Thị trường

Ông Vũ Tiến Lộc: VN thành điểm đến đầu tư hàng đầu nhờ sức sống của FTA

Chủ tịch VCCI khẳng định, bên cạnh cải cách thể chế thì mở cửa và tham gia FTA là điều kiện quan trọng để nhà đầu tư tin tưởng vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Xuất khẩu gạo Việt Nam "thẳng tiến" tới mốc 6,15 triệu tấn / Ông Trương Đình Tuyển: Hàng Việt Nam có thể thay thế tốt hàng Trung Quốc tại Mỹ

Hai vị đồng chủ tịch VBF trao đổi trong buổi họp báo chiều 3/12.
Hai vị đồng chủ tịch VBF trao đổi trong buổi họp báo chiều 3/12.

Phát biểu tại buổi họp báo trước thêm Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2018 (VBF 2018) diễn ra chiều ngày 3/12, ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu - đồng Chủ tịch VBF cho hay, chủ đề lần này là “Chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu” với 3 phiên thảo luận: Nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng; Nâng cao kiến thức phục vụ ngành công nghiệp hiện đại; Khắc phục những trở ngại đối với doanh nghiệp.

Theo ông Tomaso, Việt Nam đang trong quá trình làm thế nào để thích nghi với những thay đổi thương mại đang diễn ra trên thế giới. Một số những nội dung đáng lưu ý đối với Việt Nam hiện giờ bao gồm: nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn năng lượng tái tạo, logistic, vấn đề môi trường, đào tạo nhân lực, chính sách và môi trường kinh doanh trong thời đại công nghiệp số...

Đáng lưu ý, theo ông Tomaso, Việt Nam đang có những điểm sáng trong giải quyết vấn đề tham nhũng. "Chúng phủ đang làm rất tốt với nhiều chế tài, biện pháp để xử lý", ông nói.

Nói về tình hình kinh tế Việt Nam, đồng Chủ tịch VBF, ông Vũ Tiến Lộc , Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: "Thời điểm cuối năm có rất nhiều niềm vui với 12 chỉ tiêu hoàn thành, bức tranh nền kinh tế khá lạc quan. Cùng với đó, có một số sự kiện quan trọng có thể tin tưởng dù khó khăn nhưng tương lai kinh tế năm 2019 sẽ có những điểm thuận lợi".

Theo ông Lộc, sự kiện quan trọng có thể kể tới là Hiệp định Thương mại tự do FTA với châu Âu đang được đệ trình lên Hội đồng châu Âu, trong trường hợp lạc quan có thể được ký kết vào đầu tháng sau. Ngoài ra, hôm 12/11 vừa rồi, Quốc hội Việt Nam cũng đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

 

"Hai FTA thế hệ mới ký kết và đang chuẩn bị phê chuẩn được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực phát triển mới cho Việt Nam. Những hiệp định này là hai hiệp định thế hệ mới với chuẩn mực cao nhất, cho thấy cam kết Việt Nam luôn vươn tới chuẩn mực cao nhất trong thương mại toàn cầu", ông Lộc nói.

Ông Lộc cũng cho hay, vừa rồi, Việt Nam có thêm một tin vui, theo khảo sát của PWC được tiến hành với 1.200 CEO hàng đầu trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam năm thứ 2 liên tiếp vượt Trung Quốc trở thành nền kinh tế có triển vọng thu hút FDI nhiều nhất thế giới.

"Có thể nói một trong những lý do quan trọng để Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu là niềm tin, sức sống từ các FTA. Theo kết quả khảo sát của PWC, 34-40% các doanh nghiệp cho rằng doanh thu sẽ tăng do FTA. Như vậy, bên cạnh cải cách thể chế thì mở cửa và tham gia FTA là điều kiện quan trọng để nhà đầu tư tin tưởng vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam", ông Lộc nhấn mạnh.

Ông Lộc cũng đề cập tới thông tin khảo sát cho thấy, hiện do căng thẳng Mỹ - Trung nên có một bộ phần doanh nghiệp đầu tư tại Trung Quốc dịch chuyển sang Đông Nam Á, trong đó Việt Nam được lựa chọn hàng đầu.

"1/3 nhà kinh doanh Hoa Kỳ đã chuyển hoặc đang có ý định chuyển, một số nhà đầu tư nước khác tỷ lệ lên tới 50% để tránh hậu quả xung đột thương mại leo thang. Đây cũng là cơ hội lớn với Việt Nam", ông nói.

 

Dù vậy, ông Lộc cũng thừa nhận, đi cùng với cơ hội có cả thách thức bởi mở cửa khiến cạnh tranh nội địa tăng lên rất nhiều. Nhiều nghiên cứu nói Việt Nam có lợi thế nhưng chỉ là cơ hội, có tận dụng được hay không phải phụ thuộc vào phải hành động. Chìa khóa cơ hội nằm ở những nỗ lực cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh.

"Tôi từng nêu ý kiến về câu chuyện CPTPP và giấy phép con ở Việt Nam. Nếu không cởi trói, không xóa bỏ giấy phép con thì các hiệp định không phải là cơ hội mà còn là thách thức. Tưởng nói hội nhập là nói vấn đề bên ngoài biên giới nhưng lại là nói bên trong", ông khẳng định.

Theo dantri.com.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm