Tín dụng ngoại tệ giảm không đáng lo?
Hội nghị kết nối - cung cầu 2020: Doanh nghiệp "bắt tay" giúp hàng Việt lan tỏa / "EVFTA không chỉ là nơi xuất con tôm, bán cân gạo"
Các TCTD vẫn đang kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay ngoại tệ. |
Theo quy định của Thông tư 42/2018/TT-NHNN, kể từ ngày 1/10/2019, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã dừng cho vay ngoại tệ trung và dài hạn. Trước đó, từ 1/4/2019, các TCTD cũng đã chấm dứt việc cho vay ngoại tệ ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước.
Xu hướng giảm tín dụng ngoại tệ
Thực tế, quy định hiện hành vẫn cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước được vay ngoại tệ ngắn hạn của ngân hàng để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, so với vay tín dụng bằng VND, lãi suất cho vay ngoại tệ tại các ngân hàng vẫn thấp hơn. Hiện, lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3,0-6,0%/năm, trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 3,0-4,5%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,2-6,0%/năm.
Còn mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6,0-9,0%/năm đối với ngắn hạn; 9,0-11%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng VND đối với một số ngành lĩnh vực ở mức 5,0%/năm.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn, HSBC Việt Nam nhận định, về mặt định hướng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã rất rõ ràng trong việc giảm cho vay bằng ngoại tệ, chuyển sang hình thức mua bán ngoại tệ và cho vay bằng đồng nội tệ.
Tuy nhiên, trong thời điểm khó khăn như hiện nay, việc cho phép và hỗ trợ các doanh nghiệp có doanh thu bằng ngoại tệ có thể được cân nhắc cho vay ngoại tệ với mức lãi suất thấp hơn. Việc ấn định mức lãi vay hay chính sách hỗ trợ tùy thuộc vào chính sách của NHNN và nguồn vốn ngoại tệ của các ngân hàng.
Đáp ứng đủ nhu cầu
Tại cuộc họp báo công bố kết quả hoạt động ngân hàng quý III, dù không đưa ra con số cụ thể, song NHNN cũng cho biết tín dụng ngoại tệ đang có xu hướng giảm và các TCTD vẫn đang kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay ngoại tệ.
Theo thống kê, tại TP.HCM - thị trường tiền tệ lớn và sôi động nhất cả nước, tín dụng ngoại tệ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tính đến đầu tháng 8/2020, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố tăng 9,09% so với cùng kỳ năm trước, nhưng dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ lại giảm 0,52% so với cuối năm 2019. Xét theo giá trị tuyệt đối dư nợ cho vay ngoại tệ đạt khoảng 165.000 tỷ đồng (quy đổi), chiếm khoảng 6,96% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn, thấp hơn nhiều so với tỷ trọng 7,78% của 8 tháng đầu năm 2019.
Tín dụng ngoại tệ giảm chỉ một phần nhỏ là do tác động của Thông tư 42, mà chủ yếu do cầu tín dụng giảm. Nguyên nhân là bởi, đại dịch Covid-19 một mặt đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, đồng thời cũng khiến hoạt động xuất khẩu bị ngưng trệ, hệ quả là các doanh nghiệp hạn chế vay ngoại tệ để nhập khẩu nguyên vật liệu làm hàng xuất khẩu.
Thực tế, lâu nay tín dụng ngoại tệ không phải là yếu tố chính đóng góp vào lợi nhuận của ngân hàng. Vì vậy, tín dụng ngoại tệ giảm cộng thêm nguồn cung ngoại tệ trong nền kinh tế dồi dào càng giảm bớt áp lực lên tỷ giá kể cả khi thị trường bên ngoài có nhiều biến động trong thời gian qua. Điều này giúp NHNN mua thêm được nhiều ngoại tệ để bổ sung cho quỹ dự trữ.
Số liệu được công bố tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 mới đây cho thấy, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đã đạt tới mức kỷ lục 92 tỷ USD.
NHNN cho biết, về điều hành tỷ giá, từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù một số giai đoạn chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và biến động trên thị trường quốc tế, thị trường ngoại tệ vẫn duy trì ổn định, tỷ giá USD/VND diễn biến linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; NHNN tiếp tục mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối của Nhà nước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo