Thị trường

Một số nước liên tiếp cấm xuất khẩu gạo, thương nhân trong nước cần lưu ý gì?

DNVN - Với việc Ấn Độ, UAE và Nga liên tiếp ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân xuất khẩu gạo báo cáo lượng gạo tồn kho cũng như tình hình ký hợp đồng, thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo theo quy định.

Giá vé máy bay biến động mạnh dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 / Gỡ khó, tìm đầu ra cho ngành dệt may, da giày, đồ gỗ

Ngày 20/7 vừa qua, Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường và lệnh này có hiệu lực ngay lập tức. Sau đó, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Nga cũng có động thái tương tự.

Để góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa,bình ổn giá thóc, gạo trong nước, bảo đảm an ninh lương thực, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân ngày 31/7 đã có văn bản gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các thương nhân xuất khẩu gạo đề nghị báo cáo tình hình lượng lúa, gạo tồn kho; tình hình ký hợp đồng và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định 107/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Văn bản nêu rõ, tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường do tác động bởi nhiều yếu tố, gồm: lệnh cấm xuất khẩu gạo tại Ấn Độ, UAE, Nga; hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lương thực, ngũ cốc tại nhiều khu vực. Ngoài ra, tình hình địa chính trị còn diễn biến phức tạp với việc Nga tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen...


Tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, khó lường.

Bộ Công Thương yêu cầu VFA và các thương nhân xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm túc quy định của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo. Thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định, bảo đảm cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá lúa gạo tại thị trường trong nước.

Báo cáo tình hình lượng thóc, gạo tồn kho; tình hình ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng xuất khẩu theo quy định.

Các thương nhân cần chủ động theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo toàn cầu và trao đổi với VFA, nhằm kịp thời báo cáo Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT liên quan hoạt động xuất khẩu gạo, đồng thời đề xuất giải pháp phù hợp.

Bộ Công Thương yêu cầu VFA và các thương nhân báo cáo các nội dung trên về Cục Xuất nhập khẩu trước ngày 3/8.

Trước đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng đã có văn bản đề nghị VFA phối hợp tăng cường đôn đốc các hội viên, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, giữ vai trò dẫn dắt như Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Tổng Công ty Lương thực miền Nam... tổ chức thu mua và tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa, bảo đảm lợi ích cho người trồng lúa theo chính sách hiện hành.

Liên quan đến việc Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, ông Bùi Trung Thướng - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tẻ thường. Trong đó, phải kể đến là do giá gạo bán lẻ tại Ấn Độ tăng cao, diện tích gieo trồng lúa gạo vụ hè thu giảm do ảnh hưởng của thời tiết và lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ tăng mạnh trong thời gian vừa qua.

Ấn Độ cấm xuất khẩu này sẽ tác động đến hơn 25% lượng gạo xuất khẩu của quốc gia này. Ấn Độ hiện cũng chiếm hơn 40% tổng lượng gạo được xuất khẩu trên toàn cầu, do đó việc quốc gia này cấm xuất khẩu gạo tẻ thường sẽ đẩy giá gạo thế giới tăng cao.

"Việc Ấn Độ đột ngột cấm xuất khẩu gạo sẽ ảnh hưởng tới các hợp đồng xuất khẩu gạo nhưng chưa tiến hành giao hàng. Trong đó, Việt Nam là nước nhập khẩu lượng gạo lớn từ Ấn Độ nên sẽ gây rủi ro cho các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam. Các doanh nghiệp cần nhanh chóng làm việc với phía xuất khẩu Ấn Độ để giải quyết vấn đề trên cơ sở hợp đồng. Nếu có khó khăn, đề nghị liên hệ Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ để được hướng dẫn", ông Thướng chia sẻ.

Trên bình diện quốc gia, theo ông Thướng, Việt Nam cũng nên nghiên cứu tính toán điều tiết hoạt động xuất khẩu gạo phù hợp vì giá gạo sẽ tăng.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm