Nhiều lô hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu bị trả về
Lạng Sơn: Phân luồng giao thông, đảm bảo hàng hóa xuất khẩu thông suốt / Bến Tre: Kim ngạch xuất khẩu đạt 359,57 triệu USD, tăng 45,13% sau 4 tháng
Mới đây, Bộ y tế – Lao động và Phúc lợi Nhật Bản thông báo trong vòng 4 tháng đầu năm, cơ quan chức năng Nhật Bản đã kiểm tra và phát hiện nhiều lô nông sản của Việt Nam xuất khẩu nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng giới hạn cho phép của Nhật như thanh long, rau ngót tươi, mùi tàu…Nhật Bản sẽ áp lệnh kiểm tra 100% đối với sản phẩm của công ty vi phạm và tăng cường kiểm tra chung với các mặt hàng cùng loại của Việt Nam.
Doanh nghiệp phải tìm hiểu Luật cũng như các tiêu chuẩn chất lượng của quốc gia có nông sản xuất đến.
Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, Nhật dự kiến áp lệnh kiểm tra 100% đối với sản phẩm đối với sản phẩm rau ngò tàu, 30% với rau ngót và thanh long tươi của Việt Nam. Sản phẩm của công ty vi phạm bị kiểm tra 100% và tăng cường kiểm tra chung với các mặt hàng cùng loại của Việt Nam.
Tại thị trường Nhật, năm 2018 có đến 48 vụ việc sản phẩm nông sản của Việt Nam, sau khi kiểm dịch đã bị trả về vì tồn dư hoạt chất bị cấm hoặc các thuốc bảo vệ thực vật có hàm lượng cao hơn mức cho phép.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao từng cho biết: "Có một thực tế rất “sốc rằng” không những người nông dân mà cả các doanh nghiệp cũng đếu rất ít quan tâm đến các tiêu chuẩn cho nông sản, nhất là các tiêu chuẩn quốc tế".
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Kim Vân, Hội KHKT Bảo vệ thực vật Việt Nam khẳng định đây là thực tế đáng báo động và đã được các chuyên gia cảnh báo từ lâu đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. "Việc sử dụng chất cấm hay vấn đề dư lượng thuốc trong nông sản phụ thuộc vào quy định của từng nước. Có những quốc gia quy định thấp, có những nơi đặt ra các yêu cầu khắt khe hơn. Để hàng xuất khẩu bị trả về là do sự dễ dãi trong sản xuất của nông dân và sự thiếu thông tin thị trường của doanh nghiệp", TS Vân nói.
Chỉ riêng với thị trường Nhật Bản, hệ thống kiểm dịch và tiêu chuẩn nhập khẩu nông sản thực phẩm ở Nhật Bản hết sức ngặt nghèo, có yêu cầu cao về chất lượng và kiểm dịch. Cũng bởi vậy, cơ cấu xuất khẩu nông sản sang thị trường lớn thứ 4 của Việt Nam này lại vẫn còn khiêm tốn so với chính nhu cầu thị trường. Cụ thể, nhu cầu nhập khẩu rau của Nhật hiện là 2,5 tỷ USD/năm, nhưng năm 2018, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu được khoảng 34 triệu USD. Đặc biệt, trong 3,4 tỷ USD/năm nhu cầu nhập trái cây của Nhật, Việt Nam đến nay mới chỉ xuất khẩu được 36 triệu USD.
Đặc biệt, việc thiếu quan tâm đúng mực tới sản xuất quy trình đảm bảo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng như chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm mà nhiều thị trường phát triển đã có cảnh bảo với sản phẩm nông sản Việt như EU, Mỹ… điều này khiến không thể thâm nhập thị trường, kéo theo giá trị gia tăng của nông sản cũng kém.
Mới đây, EU cũng trả về 17 lô nông, thuỷ sản của Việt Nam do không đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Bộ Công thương cho biết: Từ ngày 1/1 đến 1/5/2019, Hệ thống Cảnh báo Nhanh của EU đối với mặt hàng thức ăn và thực phẩm nguy cơ gây rủi do cho sức khỏe cộng đồng (RASFF) thông báo có 9 lô hàng thủy sản và 8 lô hàng nông sản của Việt Nam bị từ chối hoặc giám sát khi nhập vào EU.
Nguyên nhân là những lô hàng này không đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm của EU do chứa các chất vượt mức cho phép hoặc bị cấm sử dụng trong thực phẩm. Cụ thể, Tây Ban Nha từ chối nhập khẩu 8 lô hạt hạnh nhân có xuất xứ từ Australia và được chế biến tại Việt Nam do chứa chất aflatoxin vượt mức cho phép. Bỉ từ chối một lô hàng cá da trơn đông lạnh của Việt Nam.
Áo, Thụy Sĩ và Na Uy đưa sản phẩm cá tra philê, tôm và cá rô phi đông lạnh của Việt Nam vào diện giám sát với mức độ cảnh báo “chưa nghiêm trọng”. Pháp cảnh báo 1 lô hàng nhiễm chất cấm nghiêm trọng với một lô cá ngừ từ Việt Nam.
Việc nông sản Việt Nam xuất khẩu rồi bị trả lại đã diễn ra nhiều lần không những gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến uy tín chung của nông sản Việt. Khi doanh nghiệp có hàng nông sản và muốn xuất khẩu vào một thị trường phải nắm được luật quốc tế. Đồng thời, phải tìm hiểu Luật cũng như các tiêu chuẩn chất lượng của quốc gia đó, của từng địa phương để có sự điều chỉnh cho phù hợp. Các doanh nghiệp cần phải chú trọng hai vấn đề chính là nghiên cứu thị trường và nghiên cứu sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp hiện nay, thường sai ngay từ bước đầu khi đặt bài toán để nghiên cứu, và khi có kết quả cũng không biết phải phân tích sử dụng như thế nào. Do đó, phải thành lập một nhóm nghiên cứu thị trường luôn luôn cập nhật thông tin cho nông dân.
End of content
Không có tin nào tiếp theo