Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng
Xuất nhập khẩu 2021 nhiều điểm sáng từ tận dụng FTA / Vượt khó khăn, xuất nhập khẩu năm 2021 về đích ngoạn mục
Sáng 14/7, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị "Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm".
Báo cáo tổng kết của Bộ Công Thương cho biết: 6 tháng đầu năm 2022, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 8,48%, tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn nền kinh tế (tăng 6,42%) và tăng cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (6 tháng/2021 tăng 5,74%).
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,66%, đóng góp 2,58 điểm phần trăm vào tốc độ tăng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 9,3%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6%; ngành khai khoáng tăng 3,9%.
So với cùng kỳ năm trước, có 61/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, một số địa phương có chỉ số IIP tăng cao so với cùng kỳ như: Bắc Giang (tăng 48,9%), Quảng Nam (tăng 25,4%), Bình Phước (tăng 23,7%), Hà Giang (tăng 23%), Bắc Ninh (tăng 19,8%)…
Các nhóm ngành sản xuất có sự hồi phục nhanh: Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã cơ bản nối lại được các chuỗi cung ứng, cả sản lượng và số lượng đơn hàng mới đều tăng; ngành điện đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ cho phát triển kinh tế và sinh hoạt của người dân.
Khai thác dầu, khí và than vượt kế hoạch cùng với gia tăng nhập khẩu đã đảm bảo cung cấp đủ xăng dầu, than cho các hộ sản xuất, cho tiêu dùng ở thị trường trong nước, có dự trữ, đảm bảo an ninh năng lượng và đặc biệt đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước (thu ngân sách từ khai thác dầu thô tăng hơn 80% so với cùng kỳ).
Chỉ số tiêu thụ và chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cải thiện theo hướng tích cực 6 tháng đầu năm 2022 tăng 9,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2021 tăng 9,2%). Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 30/6/2022 tăng 14,1% (cùng thời điểm năm trước tăng 29,5%).
Về xuất nhập khẩu, xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao với tổng kim ngạch ước đạt 371,3 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 29,2%), đạt hơn 186 tỷ USD.
Xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng cao hơn khu vực có vốn FDI, tăng 19,5% (khu vực FDI kể cả dầu thô tăng 16,6%) cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện còn nhiều khó khăn.
Xuất khẩu tăng đều ở các nhóm hàng, trong đó nhóm nhiên liệu và khoáng sản tăng cao nhất (tăng 52,5%), do giá xuất khẩu của các mặt hàng (xăng dầu, dầu thô, than đá) tăng cao.
Nhóm nông sản, thủy sản và công nghiệp chế biến chế tạo đều tăng cao ở mức khoảng 17%, trong đó, tập trung ở các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và khai thác tốt các FTA như: Dệt may, da giày, thủy sản… và nhóm các mặt hàng tranh thủ được giá cao để đẩy mạnh xuất khẩu như: hóa chất, sản phẩm chất dẻo, phân bón...
Trong 6 tháng đầu năm, có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 4 mặt hàng so với cùng kỳ, chiếm 91,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58,3%).
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, trong 6 tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 56,6 tỷ USD, chiếm 30,4% kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 44,9%).
Tiếp đến là Trung Quốc đạt 26,2 tỷ USD, tăng 6,6%; thị trường EU đạt 23,8 tỷ USD, tăng 22,7%; thị trường ASEAN đạt 17,7 tỷ USD, tăng 26,9%; Hàn Quốc đạt 12,1 tỷ USD, tăng 17,1%; Nhật Bản đạt 11,4 tỷ USD, tăng 12,9%.
Các doanh nghiệp đã tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới để thúc đẩy xuất khẩu.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 185,3 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước và cơ bản được kiểm soát tốt.
Nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu tăng, chiếm 88,8%; nhập khẩu của nhóm hàng cần kiểm soát chỉ chiếm 5,8%.
Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu 743 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,86 tỷ USD), góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh