Thị trường

Người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được 47.000 tỷ đồng từ giảm thuế VAT

Theo ước tính của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính thì người dân và doanh nghiệp có thể tiết kiệm được 47.000 tỷ đồng trong năm 2024 từ việc giảm thuế GTGT 2%.

Lương cơ sở tăng 30% từ 1/7: Cần kêu gọi doanh nghiệp lớn tham gia bình ổn thị trường / Cơ cấu kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long chuyển dịch tích cực

Từ 1/7, chính sách giảm thuế GTGT 2% tiếp tục được kéo dài cho đến hết năm nay. Đây là chính sách vừa được Quốc hội kỳ họp thứ 7, Khóa XV thông qua vào cuối tuần trước. Trừ các ngành tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, kim loại ra, thì tất cả các ngành nghề còn lại đang phải chịu thuế suất 10% sẽ được giảm xuống chỉ còn 8%. Đây là lần thứ 4, kể từ năm 2022 Quốc hội, Chính phủ ban hành chính sách này để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, và kích cầu tiêu dùng.

Trong tất cả các chính sách tài khóa, giảm thuế GTGT là chính sách có ý nghĩa và tác động tới hầu hết mọi người dân và các doanh nghiệp. Người tiêu dùng sẽ được lợi đầu tiên. 2% có thể không nhiều, nhưng với các hóa đơn nhiều tiền hơn thì cũng giảm đáng kể. Ví dụ như tờ hóa đơn trị giá 16,3 triệu đồng. Thay vì đóng thuế VAT 10% là 1.630.000đ, thì với mức 8% chỉ phải đóng 1.370.000đ.

Điều quan trọng, đây không phải chỉ giảm 1 lần, mà sẽ giảm cho tất cả những lần mà người tiêu dùng đi mua sắm cho tới hết năm nay. Theo ước tính của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính thì người dân và doanh nghiệp có thể tiết kiệm được 47.000 tỷ đồng trong năm 2024 từ việc giảm thuế GTGT 2%.

Giảm thuế GTGT 2% sẽ giúp cho những tờ hóa đơn tiết kiệm được 1 chút, từ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng. Những món hàng giá cũng sẽ giảm đi 1 chút, người tiêu dùng mua được nhiều hàng hơn, còn cơ sở kinh doanh cũng tăng doanh số.

"Giảm thuế 2% có vẻ là ít nhưng 1 tháng đi 5-7 lần thì cộng vào cũng hơi nhiều đấy chứ?", ông Nguyễn Thiện Lý, người tiêu dùng chia sẻ.

"2% thì mỗi 1 đầu triệu sẽ được giảm 20.000đ, với tần suất đi siêu thị 1 tuần 2 lần thì cũng giảm tương đối cho người dân, giảm được đồng nào hay đồng ấy đối với người dân lao động như chúng tôi", chị Phạm Thị Hồng Hạnh, người tiêu dùng cho hay.

Bà Ngô Thị Minh Thu - Giám đốc Trung tâm Bách Hóa tổng hợp Siêu thị AEON Việt Nam, chi nhánh Hải Phòng Lê Chân cho biết: "Giảm thuế VAT 2%, giúp cho nhiều hàng hóa được giảm giá. Do vậy, chúng tôi vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh có tăng trưởng đều đều. Năm nào chúng tôi cũng có mức tăng trưởng là 10%. Từ tháng 1 đến giờ thì chúng tôi vẫn duy trì mức tăng trưởng 110% so với năm 2023".

Thúc đẩy sản xuất từ việc giảm thuế VAT 2%

Người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được 47.000 tỷ đồng từ giảm thuế VAT - Ảnh 1.

Giảm thuế giá trị gia tăng xuống còn 8% tạo hiệu ứng tích cực cho người tiêu dùng.

Nếu như năm 2021, chưa áp dụng chính sách giảm thuế GTGT 2%, thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt trên 4.789.000 tỷ đồng. Còn năm 2022 sau khi áp dụng giảm thuế 2%, thì con số này đã lên 5.679.000 tỷ đồng, tăng 19%. Năm 2023, tiếp tục tăng lên 6.231.000 tỷ đồng. Và 6 tháng đầu năm nay con số này vẫn đang tăng trưởng 8,6% so với cùng kỳ.

Việc giảm thuế GTGT 2% đã góp phần kích cầu mua sắm tiêu dùng của người dân. Hơn 2 năm qua, không chỉ người tiêu dùng, cơ sở kinh doanh được lợi, mà cả các doanh nghiệp sản xuất cũng nhờ chính sách này mà đã được hỗ trợ về dòng tiền, để khôi phục sản xuất kinh doanh sau hậu đại dịch Covid-19.

Từ tháng 7/2023 cho đến nay doanh nghiệp đã được thụ hưởng hơn 100 tỷ đồng từ việc giảm thuế GTGT 2%. Nhờ nguồn tiền này mà doanh nghiệp đã có thể mua thêm hơn 50.000 tấn than nguyên liệu để phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh. Nhờ vậy mà việc sản xuất kinh doanh đã ngày càng phát triển.

Ông Nguyễn Huy Thành - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần nhiệt điện Hải Phòng cho hay: "Nguồn vốn này góp phần rất lớn để chúng tôi đáp ứng cho việc thanh toán nguyên liệu đầu vào. Chính vì vậy năm 2023 chúng tôi đã vượt qua khó khăn, kết quả kinh doanh tốt. Doanh thu đạt 11.500 tỷ, vượt 8,4% so với năm 2022. Còn 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu của chúng tôi đạt 6.300 tỷ. Cho thấy chính sách miễn giảm thuế của Chính phủ là rất kịp thời, ý nghĩa, thiết thực, góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay".

"Việc giảm thuế mặc dù làm cho nguồn thu giảm trong ngắn hạn, tuy nhiên trong dài hạn sẽ tích cực đến sự phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó lại đóng góp số thu cho ngân sách Nhà nước. 6 tháng cuối năm 2024 này, Cục thuế Hải Phòng sẽ tích cực tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân trên địa bàn được biết và thụ hưởng", ông Vũ Huy Khuê - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hải Phòng cho biết.

 

Đà phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được minh chứng bằng GDP 6 tháng đầu năm nay đã tăng 6,42%. Trong đó, nhiều ngành nghề đã có mức tăng trưởng ấn tượng như: xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,89%, ngành công nghiệp tăng 7,54%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13,26%, ngành xây dựng tăng 7,34%, bán buôn và bán lẻ tăng 7,34%.

Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, để giúp người dân, doanh nghiệp kịp thời thụ hưởng chính sách giảm thuế GTGT 2% cho 6 tháng cuối năm nay, cơ quan này vừa có Công điện hỏa tốc gửi Cục thuế các địa phương, đề nghị chủ động tuyên truyền, hướng dẫn cho người nộp thuế được biết. Đặc biệt là cách xác định những mặt hàng nào được giảm, tránh rơi vào tình trạng doanh nghiệp phải tự loay hoay xác định như trước.

Bà Phạm Thị Minh Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách Thuế, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết: "Nghị quyết của Quốc hội vẫn kế thừa quy định cũ tại Nghị quyết 43 năm 2022. Do vậy việc giảm thuế GTGT vẫn áp dụng với hàng hóa đang áp dụng thuế suất 10%, có loại trừ 1 số hàng hóa không được giảm. Việc xác định mặt hàng giảm thuế GTGT cũng có gặp khó khăn trong thời gian đầu 2022 khi mới thực hiện, còn đến nay thì nhìn chung chúng tôi đánh giá thì việc xác định mặt hàng được giảm thuế thì không còn vướng mắc gì nữa".

Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết thêm, chính sách giảm thuế GTGT 2% vừa được ban hành lần thứ 4, còn chính sách gia hạn nộp thuế vừa được ban hành lần thứ 5, thực hiện từ Nghị quyết 42 của Quốc hội khóa XV, là những chính sách về tài khóa chưa từng có tiền lệ, được thực hiện trong thời gian kéo dài. Điều này cho thấy sự đồng hành của Quốc hội, Chính phủ với người dân, doanh nghiệp trong bất kỳ hoàn cảnh nào, để hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đúng với tinh thần trong Nghị quyết 93 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm