Thị trường

Nghệ An: Nợ xấu từ vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 lên tới 156 tỉ đồng

Theo thống kê, Nghệ An có 104 tàu được các ngân hàng tài trợ cho vay 774 tỉ đồng để đóng mới theo Nghị định 67. Tính đến thời điểm này có 81 tàu đến hạn trả nợ nhưng có 37 chủ tàu không trả được nợ, nợ xấu lên tới 156 tỉ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam – Tiềm năng còn bỏ ngỏ / Hà Nội tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh bằng 3 nhóm giải pháp

Thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ, các ngân hàng tại tỉnh Nghệ An đã cho ngư dân vay 774 tỉ đồng đóng mới 104 tàu cá (90 tàu vỏ gỗ, 9 tàu vỏ sắt, 5 tàu vỏ composite). Tính đến thời điểm hiện tại có 81 tàu đã đến thời hạn trả nợ ngân hàng, trong đó có 37 chủ tàu vay vốn tại 7 Chi nhánh ngân hàng không trả được nợ khi đến hạn, nợ xấu lên đến 156 tỉ đồng.

Nghệ An: Nợ xấu từ vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 lên tới 156 tỉ đồng - 1

Một tàu cá được đóng từ nguồn vốn vay thuộc Nghị định 67/2014/NĐ-CP tại thị xã Hoàng Mai (ảnh V.Hùng).

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, hiện nay, công tác thu hồi nợ theo chính sách quy định tại Nghị định 67 của các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Hiệu quả công tác phối hợp thu hồi nợ chưa cao; khó khăn trong việc áp dụng chế tài xử lý đối với các trường hợp chủ tàu chây ì, không hợp tác trả nợ; thời gian xử lý bồi thường bảo hiểm đối với trường hợp gặp sự cố trong phạm vi bảo hiểm kéo dài.

Nợ vay đóng tàu theo Nghị định 67 (gọi tắt là tàu 67) nếu không kiên quyết xử lý sẽ tạo tiền lệ xấu cho các chủ tàu khác và ảnh hưởng xấu đến cả chủ trương lớn của Chính phủ. Theo quy định, khi khách hàng vay đóng tàu 67 mà bị tính nợ quá hạn sẽ không được hỗ trợ lãi suất theo quy định. Điều này tiếp tục gây khó khăn cho chính ngư dân và các tổ chức tín dụng.

Trước tình hình đó, mới đây UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn số 2375/UBND-NN, giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thị xã ven biển chỉ đạo tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với các chủ tàu chây ì để phối hợp với các ngân hàng tìm giải pháp, đôn đốc ngư dân trả nợ theo đúng cam kết; đồng thời đưa ra các biện pháp xử lý đối với các trường hợp cố tình chây ì, không hợp tác. Trường hợp phát hiện các vụ việc có dấu hiệu lợi dụng chính sách của Nhà nước để trục lợi cá nhân, các hành vi vi phạm pháp luật, làm thiệt hại ngân sách Nhà nước, cần kịp thời tham mưu UBND tỉnh xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Nghệ An: Nợ xấu từ vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 lên tới 156 tỉ đồng - 2
Toàn tỉnh Nghệ An có 104 tàu cá được đóng mới từ nguồn vốn 774 tỉ đồng vay ưu đãi của các ngân hàng.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Nghệ An cũng giao UBND các huyện, thị xã ven biển chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động khai thác, sản lượng khai thác và tiêu thụ hải sản của ngư dân; kịp thời phối hợp, thông báo cho các ngân hàng các nguồn thu khác của chủ tàu như tiền hỗ trợ các chuyến đi biển, tiền hỗ trợ đóng mới tàu công suất trên 700CV, tiền hỗ trợ chi phí nhiên liệu… để các ngân hàng có phương án thu hồi nợ.

Các địa phương phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn trong việc xác định, tham mưu UBND tỉnh các chủ tàu đủ điều kiện, năng lực, tạo điều kiện triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế chuyển đổi chủ tàu theo Nghị định số 17/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ, qua đó hỗ trợ cho các ngân hàng xử lý tài sản đảm bảo trong trường hợp chủ tàu không đủ khả năng trả nợ hoặc cố ý chây ì không trả nợ.

 

Đối với trường hợp chủ tàu cá đã bị các ngân hàng thương mại khởi kiện và các vụ án dân sự liên quan đến chủ tàu vay vốn theo Nghị định 67 phát sinh về sau, UBND tỉnh Nghệ An cũng đề nghị tòa án các cấp đẩy nhanh quá trình xét xử; Cục Thi hành án dân sự tỉnh đẩy nhanh quá trình thi hành án đối với các vụ việc liên quan.

Theo dantri.com.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm