Thị trường

Làm gì để khởi nghiệp Lâm Đồng “cất cánh”?

(DNVN) – Các bạn trẻ Lâm Đồng có tinh thần khởi nghiệp đầy đam mê và nhiệt huyết, tuy nhiên, cán bộ hỗ trợ khởi nghiệp vẫn mang tính kiêm nhiệm, chưa chuyên sâu; hỗ trợ vẫn chỉ dừng lại ở các cuộc thi, trao giải mà chưa có các hoạt động hỗ trợ tiếp theo...

Lâm Đồng: Lần đầu tổ chức diễn đàn kết nối doanh nghiệp và ý tưởng khởi nghiệp / ActionCOACH tài trợ gói huấn luyện cho các dự án khởi nghiệp Lâm Đồng

Đó là một số đánh giá và góp ý tâm huyết của đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, tại “Diễn đàn kết nối Doanh nghiệp và Ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng, lần thứ I”, diễn ra ngày 30/11 vừa qua, tại TP. Đà Lạt.

Thiếu liên kết để chia sẻ kinh nghiệm

Sau 1 năm hợp tác với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại & Du lịch tỉnh Lâm Đồng để hỗ trợ thực hiện công tác khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp nhằm liên kết, xúc tiến đầu tư với các thành phố lớn, như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ... bà Trần Trúc Phương, Giám đốc Trung tâm tư vấn đào tạo phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minhcho biết, rất phấn khởi vì thấy hệ sinh thái khởi nghiệp của Lâm Đồng đã thành hình và không ngừng phát triển.

Bà Trần Trúc Phương đóng góp ý kiến tại Diễn đàn (Ảnh: VH)

Bà Trần Trúc Phương đóng góp ý kiến tại Diễn đàn (Ảnh: VH)

“Các ý tưởng khởi nghiệp của tỉnh Lâm Đồng rất sáng tạo đổi mới theo nhu cầu của xã hội. Các bạn trẻ Lâm Đồng có tinh thần khởi nghiệp đầy đam mê và nhiệt huyết, có tư duy hướng đến các dự án nhằm mục đích phát triển kinh tế địa phương và cộng đồng”, bà Phương đánh giá.

Tuy nhiên theo bà Phương, vẫn còn một số khó khăn, trở ngại, đó là, đa số cán bộ hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh là kiêm nhiệm, khó có thời gian để tập huấn một cách chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện công tác khởi nghiệp, phần đông còn làm theo thói quen, lối mòn, không hợp tác và liên kết để chia sẻ kinh nghiệm.

Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Bính, đại diện Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp Trường Đại học Đà Lạt, cũng cho biết, hưởng ứng phong trào khởi nghiệp tại địa phương, trường đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên đề, tư tấn, đào tạo chuyên sâu cho các bạn sinh viên khởi nghiệp.

Tuy nhiên, đội ngũ nhân sự hỗ trợ khởi nghiệp của trường chưa đủ mạnh, hầu hết là giáo viên kiêm nhiệm, chưa có kế hoạch bài bản, dài hơi để hỗ trợ phong trào khởi nghiệp ngày càng lớn mạnh”, ông Bính nhìn nhận.

 

Trao giải khởi nghiệp xong, rồi... thì...

Ông Bính, cũng cho rằng, thời gian vừa qua, dù Trường đại học Đà Lạt đã tổ chức nhiều cuộc thi đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Nhiều dự án khởi nghiệp có tính khả thi cao của sinh viên của trường đã đạt giải tại các cuộc thi, nhưng công tác hỗ trợ cho các nhà khởi nghiệp sau khi trao thưởng vẫn... “lực bất tòng tâm”.

Dự án khởi nghiệp "Máy lọc nước biển thông minh cho ngư dân đi biển" của Trường Đại học Đà Lạt (Ảnh: VH)

Dự án khởi nghiệp "Máy lọc nước biển thông minh cho ngư dân đi biển" của Trường Đại học Đà Lạt (Ảnh: VH)

“Là một trong những đơn vị hạt nhân có nhiều hạt giống về đổi mới sáng tạo, ý tưởng khởi nghiệp khả thi, chúng tôi đề nghị địa phương cần có các chính sách để các nhà khởi nghiệp được kết nối với nhà đầu tư và tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ.

 

Đồng thời, thu hút các dự án khởi nghiệp của đơn vị về “Vườn ươm” của Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng để tiếp tục hỗ trợ cho các bạn trẻ khởi nghiệp”, ông Bính nêu nguyện vọng.

Đồng tình, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó hiệu trưởng Trường đại học Yersin cũng nhìn nhận, đến nay, trường đã cấp khoảng 3 tỷ đồng để huấn luyện, đào tạo khởi nghiệp cho các bạn sinh viên, tổ chức nhiều cuộc thi về sáng tạo, khởi nghiệp, tuy nhiên, công tác hỗ trợ để đưa dự án khởi nghiệp tham gia thị trường là cả một vấn đề nan giải, cần tiếp tục được quan tâm.

Cần đội nhóm khởi nghiệp thành công để dẫn dắt

Từ những thực trạng nêu trên, bà Trần Trúc Phương, Giám đốc Trung tâm tư vấn đào tạo phát triển kinh tế TP. Hồ Chí Minh, đề nghị tỉnh Lâm Đồng cần xây dựng quy trình hỗ trợ khởi nghiệp một cách khoa học, bài bản, có logic để đạt kết quả cao hơn nữa.

Cần thông qua các Hiệp hội doanh nghiệp để tìm kiếm nhà đầu tư tiềm năng và họ là những người chấp nhận đầu tư mạo hiểm vào các dự án khởi nghiệp (Ảnh: VH)

Cần thông qua các Hiệp hội doanh nghiệp để tìm kiếm nhà đầu tư tiềm năng và họ là những người chấp nhận đầu tư mạo hiểm vào các dự án khởi nghiệp (Ảnh: VH)

 

“Cần tập huấn công tác khởi nghiệp chuyên nghiệp và chuyên sâu hơn để trang bị hành trang và công cụ cho các bạn khởi nghiệp. Cần làm thường xuyên và lặp lại để trở thành công thức, có thể sao chép áp dụng vào nhiều mô hình, dự án. Cần xây dựng một đội nhóm khởi nghiệp thành công và đây sẽ là nhóm dẫn dắt cho cộng đồng khởi nghiệp trong thời gian tới”, người đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty tư vấn đào tạo phát triển kinh tế Sài Gòn Đồng Khởi, nhấn mạnh.

“Phải liên kết, tạo mối quan hệ thông qua các Hiệp hội doanh nghiệp để tìm kiếm nhà đầu tư tiềm năng và họ là những người chấp nhận đầu tư mạo hiểm. Điều cốt lõi là luôn quan tâm chất lượng sản phẩm và dịch vụ, luôn tìm kiếm và mở rộng mối quan hệ, xây dựng văn hoá và quy trình làm doanh nghiệp ngay từ đầu khi các nhà khởi nghiệp quyết định hình thành doanh nghiệp”, bà Trúc Phương chia sẻ.


VIÊN HỮU
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm