Ngân hàng Thế giới khen Việt Nam “chống chịu tốt”, kinh tế sẽ khởi sắc
Nông sản xuất siêu gần 2,8 tỷ USD trong 4 tháng / Giá lúa tăng nhẹ sau quyết định cho xuất khẩu gạo trở lại
WB nhận định, kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc trở lại
Ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19
Trong báo cáo cập nhật mới nhất về kinh tế Việt Nam mới công bố, Ngân hàng Thế Giới (World Bank - WB) cho rằng, không nằm ngoài xu hướng chung, Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, thể hiện rõ nét qua các con số thống kê.
Cụ thể, sau khi cầm cự khá tốt trong quý đầu năm 2020 với mức tăng trưởng GDP ước đạt 3,8%, kinh tế Việt Nam có dấu hiệu suy giảm do tình trạng cách ly xã hội toàn quốc trong tháng 4.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) trong tháng 4 giảm 13,3% so với tháng 3, tương đương 10,5% (so cùng kỳ năm trước), là mức giảm lớn nhất từ trước đến nay.
Doanh số bán lẻ cũng giảm đáng kể (giảm 9,6% so cùng kỳ năm trước) do người tiêu dùng gặp phải nhiều xáo trộn và hạn chế đi lại (kể cả khi có dấu hiệu chuyển dịch sang thương mại điện tử). Vận tải hành khách và hàng hóa giảm lần lượt 27,5% và 7,2%.
Theo Tổng cục Thống kê, việc làm ở các ngành chế tạo và chế biến chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với 1,2 triệu việc làm bị ảnh hưởng trong quý 1; tiếp theo là 1,1 triệu việc làm trong các ngành bán buôn và bán lẻ, 740.000 trong các ngành lưu trú và ăn uống.
Trong số bị ảnh hưởng, 59% bị mất việc tạm thời, 28% phải làm việc theo ca, còn lại 13% bị mất việc.
Tỷ lệ thất nghiệp của người lao động có độ tuổi từ 15 trở lên cũng cao hơn so với 5 năm gần đây, lên đến 2,22% vào cuối tháng 3, cao hơn 0,07% so với quý trước đó.
Có đến 18.600 công ty phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh trong quý 1, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính đại dịch có thể ảnh hưởng đến từ 4,6 đến 10,3 triệu người lao động vào cuối quý 2.
Kinh tế sẽ khởi sắc trở lại
Tuy nhiên, điểm quan trọng tại báo cáo này là WB đánh giá, Việt Nam đã chống chịu tốt hơn ở phương diện kinh tế đối ngoại.
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong những tháng đầu năm 2020, nhưng với tốc độ chậm hơn so với giai đoạn trước Covid-19 phản ánh sức cầu bên ngoài yếu hơn, sự đứt đoạn của một số chuỗi cung ứng toàn cầu và lệnh cấm xuất khẩu gạo tạm thời (đã được dỡ bỏ).
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tăng 4,7% (so cùng kỳ năm trước) trong giai đoạn tháng 1 đến tháng 4, so với tốc độ tăng trưởng 6,5% cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài - được WB ví là “cỗ máy xuất khẩu của Việt Nam”, chỉ tăng 1,5% so với 4,4% trong cùng kỳ năm trước.
Dù vậy, báo cáo của WB vẫn khẳng định “kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc trở lại”. Bằng chứng, theo WB đó là, tăng trưởng tín dụng đã đảo chiều tăng lên trong tháng 3 sau khi chững lại trong 2 tháng đầu năm.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, tăng trưởng tín dụng cuối tháng 3 là 1,3% so với đầu năm - tương đương mức tăng khoảng 11% so cùng kỳ năm trước.
NHNN đã thực hiện gói các biện pháp hỗ trợ từ đầu tháng 3 nhằm cho phép các ngân hàng tái cơ cấu vốn vay và giảm lãi suất cho người vay.
NHNN cũng cân nhắc hỗ trợ tăng thanh khoản cho một số ngân hàng thương mại thông qua việc nâng hạn mức tín dụng, cho phép những ngân hàng này tăng các khoản vay cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính.
Bên cạnh đó, tình hình thực hiện ngân sách trong quý đầu năm 2020 là giảm thu và tăng chi, được dự báo cũng là xu hướng cho những tháng còn lại trong năm. Theo Bộ Tài chính, ước thực hiện thu ngân sách trong quý đầu năm 2020 chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước.
WB nhận định, kết quả nói trên phản ánh hiệu quả thu tốt hơn trong hai tháng đầu trước khi hoạt động kinh tế bị chững lại và chính sách thực hiện giãn nộp thuế có hiệu lực đầy đủ trong tháng 4.
WB cũng lưu ý, trong quý 1/2020, tổng chi tăng 8,7% (so cùng kỳ năm trước), cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 5% trong giai đoạn này. Mức tăng này được lý giải là do Chính phủ mong muốn đẩy mạnh triển khai các dự án hạ tầng quan trọng.
Gần đây, tổ chức Fitch Ratings đã điều chỉnh triển vọng của Việt Nam từ mức “tích cực” sang mức “ổn định”, và giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB. Triển vọng được sửa đổi cho thấy tác động leo thang của đại dịch Covid-19 với nền kinh tế Việt Nam trong các lĩnh vực xuất khẩu và du lịch, cũng như sức cầu trong nước yếu đi.
Xếp hạng của Fitch khẳng định viễn cảnh tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn của Việt Nam dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, mức nợ Chính phủ thấp và khu vực kinh tế đối ngoại có khả năng chống chịu, bao gồm cả dự trữ ngoại hối ở mức khá lớn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo