Thị trường

OCOP góp phần phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới

Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP” giai đoạn 2019 - 2025, tỉnh Thái Nguyên dự kiến tổng kinh phí thực hiện Đề án là hơn 700 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách tỉnh hơn 70 tỷ đồng, ngân sách huyện, xã hơn 60 tỷ đồng, vốn lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ cho chương trình trên 240 tỷ đồng và vốn xã hội hóa hơn 360 tỷ đồng.

Triển vọng xuất khẩu gạo Việt Nam có “cơ” vượt Thái Lan / Hà Nội: Cục QLTT bàn giao khẩu trang y tế phục vụ phòng, chống Covid-19 cho Sở Y tế

Chỉ trong năm 2019, Thái Nguyên có 22/25 sản phẩm nông nghiệp của 8 HTX và doanh nghiệp được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP. Tỉnh đặt mục tiêu năm 2020 có ít nhất 50 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP trên cơ sở các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của các địa phương.

Phát triển các sản phẩm chủ lực

Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên Vũ Thị Thu Hương cho biết, sau hơn một năm thực hiện chương trình OCOP, tỉnh hiện có gần 200 sản phẩm có điều kiện trở thành sản phẩm OCOP. Các HTX, cơ sở sản xuất đã đăng ký sản phẩm nông nghiệp có khả năng trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh như: Chè Tân Cương (TP Thái Nguyên), miến dong của HTX Miến Việt Cường (huyện Đồng Hỷ), rau an toàn của HTX Rau an toàn Hùng Sơn và HTX Rau an toàn xã Bình Thuận (huyện Đại Từ), tương nếp Úc Kỳ của Cơ sở sản xuất tương nếp Úc Kỳ (huyện Phú Bình), gạo Bao Thai Định Hóa của các HTX trồng lúa thuộc huyện Định Hóa...

Đáng chú ý, Thái Nguyên có hơn 22.000 ha chè, trải rộng trên cả 9 huyện, thị xã với sản lượng hàng năm đạt gần 200.000 tấn chè búp tươi. Chè Thái Nguyên được tiêu thụ cả thị trường trong và ngoài nước, trong đó thị trường nội địa chiếm 70-80%, khoảng 20-30% sản lượng chè chế biến xuất khẩu.

Chè được xác định là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh Thái Nguyên

Chè được xác định là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh Thái Nguyên

“Mục tiêu trong những năm tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tích cực nâng diện tích cây chè từ 22.000 lên 24.000 ha, bởi dư địa phát triển cây chè còn cao. Giá trị chè đạt từ 130 - 150 triệu đồng/ha/năm, nhưng khi chế biến thì có thể lên 300 - 500 triệu đồng, thậm chí có những vùng chè đặc sản có thể đạt giá trị lên đến cả tỷ đồng”, bà Hương nói.

Theo thống kê của UBND tỉnh, với 238 làng nghề truyền thống, trong đó có trên 200 làng nghề chè truyền thống nổi tiếng đã tạo cho Thái Nguyên tiềm năng lớn trong việc phát triển sản phẩm nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, sản phẩm dịch vụ du lịch gắn với văn hóa, truyền thống. Đặc biệt thời gian qua, Nhà nước đã đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đảm bảo nông thôn mới phát triển bền vững.

Sự vào cuộc đồng bộ

Theo bà Đỗ Thị Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX chè Tân Hương, muốn xây dựng sản phẩm thành sản phẩm OCOP nhất thiết phải áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất VietGAP, sản xuất hữu cơ, bằng quy trình sản xuất, chăm sóc, chế biến để nâng cao chất lượng thực phẩm, đảm bảo an toàn chất lượng.

 

Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất an toàn nên sau 10 năm thành lập và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đến nay thị trường chè Tân Hương có mặt tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và vươn đến một số thị trường quốc tê khó tính như Mỹ, Canada...

“HTX hiện có 38 hộ thành viên với 22 ha chè nhưng đang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật UTZ (chương trình phát triển bền vững cho cà phê, ca cao và chè, hợp tác cùng các thương hiệu hiện có) trong sản xuất rất nghiêm túc, đầy đủ. HTX cũng có chế tài và chính sách hỗ trợ, khen thưởng bằng cách cộng 5% vào giá thành sản phẩm khi sản xuất đúng tiêu chuẩn. Đây chính là điều kiện giúp cho các thành viên phấn khởi và yên tâm sản xuất”, bà Hiệp nêu thực tế.

Pho-chu-tich-Nguyen-Van-Thinh-8389-8600-

Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh và Phó Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên tham quan gian hàng OCOP tỉnh Thái Nguyên

Theo đánh giá của UBND tỉnh Thái Nguyên, trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân là doanh nghiệp, hộ sản xuất và kinh tế tập thể thực hiện.

Ông Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh Thái Nguyên là tỉnh dẫn đầu trong 14 tỉnh miền núi phía Bắc về xây dựng nông thôn mới, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 18/63 tỉnh và là một trong 3 tỉnh phía Bắc dẫn đầu về sự hài lòng của người dân (Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên).

 

Hiện, Thái Nguyên có 62 mô hình HTX điển hình, tiên tiến trong cả nước với 22/25 sản phẩm đạt OCOP năm 2019. Tỉnh đã có chính sách cụ thể để hỗ trợ các HTX, nhất là việc thành lập mới và thúc đẩy các HTX phát triển. Công tác kết nối cung cầu được quan tâm: từ năm 2018 đến nay có gần 60 lượt HTX tham quan triển lãm nông nghiệp quốc tế tại Hà Nội, hàng trăm lượt HTX tham gia hội chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh.

“Mục tiêu trong năm 2020, Thái Nguyên có ít nhất 50 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP trên cơ sở các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của các địa phương thành sản phẩm OCOP. Việc xây dựng OCOP góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả và thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Do vậy, sự vào cuộc đồng bộ từ người dân đến các HTX, doanh nghiệp và chính quyền các cấp là hết sức cần thiết”, ông Dương Văn Lượng cho biết.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm