Thị trường

Ngừng sản xuất, các hãng bánh trung thu cần làm gì để khách hàng không "quên" thương hiệu?

DNVN - Theo ông Lại Tiến Mạnh - Giám đốc Công ty Milbrand Việt Nam, quyết định ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng của một số hãng bánh trung thu do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp là hoàn toàn hợp lý. Tuy vậy, việc thay đổi chiến lược theo diễn biến dịch bệnh hay thực hiện các bước đi để khách hàng không "quên" thương hiệu là rất cần thiết.

Đà Nẵng: Bổ sung 2 khu đất lớn ở trung tâm thành phố đấu giá quyền sử dụng đất năm 2021 / VN-Index quay đầu giảm điểm trước áp lực bán từ nhóm vốn hóa lớn

Ngừng sản xuất là quyết định hợp lý
Dịch bệnh COVID-19 đã diễn ra gần 2 năm qua nhưng mùa trung thu năm nay có lẽ là đặc biệt nhất khi cả nước tập trung phòng, chống dịch, nhiều địa phương phải thực hiện biện pháp giãn cách xã hội kéo dài. COVID-19 đã tác động không nhỏ đến tất cả các thương hiệu bánh trung thu.
Theo tìm hiểu của Doanh nghiệp Việt Nam, không ít các thương hiệu bánh trung thu như KIDO, ABC Bakery ngừng hoạt động, hoặc các "ông lớn" khác sản xuất cầm chừng trong bối cảnh các chuỗi cung ứng lớn bị đứt gãy, và đặc biệt là nhu cầu tiêu dùng thấp. Các hãng bánh trung thu handmade cũng đồng loạt tuyên bố "tắt bếp", đóng fanpage, hẹn khách hàng vào mùa đoàn viên năm sau.
Chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam, CEO Trâm Tạ - Chủ thương hiệu bánh trung thu Trâm Mooncake, cho biết, nhiều công ty lớn đã đặt với số lượng lớn nhưng bà buộc phải từ chối bởi trong thời điểm dịch bệnh mặt hàng thực phẩm khó kiểm soát, chưa kể đến việc đứt gãy nguồn cung nhân lực, nguyên vật liệu cũng như vận chuyển hàng hóa vô cùng khó khăn.
"Là dòng bánh handmade, khác hẳn với bánh công nghiệp sản xuất hàng loạt, năm nay hoạt động vận chuyển gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nên tôi quyết định ngừng sản xuất mặt hàng này, kèm theo đó là đóng fanpape của hãng", CEO Trâm Tạ - chủ thương hiệu của nhiều mặt hàng khác ngoài bánh trung thu như Trâm Present, Trâm Beauty, Trâm Jewelry cho biết.
Bình luận về việc các hãng bánh trung thu ngừng sản xuất, ông Lại Tiến Mạnh - Giám đốc Milbrand Việt Nam cho biết, COVID-19 đã ảnh hưởng đến mọi công ty, thương hiệu. Khách hàng ít tiêu dùng hơn và tiêu dùng chọn lọc hơn.

Năm nay, người tiêu không còn được thấy những ki-ốt bán bánh trung thu ngoài mặt đường hay những chiến dịch marketing rộn ràng như mọi năm.
"Đây là bài toán kinh doanh trong bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài. Từ xưa đến nay, bánh trung thu phân phối theo cách truyền thống. Theo đó, sản phẩm được bày bán trên vỉa hè tại các tuyến phố chính để khách đi đường dừng lại mua. Tuy nhiên, hệ thống phân phối truyền thống này đã bị phá vỡ hoàn toàn trong mùa trung thu năm nay bởi nhiều tỉnh, thành thực hiện biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16", ông Lại Tiến Mạnh nói.
Các nhà kinh doanh bánh truyền thống chỉ còn kênh siêu thị và kênh online trong khi hai kênh này chỉ phổ biến ở một số tỉnh, thành phố lớn. Quyết định dừng kinh doanh là sáng suốt, giúp doanh nghiệp không bị rủi ro về khả năng ế hàng.
"Thà ngừng sản xuất ngay từ đầu còn hơn là sản xuất một loạt rồi không bán được. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay gần như thương hiệu nào cũng bị ảnh hưởng. Có khi sản xuất ra mà không bán được, thương hiệu còn bị ảnh hưởng xấu hơn và ngừng sản xuất. Do đó, cá nhân tôi cho rằng, quyết định ngừng sản xuất trong mùa Trung thu năm nay của một số hãng là hợp lý", ông Lại Tiến Mạnh nhìn nhận.
Để khách hàng không "quên" thương hiệu
Giám đốc Milbrand Việt Nam cho biết, tuy năm nay người tiêu dùng không còn được thấy những ki-ốt bán bánh trung thu ngoài mặt đường hay những chiến dịch marketing rộn ràng nhưng thị trường bán bánh trung thu vẫn đang diễn ra khi một số "ông lớn" đã biết thay đổi chiến lược theo diễn biến dịch bệnh.
"Tác động của dịch bệnh COVID-19 đã thay đổi thói quen mua sắm của khách hàng. Theo đó, khách hàng chuyển sang mua hàng trực tuyến, mua qua sàn thương mại điện tử nhiều hơn. Những “ông lớn” đã có được sự tin yêu của khách hàng như: Maison, Kinh Đô, Hữu Nghị, Bibica, Bánh mứt kẹo Hà Nội… đã chuyển sang chinh phục thị trường đầy tiềm năng này. Bên cạnh tận dụng uy tín thương hiệu là lợi thế lớn nhất, việc đưa ra những combo ưu đãi, những mã giảm giá hấp dẫn sẽ thu hút được nhiều khách hàng lựa chọn thương hiệu của mình", ông Lại Tiến Mạnh cho biết.
Theo ông Lại Tiến Mạnh, việc duy trì truyền thông trên các nền tảng online như fanpage, website cũng vô cùng quan trọng. Điều này giúp khách hàng không “quên" mất thương hiệu mà còn khơi gợi hành vi mua sắm cho khách hàng.
Những chủ đề quen thuộc trong mùa trung thu như: gia đình, hiếu kính, đoàn viên, cũng cần được mở rộng, đổi mới sang các khách hàng mục tiêu khác như tri ân khách hàng, thắt chặt tình đồng nghiệp ở văn phòng trong thời kì giãn cách... Như vậy, các thương hiệu sẽ có rất nhiều chủ đề để khai thác, qua đó thúc đẩy truyền thông thương hiệu và bán hàng trực tuyến của mình.
Ngoài ra, theo ông Lại Tiến Mạnh, những hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) cũng là điều mà các doanh nghiệp có thể cân nhắc trong dịp trung thu 2021. Với những khó khăn chung của xã hội, những vất vả của những chiến sĩ chống dịch tuyến đầu, nếu các doanh nghiệp có những hoạt động CSR như tặng bánh trung thu cũng sẽ là hoạt động mang lại những giá trị tích cực cho xã hội và thương hiệu.
"Với những khó khăn bất khả kháng hiện có của thị trường, chúng tôi tin rằng chỉ cần các doanh nghiệp lạc quan, thích ứng nhanh với sự thay đổi của khách hàng, chắc chắn các doanh nghiệp có những bước đi đúng đắn cho mùa Trung thu đặc biệt năm nay", Giám đốc Milbrand chia sẻ.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm