Thị trường

Nâng cao nhận thức về dịch vụ logistics và liên kết vùng

DNVN - Từ những khó khăn nhất định trong hoạt động logistics tại Gia Lai, việc nâng cao nhận thức về dịch vụ logistics và phát triển hành lang kinh tế, liên kết vùng được xem là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy dịch vụ logistics nơi đây phát triển.

Lãnh đạo thiếu tầm nhìn về AI, doanh nghiệp có nguy cơ tụt hậu / Hướng đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo chiếm 71,5% sản lượng

Tại hội nghị nâng cao nhận thức về dịch vụ logistics và phát triển hành lang kinh tế, liên kết vùng diễn ra mới đây tại Gia Lai, đại diện Sở Công thương tỉnh Gia Lai cho biết, trong những năm qua, mặc dù đã đạt được những thành tựu phát triển nhất định trong phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên so với mặt bằng chung của cả nước, hoạt động logistics của tỉnh Gia Lai vẫn còn một số khó khăn nhất định.

Trong đó, các dịch vụ logistics có quy mô tương đối nhỏ lẻ, loại hình dịch vụ đơn giản, chưa có tính liên kết cao, chưa mang lại giá trị gia tăng lớn. Chủ yếu là các hoạt động vận tải, chuyển phát hàng hóa đơn lẻ hoặc dịch vụ thuê kho, bãi. Các dịch vụ khác như: hỗ trợ bảo quản, đóng gói, hỗ trợ thủ tục hải quan, giao nhận, phân tích và kiểm định kỹ thuật… hầu như chưa có doanh nghiệp đầu tư kinh doanh.

Dịch vụ logistics là ngành dịch vụ còn khá mới mẻ. Công tác quản lý nhà nước về dịch vụ logistics gặp không ít khó khăn do dịch vụ logistics rộng, liên quan đến nhiệm vụ của nhiều bộ, ngành.


Hội nghị nâng cao nhận thức về dịch vụ logistics và phát triển hành lang kinh tế, liên kết vùng do Sở Công thương Gia Lai phối hợp với Hiệp hội phát triển nhân lực Logistics Việt Nam tổ chức.

Hiện nay, chất lượng của dịch vụ logistics phụ thuộc phần lớn vào chất lượng của dịch vụ vận tải. Khi hoạt động vận tải được tổ chức thực hiện một cách tối ưu, chất lượng tốt sẽ góp phần đáng kể nâng cao chất lượng dịch vụ logistics. Tuy nhiên, sự phát triển của dịch vụ vận tải tỉnh Gia Lai chủ yếu mới đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa nội tỉnh, quy mô nhỏ.

Ngoài ra, hạ tầng logistics chưa đồng bộ và còn thiếu tính kết nối, thiếu hạ tầng kho, bãi tập trung, chưa đồng bộ với hệ thống đường giao thông và cơ sở sản xuất. Phần lớn nhân lực trong lĩnh vực logistics hiện nay đều được đào tạo từ các nguồn khác nhau, chưa được đào tạo chính quy, bài bản. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics trên địa bàn chỉ dừng lại ở việc cung cấp các dịch vụ cơ bản, đơn lẻ, chủ yếu đảm nhận công đoạn giao nhận vận tải.

Thực trạng này cho thấy việc nâng cao nhận thức về dịch vụ logistics và phát triển hành lang kinh tế, liên kết vùng được xem là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy dịch vụ logistics Gia Lai phát triển.

Tại sự kiện, PGS, TS Trịnh Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) đã chia sẻ cho các cán bộ làm công tác quản lý, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh về hệ thống logistics, chỉ số năng lực logistics Việt Nam, xu hướng phát triển logistics, cam kết về dịch vụ logistics của Việt Nam trong hội nhập.

Vấn đề quy hoạch tổng thể quốc gia và hành lang kinh tế, phát triển liên kết vùng, phát triển hệ thống logistics của Gia Lai nhằm phát triển hành lang kinh tế và liên kết vùng… cũng đã được Phó Chủ tịch VALOMA đề cập.

Thông qua hội nghị, cán bộ làm công tác quản lý, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh được nâng cao kiến thức về các vấn đề liên quan tới hoạt động logistics. Từ đó góp phần đưa logistics trở thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng, hỗ trợ phát triển sản xuất, thương mại điện tử và dịch vụ kinh doanh, tiêu thụ, xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh.

Đồng thời, tạo sự liên kết vùng, hợp tác giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh với các đơn vị cung cấp các dịch vụ logistics trong và ngoài tỉnh, thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư, hoạt động kinh doanh dịch vụ...

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm