Thị trường

Mở đường thoát cho ‘vựa trái cây’ miền Tây

Với khoảng 6.650ha diện tích cây ăn trái các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, để mở đường thoát thì phải có tầm nhìn dài hạn, chuyển đổi mùa vụ phù hợp và tái cấu trúc ngành hàng trái cây có tính bền vững hơn.

Hội nghị kết nối - cung cầu 2020: Doanh nghiệp "bắt tay" giúp hàng Việt lan tỏa / Lào Cai: Thu giữ 109 kg dạng bột và 20,84 lít dạng lỏng thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc

Xã Hiệp Đức ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) có hơn 650 ha sầu riêng. Lúc chưa có hạn mặn, cây sầu riêng ở đây cho hiệu quả kinh tế cao. Mỗi ha thu hoạch khoảng 20-25 tấn sầu riêng, với giá khoảng 60-70 nghìn đồng/kg thì sau khi trừ chi phí, mỗi hộ lãi khoảng 1,1 tỷ đồng.

Thế nhưng, đợt hạn mặn khắc nghiệt của năm 2020 đã khiến cho 70% diện tích trồng sầu riêng của xã bị thiệt hại và chết, khiến cho nguồn thu của nông dân sụt giảm thê thảm.

Từ chuyện sầu riêng “trái mùa nghịch vụ”

Anh Trần Văn Hai ở ấp Hiệp Quới, xã Hiệp Đức, cho biết, gia đình anh trồng 6 công sầu riêng Ri6. Đợt hạn, mặn vừa qua làm nhiều cây sầu riêng trong vườn bị suy kiệt. Sau hạn, mặn, anh thực hiện nhiều giải pháp và hiện vườn sầu riêng đã phục hồi khá tốt. Tuy nhiên, do cây không đảm bảo cho việc lấy trái nên gia đình không tiến hành xử lý nghịch vụ.

HINH-7637-1600941136.jpg

Mô hình sầu riêng “nghịch mùa trái vụ” thích ứng hạn mặn cần được nhân rộng ở ĐBSCL.

Trong khi đó, cũng ở xã Hiệp Đức, vườn sầu riêng của ông Mai VănÂu sau hạn mặn được cho là đang phục hồi tốt và đang làm mô hình sản xuất sầu riêng “trái mùa nghịch vụ”.

Trong chuyến khảo sát mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thích ứng với xâm nhập mặn tại huyện Cai Lậy hôm 23/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến thăm mô hình của ông Âu và đánh giá cao mô hình này khi sản xuất trái vụ, vừa hiệu quả cao do được giá, đi liền với đó không bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn.

Thủ tướng cho rằng cần xem xét chuyển đổi mùa vụ phù hợp, đây là hướng đi cần thiết. Từ kinh nghiệm của hộ nông dân Mai Văn Âu nên chuyển giao cho nhiều hộ khác.

Với khoảng 10.000 ha trồng cây sầu riêng, huyện Cai Lậy được ghi nhận là địa phương có diện tích trồng sầu riêng hàng đầu cả nước. Tuy nhiên, trước đợt xâm nhập mặn vừa qua thì người nông dân ở đây có băn khoăn là họ có nên tiếp tục gắn bó với cây sầu riêng hay không?

Một nông dân ở đây cho biết do lâu nay đã gắn bó với cây trồng này và cho mang lại nguồn thu nhập cao nên sẽ tiếp tục phục hồi vườn sầu riêng sau khi bị suy kiệt vì hạn mặn và sẽ tìm hiểu về mô hình “trái mùa nghịch vụ”.

 

Bên cạnh cây sầu riêng, tổng kết gần đây về đợt hạn mặn mùa khô 2019 – 2020 đã cho thấy có khoảng 6.650ha diện tích cây ăn trái các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị ảnh hưởng do khô hạn, xâm nhập mặn, tập trung ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng.

Giới chuyên gia cho rằng ngành hàng trái cây ĐBSCL do chịu tác động mạnh từ biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn nên đã tác động mạnh mẽ đến kết quả sản xuất, ảnh hưởng đến sự ổn định của chuỗi giá trị.

Điều hiển nhiên là sẽ giảm năng suất cây ăn trái. Ngoài ra, sự phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên sẽ làm cho ngành hàng trái cây ở ĐBSCL bị “khu vực hóa” mạnh mẽ, có sản phẩm chỉ tập trung ở vùng này nhưng vùng khác không phát triển được hoặc cho năng suất, chất lượng thấp.

Đến tìm lợi thế trong mối nguy

Trong vấn đề xâm nhập mặn, theo chuyên gia Lê Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ) thì với tình trạng đất phèn, nước phèn đã chiếm khoảng 1,6 triệu ha ở ĐBSCL là một thách thức cho canh tác nông nghiệp, làm cho diện tích trồng cây ăn trái trong vùng bị thu hẹp.Vấn đề đặt ra là làm thế nào để mở đường thoát cho “vựa trái cây” của cả nước thoát khỏi tình trạng này.

 

Cần nhắc lại, khi làm việc với các địa phương ở ĐBSCL chịu ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có lưu ý là “phải có quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL để có tầm nhìn dài hạn hơn chứ không phải nóng đâu phủi đó, đối phó từng năm”.

Trong vấn đề của ngành hàng trái cây ĐBSCL, PGS.TS. Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cho rằng với điều kiện khí hậu của ĐBSCL và kinh nghiệm sản xuất của nông dân ĐBSCL thì họ có thể làm quanh năm.

Ví dụ như cam quýt, bưởi ở ĐBSCL cho trái quanh năm. Ở miền Bắc và các nước như Trung Quốc, Nhật chỉ cho trái từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Chôm chôm và sầu riêng ở đây có thể cho trái vào mùa khô tháng 12, 1, 2 cũng là một độc đáo.

Hay như xoài cát Hòa Lộc, trước đây chỉ cho trái vào tháng 4-6 là hết, bây giờ hầu như có quanh năm. Đây là những ưu thế của trái cây ĐBSCL mà ngay cả miền Đông Nam Bộ cũng không có được. Nhờ vậy, trái chôm chôm ĐBSCL đã có đóng góp vào việc xuất khẩu, cạnh tranh với trái cây nhiệt đới Thái Lan và ở thị trường Mỹ.

Theo ông Châu, bên Úc, từ học hỏi kinh nghiệm trồng xoài ở ĐBSCL, nông dân Việt Nam tại Úc đã cho trái xoài chín trước 2 tháng so với nông dân Úc cùng điều kiện. Nhờ vậy, từ những người khó khăn lúc mới qua, đến nay, rất nhiều nông dân Việt Nam tại Úc đã thu hoạch cả triệu USD mỗi năm nhờ bán xoài sớm.

 

Nêu ra vài ví dụ để thấy, từ mô hình sầu riêng “trái mùa nghịch vụ” cho đến việc các loại trái cây khác có thể cho ra trái quanh năm là một lợi thế để ngành hàng trái cây ĐBSCL thích ứng trước mối nguy hạn mặn.

Giới chuyên gia nhấn mạnh tầm nhìn dài hạn và bức xúc trước mắt cho một ngành hàng trái cây ở ĐBSCL là rất cần phát triển an toàn, trù phú và bền vững trước tác động xấu của biến đổi khí hậu đang đòi hỏi phải thực hiện tái cấu trúc theo hướng phát triển bền vững hơn.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm