Thị trường

ĐBSCL: Vào mùa chín rộ, nông sản đối mặt nguy cơ ùn ứ, rớt giá vì COVID-19

DNVN – Việc nhiều chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh phải đóng cửa cũng như thành phố đang phải thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 của Chính phủ khiến cho nông dân ĐBSCL lo sợ nông sản lại bị rớt giá, ùn ứ không tiêu thụ được.

"Gỡ khó" giúp nông dân xứ Nghệ tiêu thụ nông sản trong mùa dịch Covid-19 / Kết nối tiêu thụ nông sản thay thế cho "giải cứu" để tạo dựng vị thế cho nông sản Việt

Nhiều loại nông sản đang vào mùa chín rộ

Tiền Giang được biết đến là tỉnh có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với trên 82.700ha với các loại trái cây chủ lực như thanh long, sầu riêng, xoài, cam, quýt, dứa… Mặc dù đây cũng là địa phương có nhiều chợ đầu mối tiêu thụ trái cây cho các tỉnh lân cận, nhưng dịch bệnh COVID-19 bùng phát phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thụ trái cây của doanh nghiệp, bà con nông dân nơi đây cũng như ở ĐBSCL.

Từ tháng 7 đến tháng 9 cũng là thời điểm một số loại trái cây ở ĐBSCL vào mùa chín rộ. Tỉnh An Giang sẽ có đợt xoài thu hoạch rộ vào cuối năm, từ tháng 10 đến tháng 12/2021, với sản lượng khoảng 84.000 tấn. Nếu dịch bệnh tiếp tục phức tạp có khả năng đợt xoài tới sẽ tiêu thụ khó khăn. Được biết, hiện nay có đến 80% xoài ở An Giang xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Tại TP Cần Thơ, nhà vườn cũng đang lo lắng việc tiêu thụ nhãn, cam, chôm chôm, ổi, mận, mít, mãng cầu xiêm sắp tới đợt thu hoạch.

Tại vùng trồng nhãn ở huyện Châu Thành được xem là lớn nhất tỉnh Đồng Tháp đang bước vào cao điểm thu hoạch trái bán cho thương lái giá giảm từ 6.000 - 8.000 đồng/kg so với tháng trước. Cụ thể nhãn xuồng được thương lái thu mua tại vườn với giá 15.000 đồng/kg giảm 8.000 đồng/kg so với tháng trước. Còn nhãn Ido giá bán hiện nay chỉ còn 18.000 đồng/kg, giảm khoảng 6.000 - 7.000 đồng/kg so với tháng trước.

Nông sản Đồng bằng sông Cửu Long đứng trước nguy cơ ùn ứ, rớt giá.

Nông sản Đồng bằng sông Cửu Long đứng trước nguy cơ ùn ứ, rớt giá.

Nhiều nhà vườn trồng nhãn ở Đồng Tháp cho biết, trước giờ nhãn là loại trái bán rất ổn định trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhưng chỉ riêng từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến giá nhãn giảm và tiêu thụ gặp khó khăn. Đặc biệt, thời gian gần đây chợ đầu mối Bình Điền ở TP Hồ Chí Minh là nơi tiêu thụ rất lớn nhãn của Châu Thành nhưng do bị đóng cửa nên nhãn nơi đây tiêu thụ chậm hơn rất nhiều.

Tỉnh Bến Tre đang có khoảng 300 ha nhãn ở xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại còn khoảng nửa tháng nữa thu hoạch rộ. Hiện tại Bến Tre chưa thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thời điểm này cũng là lúc các tỉnh ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch rộ lúa hè thu 2021. Tuy nhiên, nhiều địa phương cho biết do dịch COVID-19 nên số lượng doanh nghiệp đến thu mua lúa hè thu giảm so cùng kỳ và có khả năng ùn ứ vào cuối tháng 7 đến giữa tháng 8/2021.

Gặp khó trong việc lưu thông nông sản

Chủ một vựa trái cây tại Tiền Giang cho biết, để giao một tấn hàng mất 9 tiếng, tài xế vẫn chưa về nhà được vì từ đây đến TP Hồ Chí Minh có đến mấy chốt kiểm tra, qua mỗi chốt mất nhiều thời gian hơn. Hàng hoá giao không kịp trễ nải hết. Giao hàng khó khăn như vậy nên lượng hàng đi được giảm đi rất nhiều. Trước đây mỗi ngày cơ sở của tôi đi cả chục xe, còn bây giờ ngày 1-2 xe, ngày nào nhiều được 3 xe.

Người này cũng cho biết, chi phí cho các thương lái thu mua tại vườn cũng phải tăng lên vì họ cũng phải làm xét nghiệm qua trạm. Phải cho nhân viên đi test kiểm tra, giấy có hiệu lực 3 ngày mà khi có giấy đã hết một ngày, chỉ được có hai ngày. Bây giờ lượng hàng đi được có hạn nên trái cây ngoài vườn tồn đọng, chín hái không kịp. Trái cây chín, hư hỏng thì nông dân chịu thiệt.

Chính vì do đi lại khó khăn nên nhiều chủ thương lái đã ngưng thu mua ở vùng dịch, chỉ thu mua những vùng không có dịch và giao hàng cũng chỉ ở trong tỉnh. Điều này vô hình chung cũng tạo áp lực và khó khăn thêm cho việc tiêu thụ nông sản ở những vùng mà dịch COVID-19 đang có diễn biến xấu.

Việc lưu thông hàng hóa cũng trở nên khó khăn hơn, mất nhiều thời gian hơn tại các vùng dịch do các chủ xe phải hoàn thiện các thủ tục về xét nghiệm, kiểm tra. Đồng thời, chi phí kiểm tra test nhanh cho lái xe và phụ xe rất tốn kém, trên xe hai người hết khoảng 700.000 đồng.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp khi trả lời báo chí cho biết, hiện nay, các địa phương đã cho phép dùng test nhanh để thông tuyến nên không vướng vụ vận chuyển. Khó khăn hiện nay là các chợ đầu mối đóng cửa nên giảm lượng cầu. Hơn nữa, cách 3 ngày test nhanh 1 lần nên lái xe cảm thấy mệt mỏi và tập trung đông nên sợ lây nhiễm vì vậy một số tài xế muốn tạm nghỉ. Đối với giao hàng tại cảng thì không có nhân lực nên bốc dỡ hàng bị ùn ứ. Địa phương đang tìm giải pháp để thu hoạch nông sản trong vùng dịch và vận chuyển nông sản ra khỏi vùng dịch.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm