Thị trường

Bảo đảm nguồn vốn hỗ trợ kịp thời đến đúng địa chỉ

Bên cạnh mục tiêu cấp bách khôi phục tăng trưởng, Quốc hội, Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô.  Ngành ngân hàng với vai trò của mình luôn tích cực hưởng ứng chủ trương này, tuy nhiên, khi triển khai cụ thể cần tính toán kỹ để dòng vốn bơm đến đúng địa chỉ, tránh lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến lâu dài.

Đề xuất bổ sung chỉ tiêu doanh nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số / Bị 19 doanh nghiệp FDI tố "gây khó", tỉnh Tiền Giang khẳng định tạo điều kiện thuận lợi nhưng phải đảm bảo chống dịch

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú: Ngành ngân hàng sẵn sàng hưởng ứng chủ trương hỗ trợ DN phục hồi, tuy nhiên, cũng cần tính toán kỹ để dòng vốn bơm đến đúng địa chỉ. Ảnh:VGP.
Đây là ý kiến của Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú tại Hội nghị trực tuyến về giải pháp của ngành ngân hàng góp phần khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp UBND tỉnh Bình Dương tổ chức chiều ngày 22/10.

Được vay ưu đãi nhưng DN còn khó khăn

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết địa phương đứng thứ 2 cả nước về số ca lây nhiễm dịch COVID-19, vì vậy, hoạt động của các DN trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn DN phải giảm tối đa công suất; các chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy…

Bình Dương đã xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó cụ thể để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, tháo gỡ vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn cho vay, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội ứng phó với dịch bệnh… Từ tháng 9, tình hình đang dần trở nên khả quan hơn.

Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết: đến cuối tháng 9/2021, dư nợ tín dụng của Bình Dương đạt khoảng 241 nghìn tỷ đồng, tăng 5,15% so với cuối năm 2020 (thấp hơn so với mức tăng tín dụng chung toàn quốc là 7,54%). Tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 1%, song có xu hướng tăng so với đầu năm, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng DN bị thua lỗ, tạm dừng hoạt động, mất thị trường tiêu thụ, không có khả năng thanh toán nợ vay do ảnh hưởng của dịch.

Riêng trên địa bàn tỉnh Bình Dương, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 4.700 khách hàng với tổng giá trị nợ 10.000 tỷ đồng; cho vay mới để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 223.000 tỷ đồng với số khách hàng còn dư nợ tại cuối kỳ báo cáo là 13.300 khách hàng.

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương: Từ tháng 9, tình hình đang dần trở nên khả quan hơn, dù vậy nhiều DN ở địa phương vẫn khó khăn - Ảnh:VGP.

Ông Chúc Vệ Hoa, TGĐ Công ty TNHH Lợi Hào cho biết, số lao động giảm còn một nửa. Trở lại giai đoạn bình thường mới, DN không chỉ thiếu hụt nhân công, mà nguồn vốn cũng cạn kiệt, dự tính thiếu hơn 1.000 tỷ đồng để duy trì hoạt động.

Còn ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen lại nêu khó khăn do dịch, sản xuất kinh doanh, hàng hoá lưu thông ngưng trệ khiến nhu cầu vốn lưu động của DN tăng mạnh. Giá cả các loại nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, nếu muốn duy trì sản lượng sản xuất nhu cầu vốn tăng gấp đôi, do đó, dù lãi suất cho vay giảm, nhưng chi phí lãi vay vẫn tăng lên.

Ngoài ra, có một số DN khó khăn trong việc thiếu tài sản đảm bảo hoặc mong muốn khi vay, ngân hàng cho thế chấp quyền thu nợ hay kéo dài thời gian gia hạn nợ. Các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng nêu một số khó khăn liên quan đến nguy cơ DN bị dồn các khoản đến hạn trả nợ sau thời gian được gia hạn…

Ngân hàng và nhiệm vụ kép phải thực hiện

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đánh giá cao tinh thần trao đổi thẳng thắn của các DN và chia sẻ về những khó khăn mà DN gặp phải do tác động của dịch COVID-19.

Ông Đào Minh Tú khẳng định: Bình Dương là một trung tâm kinh tế lớn, do đó, hệ thống ngân hàng xác định việc hỗ trợ các DN nói chung, đặc biệt ở Bình Dương nói riêng là nhiệm vụ quan trọng để góp phần thực hiện chủ trương khôi phục kinh tế của Chính phủ. Tuy nhiên, bên cạnh mục tiêu cấp bách khôi phục tăng trưởng, Quốc hội, Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô.

Do đó, NHNN cũng vẫn luôn phải tính toán rất kỹ về dư địa điều chỉnh chính sách tiền tệ, để bảo đảm cân đối quyền lợi cả người vay tiền cũng như người gửi tiền, giữ cân đối thanh khoản. Về tăng trưởng tín dụng, lãnh đạo NHNN cho biết: NHNN vẫn duy trì mức chỉ tiêu 12% trong năm 2021, tuy nhiên, đây không phải là mức cứng mà có thể sẽ điều chỉnh tuỳ theo thực tế, sẽ nới thêm với các TCTD cho vay nhiều vào lĩnh vực ưu tiên.

Tại Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã giải đáp một số vướng mắc cụ thể, đồng thời nêu định hướng để các tổ chức tín dụng (TCTD) bám sát tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để phục hồi trong tình hình mới.

Thứ nhất, Phó Thống đốc đề nghị các NHTM cần triển khai quyết liệt các văn bản chỉ đạo của NHNN, thống nhất triển khai từ hội sợ tới chi nhánh. Các ngân hàng thương mại (NHTM) phải rà soát thực hiện thật tốt các hướng dẫn của NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay…Với DN đủ điều kiện, các TCTD nên “mạnh dạn” kéo dài tối đa việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng thực hiện đến ngày 30/6/2022.

“Tuỳ hình hình, NHNN sẽ tiếp tục điều chỉnh chính sách về cơ cấu nợ để hỗ trợ tốt hơn cho DN. Đồng thời, các ngân hàng đẩy mạnh thực hiện cam kết giảm lãi suất dư nợ hiện hữu quy mô trên 20.613 tỷ đồng của 16 NHTM. NHNN sẽ giám sát chặt chẽ và công khai việc này”, lãnh đạo NHNN khẳng định.

Về quan hệ ngân hàng-DN, Phó Thống đốc Đào Minh Tú phân tích: nền kinh tế đang vận hành theo thị trường, với nhiều ngân hàng cạnh tranh nhau. Nếu DN có dự án tốt, quản trị dòng tiền hiệu quả, nhưng ngân hàng đối tác không đồng hành, “lờ đi ” việc chia sẻ hỗ trợ, DN có thể chuyển sang ngân hàng khác, đây là “sự cạnh tranh rất sòng phẳng”.

Thứ hai, lãnh đạo NHNN kêu gọi các ngân hàng tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận, tranh thủ tiếp tục hạ các loại phí dịch vụ, đây cũng là giải pháp chia sẻ khó khăn cho khách hàng.

Thứ ba, với các kiến nghị liên quan khó khăn về thủ tục và DN muốn vay không có tài sản đảm bảo, hoặc mong muốn thế chấp quyền thu nợ…, ông Đào Minh Tú khẳng định, tài sản đảm bảo không phải quy định bắt buộc cho mọi khoản vay. Các DN có thể vay tín chấp (không cần tài sản đảm bảo) nếu đáp ứng các điều kiện về quản lý dòng tiền, dự án tốt, minh bạch… Tuy nhiên, thực tế để vay được loại hình này không dễ, vì các giám đốc chi nhánh ngân hàng phải chịu trách nhiệm thẩm định khoản vay đạt điều kiện hay không, đặc biệt phải tuân thủ các quy định khá chặt chẽ về quản lý hiệu quả dòng tiền với dự án vay tín chấp.

Thứ tư, lãnh đạo NHNN cảnh báo các TCTD phải trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, không được tranh thủ thông đồng với các DN đánh giá không chính xác tình hình tài chính, lợi dụng đảo nợ, “giấu nợ xấu”, làm sai lệch mục tiêu hỗ trợ gây ra hệ quả nợ xấu cho nền kinh tế trong tương lai.

Thứ năm, ông Đào Minh Tú đề nghị các ngân hàng tích cực chuyển đổi số, nâng cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng công nghệ hiện đại, tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng, bao gồm cả các giao dịch cho vay…

Thứ sáu, lãnh đạo NHNN bày tỏ mong muốn Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh Bình Dương, cùng với các Sở, ban, ngành, các Hội, hiệp hội DN sẽ tiếp tục phối hợp các nhiệm vụ giúp cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo đà phát triển trong thời gian tới.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay: Quốc hội, Chính phủ đang tích cực bàn thảo các giải pháp tổng thể, trong đó có việc phối hợp chính sách tài khoá, tiền tệ linh hoạt, tính toán liều lượng các chương trình hỗ trợ để phục hồi kinh tế.

“Ngành ngân hàng sẵn sàng hưởng ứng chủ trương đúng đắn này, tuy nhiên, cũng cần tính toán kỹ để dòng vốn bơm đến đúng địa chỉ, tránh lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến lâu dài”- Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm