Thị trường

Nâng cao hiệu quả thu hút FDI - tăng cường vai trò của Kiểm toán Nhà nước

Các doanh nghiệp FDI kê khai, báo lỗ trong thời gian qua là khá phổ biến, chiếm đến 50% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên cả nước.

Apple: Khi sự tuyệt đối về giàu có đã không còn xa / Doanh nghiệp nhỏ và vừa đối mặt với nhiều thách thức khi EVFTA có hiệu lực

Ngày 9/6, tại Hà Nội, diễn ra Hội thảo với chủ đề “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI và vai trò của Kiểm toán Nhà nước”.

Theo các khảo sát, phân tích, nghiên cứu về đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, hiện tượng các doanh nghiệp FDI kê khai, báo lỗ trong thời gian qua là khá phổ biến, chiếm đến 50% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên cả nước. Trong đó có nhiều nguyên nhân, nhưng phải kể đến hành vi “chuyển giá”. Những doanh nghiệp đang hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường cũng không nhỏ. Ngoài ra, với mục đích lợi nhuận, các doanh nghiệp nước ngoài chỉ đầu tư vào những nơi có lợi nhất, do đó, sẽ làm mất cân đối giữa các vùng, miền, giữa nông thôn và thành thị.

nang cao hieu qua thu hut fdi - tang cuong vai tro cua kiem toan nn hinh 1
Quang cảnh buổi hội thảo ngày 9/6.

Tính đến tháng 3 năm nay, Việt Nam có hơn 31.600 dự án FDI còn hiệu lực với vốn đăng ký hơn 370 tỷ USD. Với những Hiệp định Thương mại thế hệ mới đã được ký kết, Việt Nam tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo nhận định của các chuyên gia, Hiệp định EVFTA và EVIPA vừa được Quốc hội thông qua, sẽ mở ra cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam và việc đầu tư của các nước châu Âu sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn.

Vấn đề được đặt ra là làm thế nào để thu hút đầu tư FDI trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay? Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong nêu ý kiến: “Cần rà soát để loại bỏ các dự án chất lượng thấp dựa trên những nhận diện về vốn mỏng, sử dụng nhiều đất, thậm chí buôn đất hoặc bỏ hoang đất. Mặt khác, cần rà soát các chính sách để giảm bớt những ưu đãi và tránh rủi ro chính sách, để trong thời gian tới tránh kiện cáo giữa doanh nghiệp và Chính phủ trong khuôn khổ của những hiệp định thế hệ mới”.

Về vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong việc thu hút FDI lành mạnh, làm trong sạch môi trường đầu tư, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và lành mạnh nền tài chính quốc gia, các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, Kiểm toán Nhà nước cần tổ chức các cuộc kiểm toán chuyên đề để đánh giá các chính sách ưu đã đầu tư và kết quả thực hiện thu hút đầu tư. Nếu phát hiện những bất cập, cần kiến nghị kịp thời để sửa đổi, bổ sung, góp phần minh bạch hóa môi trường đầu tư. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm toán công tác quản lý thu Ngân sách liên quan đến lĩnh vực FDI.

GS. TS. Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trên một số lĩnh vực như môi trường, đất đai, chuyển giá và từ đó đã có các kiến nghị các cơ quan quản lý khắc phục những sai sót, yếu kém và sửa đổi, bổ sung các quy định để ngăn chặn các “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách.

“Không chỉ về tiêu chí thu hút đầu tư về yếu tố đầu vào, mà chúng ta phải xây dựng tiêu chí ưu đãi đầu tư kể cả các yếu tố đầu ra, làm sao phải đảm bảo yêu cầu cao và tiên tiến, ví dụ như về công nghệ, sản phẩm hay lao động”, GS. TS. Đoàn Xuân Tiên nêu rõ./.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm