa việc phòng, chống dịch sang giai đoạn “bình thường mới” có điều kiện sẽ giải quyết tình trạng ách tắc cục bộ ở các địa phương thời gian qua.

Theo ông Trương Tiến Dũng, Nghị quyết 128 thật sự “cởi trói” về mặt tinh thần cho người dân và doanh nghiệp, góp phần phục hồi kinh tế. Doanh nghiệp kỳ vọng việc thực hiện Nghị quyết 128 cũng sẽ giải quyết “hàng rào kỹ thuật” trong việc kiểm soát lưu thông giữa các tỉnh, thành phố mà thời gian qua chưa có sự thống nhất.

“Nghị quyết 128/NQ-CP đã thay đổi quan điểm và giải pháp phòng, chống dịch phù hợp với tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. “Mở cửa” không có nghĩa là không tiếp tục phòng, chống dịch mà chuyển sang phòng, chống dịch với một tinh thần mới. Chống dịch nhưng không “khóa chặt”, “chôn chân” người dân một chỗ mà kiểm soát lưu thông một cách khoa học, tạo điều kiện cho người dân mưu sinh và doanh nghiệp trở lại hoạt động một cách an toàn", ông Trương Tiến Dũng nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh cho rằng, khi bắt tay vào phục hồi kinh tế, các doanh nghiệp rất cần biết trước các chính sách cụ thể, nhất là chính sách phòng, chống dịch để xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh. Nghị quyết 128 của Chính phủ đã quy định rất rõ các điều kiện mở cửa khác nhau tùy theo các cấp độ dịch và các cấp độ dịch cũng quy định các tiêu chí để xác định.

Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp thì doanh nghiệp không thể chủ động hoàn toàn, nhưng với việc quy định các mức độ dịch, doanh nghiệp vẫn có thể đối chiếu tình hình dịch tễ tại địa phương để có kế hoạch hoạt động. Doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất cụ thể chính là cơ sở tạo sự yên tâm, tin tưởng cho khách hàng, đối tác.

 

“Điểm tích cực nhất của Nghị quyết 128 là trong mọi tình huống, diễn biến của dịch COVID-19 đều có thể tổ chức sản xuất được, chỉ cần doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu an toàn phòng dịch. Việc ban hành một Nghị quyết với các tiêu chí cụ thể, rõ ràng, thống nhất trên phạm vi cả nước, công khai cho người dân, doanh nghiệp cho thấy Chính phủ đã trao sự chủ động cho doanh nghiệp nên hiệu quả khôi phục kinh tế sẽ nhanh hơn”, ông Nguyễn Chánh Phương chia sẻ.

Thực thi phải đồng bộ

Nghị quyết 128/NQ-CP được ban hành với mục tiêu thống nhất quan điểm, phương châm phòng, chống dịch theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt trên phạm vi cả nước, khắc phục những bất cập của nhiều địa phương thời gian qua. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn lo ngại tình trạng chính sách chung nhưng thực thi riêng.

Ông Nguyễn Chánh Phương cho rằng, dù chủ trương chung đã rất rõ ràng, nhưng vẫn còn một vấn đề băn khoăn là Nghị quyết 128 quy định cấp độ vùng kiểm soát dịch rất nhỏ, chỉ ở ấp xã, nhưng các quy định hành chính, biện pháp kiểm soát dịch thường đến từ cấp tỉnh. Khi các địa phương “phân biệt” mức độ dịch theo cấp tỉnh thì sẽ dẫn đến tình trạng cản trở lưu thông giữa tỉnh này với tỉnh kia, đặc biệt là việc di chuyển của lao động ở khu vực giáp ranh.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, hiện nay việc lưu thông hàng hóa cơ bản đã thông suốt nhưng chuỗi liên kết, cung ứng không chỉ có hàng hóa. Lực lượng lao động của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh liên kết chặt chẽ với nhau, số lao động cư trú và làm việc ở hai địa bàn rất đông. Nếu không khéo léo thì việc xác định mức độ dịch ở mỗi địa phương cũng sẽ dẫn đến cản trở lưu thông, di chuyển lực lượng lao động, làm chậm quá trình khôi phục sản xuất của doanh nghiệp.

 

Để phát huy hiệu quả của Nghị quyết 128, các bộ, ngành cần sớm ban hành hướng dẫn cụ thể và quán triệt thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có bộ phận giám sát việc thực hiện Nghị quyết của từng địa phương.

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết: Nghị quyết 128/NQ-CP đã thay đổi toàn bộ quan điểm phòng, chống dịch của Chính phủ, từ “không COVID-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, phù hợp với bối cảnh thực tế và yêu cầu phát triển kinh tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn đang băn khoăn về hiệu quả thực tế như thế nào.

Theo phân tích của ông Nguyễn Hải Minh, Nghị quyết 128 cho phép doanh nghiệp được tổ chức hoạt động sản xuất dù địa phương đang ở mức độ dịch nào, với điều kiện có phương án phòng, chống dịch phù hợp. Điều này có thể dẫn đến hai cách hiểu, doanh nghiệp tự chủ động xây dựng phương án sản xuất và phòng, chống dịch, cơ quan quản lý hậu kiểm hoặc doanh nghiệp muốn hoạt động phải trình phương án sản xuất và phòng, chống dịch để cơ quan quản lý phê duyệt. Trong trường hợp thứ 2, rất có thể sẽ có tình trạng doanh nghiệp phải xếp hàng chờ cơ quan quản lý địa phương phê duyệt và chờ đến khi nào thì không ai biết.

“Để không lặp lại việc một chính sách nhưng mỗi nơi hiểu và làm một kiểu rồi nghiêng về giải pháp “khóa chặt cho chắc” thì cơ quan quản lý, nhất là ở địa phương phải vượt qua được nỗi sợ hãi mang tên “trách nhiệm” hoặc từ Trung ương phải có văn bản hướng dẫn thực thi một cách chi tiết, cụ thể". Ông Nguyễn Hải Minh nêu ý kiến.

Nhiều doanh nghiệp cũng kỳ vọng, việc thực thi Nghị quyết 128 sẽ đồng bộ hóa quan điểm phòng, chống dịch, không gây ách tắc, lưu thông, đi lại của người dân, doanh nghiệp. Việc thay đổi nhận thức và hành động đồng bộ giữa các tỉnh, thành phố và xuyên suốt từ chỉ đạo của Trung ương sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội những tháng cuối năm để “về đích” các chỉ tiêu kinh tế.

 

Tuy nhiên, để Nghị quyết đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành nhanh chóng ban hành các hướng dẫn cụ thể để các tỉnh, thành phố căn cứ áp dụng cho đồng bộ, thay vì mỗi nơi ban hành chính sách kiểm soát một kiểu; trong đó, quan trọng nhất là hướng dẫn xử lý vấn đề y tế và giao thông vận tải sao cho xuyên suốt, thống nhất.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm