Nhiều nhà đầu tư 'cháy' tài khoản vì chứng quyền có bảo đảm
Việt Nam - Điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI / Tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh mới - Bài 1: Thế 'khó chồng khó'
Đầu tháng 4/2022, anh N.M.Tùng, một nhân viên sale bất động sản ở TP Hồ Chí Minh canh mua mã chứng quyền CACB2103 - cổ phiếu cơ sở ACB (Ngân hàng TMCP Á Châu), do Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) niêm yết cuối tháng 12/2021. Giá CW anh Tùng thực hiện ở thời điểm đó là 920 đồng/CW và đã có một thời gian điều chỉnh dài từ mức đỉnh hơn 2.800 đồng/CW. Thế nhưng, sau hơn 1 tháng nắm giữ, lợi nhuận không thấy đâu mà tài khoản của anh đã lỗ tới 95%.
“Mình mua một số chứng quyền ngân hàng vì nghĩ sẽ có một đợt sóng cổ phiếu ngân hàng vào đầu tháng 4. Bởi đây là thời điểm các ngân hàng công bố lợi nhuận quý I và nhiều thông tin tích cực sẽ được công bố trong mùa đại hội cổ đông. Thế nhưng, kể từ khi mua, thị trường cơ sở lao dốc, giá chứng quyền cũng liên tục giảm mạnh và hiện tại gần như đã cháy tài khoản”, anh Tùng chia sẻ.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/5, giá chứng quyền CACB2103 chỉ còn 30 đồng/cổ phiếu, giảm trên 99% so với thời điểm niêm yết. Đáng chú ý, vào ngày 20/5 tới đây sẽ là ngày giao dịch cuối cùng của chứng quyền này. Tuy nhiên, giá hòa vốn là 37.030 đồng/cổ phiếu, còn ở thời điểm này cổ phiếu ACB chỉ đang giao dịch ở mức 27.600 đồng/cổ phiếu. Rõ ràng, cơ hội để đảo chiều là bất khả thi với mã chứng quyền này trong bối cảnh diễn biến thị trường chứng khoán hiện nay.
Tương tự, tài khoản của chị N.N.Dung, một nhân viên kế toán ở TP Hồ Chí Minh cũng đang bị lỗ nặng do lỡ ôm 3 mã chứng quyền dựa vào 3 mã chứng khoán cơ sở HPG, SSI và KDH; trong đó phần lớn đã giảm trên 70%.
Chị Dung cho biết, chị đã “chơi” chứng quyền kể từ khi sản phẩm này có mặt trên thị trường vào giữa năm 2019. Trong giai đoạn 2020-2021, khi thị trường chứng khoán trong giai đoạn uptrend, đầu tư chứng quyền cũng mang lại lợi nhuận khá tích cực cho chị và nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi thị trường biến động mạnh, chứng quyền cũng làm tăng tỷ lệ lỗ cho nhà đầu tư nếu không bán kịp thời.
Thực tế cùng với đà giảm của thị trường, hầu hết các chứng quyền đều có sự biến động mạnh kể từ tháng 4 đến nay và nằm trong trạng thái OTM (đang lỗ). Thậm chí, có không ít chứng quyền giảm trên 90% so với mức giá niêm yết và hầu hết giao dịch ở mức giá rất thấp, cách xa điểm hòa vốn.
Thống kê cuối phiên ngày 16/5 cho thấy, trong số 18 chứng quyền đang giao dịch do VCSC phát hành, thì có tới 10 CW giao dịch dưới 100 đồng/CW. 4 mã chứng quyền do Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cũng chỉ đang giao dịch ở mức 70 - 200 đồng/CW. Chứng quyền do Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) giao dịch dưới 1.000 đồng/CW… Hiện Chứng khoán KIS Việt Nam là tổ chức phát hành nhiều chứng quyền nhất trên thị trường, với 41 mã chứng quyền, nhưng cũng giao dịch dưới 1.000 đồng/CW.
Đáng chú ý, trong phiên ngày 16/5, dù nhiều cổ phiếu cơ sở có sự hồi phục, nhưng nhiều chứng quyền vẫn đi ngược chiều. Chẳng hạn, cổ phiếu HPG đóng cửa ở mức 36.300 đồng/cổ phiếu, tăng 1,11% so với phiên trước đó; song nhóm chứng quyền HPG lại diễn biến trái chiều. Trong số 12 chứng quyền dựa vào HPG, thì có tới 6 mã giảm giá hoặc đứng ở mốc tham chiếu.
Trong thời gian qua, rất nhiều F0 thấy giá một số CW về vùng giá thấp nên đã mua mà không biết mua đắt hay rẻ so với giá thực hiện, giá hoà vốn, dẫn đến tình trạng thua lỗ. Việc trung bình giá đối với sản phẩm chứng quyền càng khiến nhà đầu tư thua lỗ nặng hơn, vì thị trường chứng khoán cơ sở vẫn chưa về trạng thái cân bằng, trong khi đầu tư chứng quyền còn chịu chi phối bởi thời gian đáo hạn chỉ từ vài tháng.
Theo các chuyên gia,CW có thể mang lại suất sinh lợi lớn cho nhà đầu tư, song cũng là sản phẩm tương đối phức tạp, có tính đòn bẩy và rủi ro cao. Vì vậy, nhà đầu tư nên trang bị đầy đủ kiến thức và am hiểu về sản phẩm trước khi tham gia thị trường, đặc biệt là việc định giá CW. Khi tham gia giao dịch nhà đầu tư cần lưu ý những vấn đề như: triển vọng về tài sản cơ sở của CW, tổ chức phát hành, giá của CW trên thị trường, chiến lược giao dịch…
Ở thời điểm hiện tại, các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, rủi ro trên thị trường cơ sở vẫn đang ở mức cao và xu hướng giảm ngắn hạn vẫn chưa chấm dứt. Do đó, Yuanta Việt Nam khuyến nghị nhà đầu tư nên chờ đợi thị trường cơ sở trở về trạng thái cân bằng, trước khi có thể đưa ra quyết định giải ngân trên thị trường chứng quyền.
Để hoàn thiện hơn nữa sản phẩm CW trên thị trườngchứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) cũng đã có kế hoạch phát triển các sản phẩm tiếp theo như:CW mua dựa trên tài sản cơ sở là chỉ số/ETF và CW bán. Các sản phẩm này được kỳ vọng sẽ góp phần đa dạng hóa các sản phẩm đầu tư, cung cấp thêm công cụ đầu tư, cũng như ngăn ngừa rủi ro hiệu quả…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT