Nhiệm vụ đối phó với các biện pháp phòng vệ thương mại phải đến từ chính doanh nghiệp
DNVN - Lãnh đạo Bộ Công Thương đã nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc với Cục Phòng vệ thương mại về tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại trong bối cảnh hội nhập sâu rộng diễn ra vào sáng 09/8 tại Hà Nội.
Hướng dẫn quản lý ngoại hối với hoạt động FDI / Ngành tài chính - ngân hàng: Nguy cơ thiếu trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao
Trong 7 tháng đầu năm 2019, Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) đã tiến hành điều tra chống bán phá giá để bảo vệ sản xuất trong nước 4 vụ việc, thẩm định hồ sơ 3 vụ việc và rà soát cuối kỳ 1 vụ việc, theo dõi hiệu quả áp dụng biện pháp chống bán phá giá 2 vụ việc. Các vụ việc này tập trung vào ngành hàng như thép, tôn màu, nhôm, ván gỗ, đường lỏng…
Bộ Công Thương cũng phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng xem xét sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm sợi DTY, ống thép, bột ngọt… Xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số hàng hoá trong nước chưa sản xuất được nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, việc gia tăng độ mở của nền kinh tế đã giúp cho nửa đầu năm 2019 xuất khẩu và nhập khẩu tăng trưởng. Tuy nhiên, tác động hội nhập tới nền kinh tế cũng nhiều chiều, trong đó có vấn đề liên quan đến vụ kiện PVTM liên tục gia tăng, mở rộng tới tất cả các nền kinh tế.
“Các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ tiếp tục mở rộng, điều tra chống gian lận xuất xứ, điều tra chống chuyển tải gian lận thương mại. Đây là nguy cơ lớn cản trở và thách thức cho phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Năm 2018 - 2019 là năm thực hiện các đề án về phòng vệ thương mại, chống gian lận xuất xứ", người đứng đầu Bộ Công Thương nêu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, nhiệm vụ đối phó với các biện pháp phòng vệ thương mại phải đến từ chính các doanh nghiệp, chứ không chỉ trông chờ vào cơ quan Nhà nước, đặc biệt là các DNNVV và những nhóm hàng thường xảy ra các vụ kiện chống trợ cấp, chống bán phá giá hay chuyển tải đầu tư mới xuất hiện gần đây.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là nhỏ và vừa, có sự hạn chế nhất định về nguồn lực và quy mô, điều kiện tiếp cận, nắm bắt thông tin thương mại quốc tế, bao gồm phòng vệ thương mại.
"Liên quan đến các DN thủy sản, gần như là "đến hẹn lại lên" các vụ kiện trong thủy sản chế biến, kể cả chống trợ cấp, chống bán phá giá diễn ra rất thường xuyên. Chúng ta cũng đã phối hợp chặt chẽ thường xuyên với Bộ NN & PT NT và các cơ quan liên quan để phối hợp. Tuy nhiên, bài học kinh nghiệm đó cần rút ra như thế nào để không chỉ thủy sản, mà nông sản nói chung và cả công nghiệp chế tạo chế biến của chúng ta cũng đang là đối tượng và cần được chia sẻ để nhận thức và hiểu biết chung của DN về thương mại quốc tế và hội nhập không thể tách rời khỏi những vấn đề liên quan đến PVTM, các biện pháp sàng lọc, các bộ lọc của đầu tư để chống chuyển tải đầu tư trong lẩn tránh biện pháp PVTM", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, việc nắm bắt thông tin về thương mại quốc tế, hội nhập và PVTM của các địa phương còn hạn chế. Do đó, sắp tới cần phải tập trung khâu tổ chức, phối hợp thực hiện, tăng cường vai trò của địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế.
Trong khi đó, tại buổi làm việc, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu - châu Mỹ nhận định, rủi ro áp lực PVTM rất cao vì xung đột thương mại. Việt Nam đã ký FTA với nhiều nước nên xu hướng nhiều doanh nghiệp ở các nước sẽ lợi dụng các FTA này để gian lận xuất xứ và lẩn tránh. Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu và châu Mỹ giảm một số thị trường nhưng vẫn tăng 14,2%.
"Việt Nam đang ở trong nhóm nước đang phát triển nên được miễn trừ tự vệ, nhưng với đà tăng xuất khẩu như vậy, Việt Nam có thể ở trong danh sách bị áp dụng biện pháp PVTM và không được miễn trừ tự vệ. Do đó cần triển khai tốt Đề án chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ", ông Tạ Hoàng Linh khẳng định.
Đề cập tới giải pháp thực hiện trong 5 tháng cuối năm, ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục PVTM cho biết, Cục PVTM sẽ tập trung đẩy mạnh triển khai Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ (Đề án 824).
Theo đó, sẽ hoàn thiện và cập nhật hàng tháng danh mục các nhóm mặt hàng xuất khẩu đi các thị trường trọng điểm có nguy cơ lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ; Thảo luận, triển khai các hoạt động hợp tác với cơ quan có thẩm quyền nước ngoài; Thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ cho các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp...
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Cột tin quảng cáo