Miễn, giảm thuế thu nhập giúp doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh
Vietcombank lần thứ 2 liên tiếp đạt quán quân về lợi nhuận trong “Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất” / FPT Retail kỳ vọng vào chuỗi nhà thuốc Long Châu
Dự thảo này vẫn cần phải được Chính phủ hoàn thiện trước khi trình Quốc hội xem xét ban hành nhưng rất được chú ý. Trong bối cảnh các DN nhỏ, siêu nhỏ là đối tượng chịu tác động sớm và mạnh nhất từ dịch Covid-19, việc được giảm một phần thuế TNDN sẽ tạo điều kiện để tập trung nguồn lực phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Hơn 700 ngàn DN được giảm thuế
Theo Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2019, trong cơ cấu DN của Việt Nam, nhóm DN có quy mô nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số DN, trong đó DN có quy mô siêu nhỏ chiếm hơn 63%, quy mô nhỏ chiếm hơn 30% và quy mô vừa chiếm gần 4%.
Trong đại dịch Covid-19, DN nhỏ và siêu nhỏ là những đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề bởi đây hầu hết là các đơn vị chuyên về dịch vụ, du lịch, giáo dục, thương mại, sản xuất nhỏ… Cách ly xã hội để phòng, chống dịch khiến nhu cầu của các lĩnh vực trên giảm sút và các đơn vị này phải "tạm đóng cửa" theo quy định của Nhà nước trong thời gian dài nên không có doanh thu.
Việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có thêm điều kiện phục hồi sản xuất Trong ảnh: Sản xuất tại một doanh nghiệp ngành hàng công nghiệp hỗ trợ ở TP.Biên Hòa. Ảnh minh họa
Trước tình hình trên, Bộ Tài chính được Chính phủ giao xây dựng dự thảo để trình Quốc hội ban hành về việc miễn giảm thuế cho nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ nhằm giúp DN mau chóng phục hồi lại hoạt động. Theo đó, đề xuất Quốc hội giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020. Cụ thể, các DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 10 người (DN siêu nhỏ), DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người (DN nhỏ) sẽ được miễn thuế.
Với chính sách miễn, giảm này, sẽ có khoảng 700 ngàn DN (chiếm khoảng 93% tổng số DN trong cả nước), được hưởng lợi. Để miễn giảm thuế, uớc tính ngân sách nhà nước sẽ giảm thu khoảng 15,5 ngàn tỷ đồng. Tuy hụt thu ngân sách nhưng chính sách này được đánh giá là sẽ giúp thị trường, nền kinh tế sớm ổn định trở lại, đồng thời DN có cơ hội phát triển, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách trong năm tiếp theo.
DN mong có thêm các hỗ trợ
Động thái nêu trên của Chính phủ và Quốc hội rất được cộng đồng DN mong chờ. Bởi việc đề xuất giảm thuế thu nhập DN thời điểm này là rất kịp thời và thiết thực. DN có thêm vốn để duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Dù dịch bệnh đã được kiểm soát, nền kinh tế dần hồi phục nhưng thực tế sẽ cần một thời gian để trở lại trạng thái hoạt động bình thường như trước dịch Covid-19. Bên cạnh đó, do phải chịu tác động trong cả quý I và đầu quý II nên nhiều DN hiện cũng đang rất khó khăn.
“Nếu Quốc hội ban hành được nghị quyết về giảm thuế sẽ giúp DN giảm được một phần kinh phí. DN siêu nhỏ như công ty chúng tôi đang thiếu vốn để thu mua nguyên vật liệu, cũng như hoàn thành các đơn hàng từ trước. Việc giảm thuế cũng kích thích các DN khác có nguồn lực tập trung vào sản xuất và đó là cơ hội để kinh tế hồi phục” - ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế mỹ thuật Thiên Nam (TP.Biên Hòa) chia sẻ.
Tương tự, theo ông Nguyễn Đức Tuấn Hải, Giám đốc Công ty TNHH Chiếc Lá Xanh (Khu công nghiệp Hố Nai) cho hay là DN nhỏ nhưng lại chuyên xuất khẩu sản phẩm đi các nước ở châu Âu, Mỹ nên đợt dịch Covid-19 vừa qua ảnh hưởng rất nặng. Đến hiện tại, tình hình sản xuất, bán hàng của công ty vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, việc miễn thuế TNDN là giải pháp rất cần kíp để cộng đồng DN sớm được hồi phục.
Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách miễn giảm thuế TNDN là đúng đắn và kịp thời, tuy nhiên đây cũng mới chỉ là giải pháp ngắn hạn trong năm nay để giải quyết những khó khăn trước mắt. Cùng với việc giảm thuế, Nhà nước cần có sự hỗ trợ dài hơi hơn để DN nhỏ, siêu nhỏ không những có thể hồi phục mà còn bật dậy, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và phát triển nhanh khi thời cơ tới.
Ngoài miễn, giảm thuế thì phải có chính sách hỗ trợ về thị trường, Nhà nước giải ngân sớm các gói an sinh xã hội, hỗ trợ cho công nhân... và đặc biệt là tạo điều kiện thông thoáng, ưu đãi hơn trong việc vay vốn phục vụ sản xuất. Các gói kích cầu của Nhà nước chính là vực dậy thị trường, từ đó DN nhỏ, siêu nhỏ có khách hàng và thị trường mạnh hơn, kích thích trở lại cho sự phát triển chung của nền kinh tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo