Những từ khóa cho kỳ vọng lợi nhuận ngân hàng 2019
Phải đến mùa đại hội đồng cổ đông tháng 4 mới chính thức xác định cụ thể chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh các ngân hàng nói chung. Nhưng bước đầu, VnEconomy tham vấn và nhận thấy sự lạc quan ở nhiều lãnh đạo trong ngành.
IMF lạc quan về triển vọng kinh tế và thị trường việc làm của Hy Lạp / Gần 90% vé máy bay Tết đã được bán
Ngân hàng số tiếp tục là một từ khóa nổi bật cho kỳ vọng lợi nhuận ngân hàng 2019.
Hiện tại, mới chỉ có hai ngân hàng thương mại ước định một số chỉ tiêu cơ bản trong năm 2019.
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đặt kế hoạch lợi nhuận năm nay tăng trưởng 12%, ứng với khoảng 20.500 tỷ đồng. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Tp.HCM (HDBank) dự kiến chỉ tiêu 5.077 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng hơn 26% so với 2018.
Cả Vietcombank và HDBank đều có tăng trưởng lợi nhuận năm qua ở mức cao, quanh 64%. Nhưng, như trên, chỉ tiêu năm nay bước đầu có thận trọng hơn về tốc độ tăng trưởng.
Nếu như năm 2018 phải đến nửa sau các nhà băng mới thực sự "ngấm" định hướng siết lại tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, thì năm nay tinh thần đó đã sớm được trải nghiệm với hạn mức chung chỉ 14%.
Có ba điểm cơ bản nhất khiến lợi nhuận các ngân hàng 2019 trở nên thận trọng hơn: một là, như trên, tăng trưởng tín dụng tiếp tục giới hạn ở mức thấp; hai là, kết quả đạt được trong 2018 đã tạo một nền tham chiếu cao; ba là, thế giới bên ngoài vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn và xáo trộn có thể ảnh hưởng bất lợi.
Nhưng, trao đổi với VnEconomy, hầu hết các lãnh đạo ngân hàng đều lạc quan hướng về năm 2019.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) kỳ vọng năm nay, với loạt các hiệp định thương mại lớn Việt Nam đã ký kết và từng bước có hiệu lực, nguồn vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục chảy mạnh, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước.
Còn bên ngoài, Chủ tịch LienVietPostBank tính toán, nhiều khả năng từ đầu quý 2/2019, những xung đột thương mại lớn trên thế giới sẽ hạ nhiệt, khi các nước lớn ngồi lại với nhau.
Ở nhận định chung, ông Thắng cho rằng, năm 2019 nếu doanh nghiệp và các ngân hàng nắm bắt tốt các cơ hội thì triển vọng sản xuất, kinh doanh còn tốt hơn năm 2018.
Cũng đặt trong bối cảnh các xung đột thương mại trên thế giới và thị trường chứng khoán bất ổn nửa cuối 2018, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) nói với VnEconomy rằng: "Tôi là người lạc quan".
Trước hết, trong bối cảnh thế giới nhiều biến động như năm qua, nhưng Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng GDP ở mức cao; các yếu tố nội tại và sức đề kháng của nền kinh tế vẫn tốt.
"Hãy nhìn những dòng người đổ ra đường ăn mừng mỗi khi đội tuyển bóng đá của chúng ta chiến thắng. Nó cho thấy một nền kinh tế có lực lượng dân số trẻ và năng động", Tổng giám đốc Techcombank nói, hàm ý về tiềm năng của một thị trường lớn gắn với định hướng bán lẻ, phát triển dịch vụ mà các ngân hàng đang theo đuổi.
Trước đó, ông Quốc Anh từng cho rằng, năm 2019 với Techcombank không có áp lực. Guồng máy với các chiến lược, thị phần và mô hình đã xây dựng nhiều năm qua đang vận hành tốt. Doanh thu đã khẳng định ở chuỗi 13 kỳ liên tiếp tăng trưởng; việc còn lại là đưa lợi nhuận bám sát doanh thu, giảm thiểu bộ đệm ở giữa.
Bộ đệm giữa doanh thu và lợi nhuận, tập trung chủ yếu ở nợ xấu và chi phí trích lập dự phòng, cùng chi phí hoạt động.
Cùng với tín dụng, nợ xấu và trích lập dự phòng là các từ khóa cố định cho kỳ vọng lợi nhuận các nhà băng Việt năm 2019, năm mà dự tính tiếp tục có lượng lớn nợ đã bán sang VAMC tập trung đáo hạn.
Nhưng, như đã thể hiện trọng 2018, một phần lớn của giai đoạn khó khăn trước đây đã từng bước được xử lý; nhiều thành viên đã giảm mạnh được thực chất tỷ lệ nợ xấu cùng tích lũy nguồn lực dự phòng đối ứng; thậm chí năm qua nợ xấu trở thành của đề dành, góp vào lợi nhuận khi xử lý và thu hồi được…
Từ khóa đang trở nên nổi bật hơn trong năm nay để tính bài toán lợi nhuận là CIR (tỷ lệ chi phí trên thu nhập).
Nhìn lại, những thành viên có lợi nhuận cao trong 2017 và 2018 như Techcombank hay VPBank đều là những thành viên giảm được tỷ lệ CIR, cũng như kiểm soát được ở vùng khá tốt trong hệ thống hiện nay, khoảng 28-35%. Hay trường hợp VIB trong năm tăng trưởng lợi nhuận lên tới 95% thì CIR cũng đã giảm được 13% còn khoảng 44%. TPBank lợi nhuận tăng gần gấp đôi năm qua cũng đã giảm được chỉ số này từ gần 50% xuống còn 43%...
Nhưng nhìn chung, CIR tại hầu hết các ngân hàng thương mại Việt Nam vẫn đang ở mức cao, phổ biến quanh 50%. Mức độ này được giải thích do đặc thù thị trường, với yêu cầu cạnh tranh mở rộng mạng lưới liên tục và gia tăng nhân sự.
Ở đặc điểm đó, năm 2017 và 2018 các nhà băng đã bước qua một đợt cao điểm đầu tư. Nhiều thành viên đã mở mới hàng chục chi nhánh trong hai năm qua, và theo đó, độ trễ sinh lời của các điểm mở mới cùng gánh nặng chi phí đầu tư bắt đầu tốt lên từ 2019.
Nhưng về chiến lược lâu dài, theo ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TPBank, ngân hàng số sẽ có vai trò lớn trong giảm thiểu chi phí hoạt động và nâng hiệu quả CIR của các nhà băng, góp phần nâng lợi nhuận.
Ông Phú phân tích, lớn nhất trong hoạt động ngân hàng là chi phí đầu tư và phát triển mạng lưới, cùng chi phí cho nhân sự. Ngân hàng số khắc phục được hai điểm này, trong khi sức cạnh tranh và thu hút khách hàng để thúc đẩy dịch vụ, thu phí dịch vụ đang và sẽ là xu thế.
Theo đó, ngân hàng số tiếp tục là từ khóa chính của năm 2019. Ngân hàng số không chỉ ở dịch vụ Mobile Banking, Internet Banking và ví điện tử đang phát triển khá nhanh, mà còn lan tỏa ứng dụng trong các mắt xích của bộ máy mỗi ngân hàng thương mại. Sự lan tỏa này giúp tiết giảm chi phí và nhân sự vận hành so với hướng phát triển truyền thống.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank cũng xác định: 2019 sẽ là năm của ngân hàng số. Vietcombank cũng đã tập trung ba năm qua để đầu tư và triển khai hệ thống ngân hàng lõi mới, để từ năm nay đẩy mạnh phát triển dịch vụ, tiếp tục thúc đẩy dịch chuyển tỷ trọng nguồn thu thay vì dựa nhiều vào tín dụng như trước đây.
Phát triển ngân hàng số, kết hợp với xu hướng bán lẻ, với tiềm năng của một thị trường có dân số tới 95 triệu người với tỷ lệ dân số trẻ cao, các ngân hàng thương mại đang tích lũy nhanh chóng cơ sở khách hàng và nhu cầu thanh toán lớn.
Trong ba năm trở lại đây, chỉ riêng lượng khách hàng cá nhân Vietcombank, Techcombank, HDBank… tốc độ gia tăng đã tính bằng lần. Đây là một trong những nền tảng tạo nên từ khóa quan trọng nữa: CASA - lượng tiền gửi không kỳ hạn.
Báo cáo năm 2018 cho thấy, đã có một số thành viên tỷ trọng CASA nâng lên được 28-30% tổng cơ cấu tiền gửi. Tỷ trọng lớn của tiền gửi có lãi suất rất thấp này trở thành lợi thế, giúp pha loãng chi phí huy động và hoạt động, tăng lợi nhuận khi góp phần cải thiện lãi biên trong cho vay.
CASA tăng lên cũng là kết quả của một xu hướng thực tế, gắn với chuyển động của thị trường và nền kinh tế. Nhìn lại cỡ dăm năm trước, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam chỉ khoảng 200 - 250 tỷ USD, thì đến 2018 đã hướng tới mốc gần 500 tỷ USD.
Một so sánh quy mô trên cho thấy, nền kinh tế và thị trường luôn vận động và mở rộng, nhu cầu giao dịch và sử dụng dịch vụ gia tăng nhanh chóng. Thị phần và lợi nhuận các ngân hàng, theo đó, không có giới hạn. Còn lại là việc họ vận dụng và xử lý các từ khóa trên như thế nào mà thôi.
Theo VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương
Cột tin quảng cáo