PGS.TS Trần Đình Thiên: Đà Nẵng có đủ điều kiện để trở thành nơi làm kinh tế ban đêm tin cậy nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Bắt quả tang cơ sở đóng gói hàng ngàn bao hạt nêm, mì chính giả / Đà Nẵng sẽ chấm dứt thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND TP
Người dân Đà Nẵng không “vặt” du khách, nhưng năng lực thức đêm kém quá!
Tiếp tục mạch bàn luận về phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ) tại Việt Nam nói chung, TP Đà Nẵng nói riêng, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, theo nhận định của nhiều người thì “cách chơi vào ban đêm khác với ban ngày, tiêu tiền không mặc cả, ngay cả tiền boa cho các dịch vụ ban đêm cũng cao hơn ban ngày nhiều lần”.
PGS.TS Trần Đình Thiên trả lời phỏng vấn báo chí bên lề tọa đàm "“Kích cầu du lịch Đà Nẵng: Vai trò của sản phẩm, dịch vụ giải trí đêm” (Ảnh: HC)
Từ đó hàm ý về một cách tiếp cận phát triển với đẳng cấp khác khi làm KTBĐ. Nếu có những cách tiếp cận văn hóa và pháp luật trên nền tảng bản sắc của con người, đàng hoàng, trung thực thì sẽ giải quyết được hết những “mặt trái của đồng xu” mà nhiều người lo lắng khi đặt vấn đề phát triển KTBĐ.“Tâm lý của nhiều người bán hàng ban đêm chỉ mong nhiều tiền, mong kiếm chác thêm. Vì vậy tôi cho rằng, nếu ở Việt Nam có chỗ phát triển du lịch mà được thế giới tin cậy nhất thì đó là Đà Nẵng; nếu ở Việt Nam có chỗ nào làm KTBĐ mà được tin cậy nhất thì đó là Đà Nẵng. Vì con người Đà Nẵng đàng hoàng, hầu như không có chuyện tranh thủ “vặt” khách để kiếm chác.
Nơi khác lừa được ai là mừng, khách đồng ý mua là người bán thấy mình khôn quá. Ở Đà Nẵng hầu như không như thế. Cho nên “mặt trái của đồng xu” tuy không thể không có, và đây cũng là “gia vị” của cuộc sống, nhưng Đà Nẵng làm được cái việc ngăn chặn những “gia vị” đó trở thành tệ nạn xã hội. Đây chính là nền tảng để tôi tin rằng Đà Nẵng sẽ làm được KTBĐ và làm thành công” – PGS.TS Trần Đình Thiên nói.
Dù vậy, ông vẫn đặt lại câu hỏi: “Đà Nẵng đã có KTBĐ chưa?”. Ông tán đồng ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh, rằng Đà Nẵng hiện đã có chân dung rất khác so với cách đây 20 năm. Hiện nay, đây là một chân dung tầm cỡ quốc tế. Tuy nhiên ông chỉ rõ: “Người ta vẫn nói Đà Nẵng mới chỉ đáng sống ban ngày chứ chưa phải đáng sống ban đêm như Pattaya chẳng hạn!” – PGS.TS Trần Đình Thiên nói.
Ông xác định, Đà Nẵng cơ bản chưa có KTBĐ mà chỉ mới có một số hoạt động về đêm đến 10 - 11h, có vài chỗ đến 12h, cùng lắm đến 2h phải đóng cửa. Như thế nghĩa là chưa có KTBĐ; đồng nghĩa đây là một điểm yếu, nhưng đồng thời đây cũng là điểm mạnh vì có dư địa để phát triển. Đây là cơ hội cho người nào muốn đi trước, phát triển du lịch đêm.
“Đà Nẵng ban đêm đẹp thế nhưng chỉ toàn là đèn chứ không có người. Năng lực thức đêm kém quá. Ban đêm, người ta mới dễ bị mê hoặc, dễ bị cám dỗ và dễ… tiêu tiền hơn. Phố cổ Hà Nội sôi sục về đêm nhưng thực ra cũng chỉ có vài đoan phố chừng 500m, chủ yếu ăn, ăn xong về ngủ chứ có gì khác đâu, nghĩa là không có gì quá hãnh diện, vẫn tụt hậu, thu nhập chưa nhiều” – PGS.TS Trần Đình Thiên nói.
Tại sao ở Việt Nam khó phát triển kinh tế ban đêm?
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, PGS.TS Trần Đình Thiên đưa ra so sánh để thấy tại Việt Nam, doanh thu du lịch và mức chi tiêu của du khách thấp có nguyên nhân từ khoảng trống khai thác các dịch vụ sau 12h đêm: “Năm 2017, Việt Nam thu 8,3 tỷ USD từ khách quốc tế, nhưng số này ở Indonesia là 12,6 tỷ USD, Singapore 18,4 tỷ USD, Thái Lan 52,5 tỷ USD. Cùng khoảng thời gian lưu lại hơn 9 ngày nhưng khách quốc tế chi tiêu ở Việt Nam chỉ 96 USD/ngày, trong khi chi tiêu ở Thái Lan 163 USD/ngày”.
Một trong những nguyên nhân quan trọng là KTBĐ của Thái Lan đang bỏ xa Việt Nam. Bangkok được ví là “TP không bao giờ ngơi nghỉ” vì các hoạt động vui chơi giải trí diễn ra suốt ngày đêm. Theo Master Card (2018), Bangkok tiếp tục dẫn đầu danh sách những TP có lượng khách du lịch hàng năm lớn nhất thế giới. Trung bình, du khách đến Bangkok có thời gian lưu trú là 4,7 đêm và chi tiêu mỗi ngày khoảng 173 USD.
“Bảng so sánh trên cho thấy với cùng khoảng thời gian lưu lại tại Thái Lan và Việt Nam nhưng ở Việt Nam số tiền mà khách chi tiêu chỉ hơn một nửa so với chi tiêu ở Thái Lan. Thật ra ở Thái Lan, du khách chi tiêu chủ yếu vào ban đêm, mà vào ban đêm thì chi tiêu không mặc cả, nên thu nhập của du lịch Thái Lan cứ thế tự nhiên mà nhiều lên.
Chúng ta phải khôn lên một tí, phải làm sao để khách có cơ hội trả tiền vào ban đêm và sung sướng khi trả tiền vào ban đêm. Trả tiền ban ngày có rẻ mấy thì người ta cũng càm thấy bị mất tiền, ngược lại trả tiền ban đêm thì thấy sướng chứ không cảm thấy mất!” – PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết thêm.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Công viên Châu Á (Asia Park) có thể trở thành một down town khởi xướng và dẫn dắt phát triển KTBĐ ở Đà Nẵng.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, trong khi KTBĐ ở Việt Nam còn nghèo nàn thì quy định không hoạt động quá 12h đêm và nhiều điều kiện giới hạn khác khiến KTBĐ càng khó phát triển. Luật cấm hoạt động từ 12h đêm thì các địa phương có muốn cũng chưa làm được vì chưa có quyền chủ động. Do đó, Trung ương cầm mở thoáng hơn và cho địa phương quyền chủ động hơn.Bên cạnh đó, Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng còn thiếu các doanh nghiệp đủ năng lực thúc đẩy phát triển KTBĐ. Đặc biệt, hiện nay các đô thị rất thiếu không gian cho KTBĐ, hoặc có nhưng còn nhỏ lẻ, không có những down town quy mô như ở Las Vegas, Dubai. Vì vậy cần có địa bàn đủ lớn, vài trăm ha, thậm chí dành cả “khu công nghiệp” để làm hẳn khu KTBĐ, biểu diễn nghệ thuật, ăn nhậu, mua sắm…
Trung ương đã nhìn ra các nhu cầu thực tiễn về phát triển kinh tế ban đêm
Đặc biệt, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, hiện Thủ tướng Chính phủ đã phát động thúc đẩy phát triển KTBĐ. Là thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, ông thấy Trung ương đã nhìn ra các nhu cầu thực tiễn về phát triển KTBĐ, nhưng cần có chủ trương rõ ràng hơn.
“Ví dụ như chủ trương “phát triển KTBĐ như là một phần của chiến lược phát triển kinh tế xã hội” chẳng hạn. Việc này phải được định nghĩa để định hình một cơ chế, một hệ thống pháp luật. Bởi vậy đầu tiên phải là nhận thức của lãnh đạo, không chỉ lãnh đạo Đà Nẵng, mà còn của cả Trung ương!” – PGS.TS Trần Đình Thiên nói.
Ông cũng nhấn mạnh đến vai trò có tính tiên phong, quyết định của truyền thông và đề nghị Đà Nẵng phải chủ động truyền thông về KTBĐ mạnh hơn, có hệ thống và bài bản hơn. Qua đó làm cho người dân hiểu rõ quyết tâm cũng như những lợi thế và điểm yếu của Đà Nẵng trong phát triển KTBĐ. “Thuyết phục người dân thức đêm không phải dễ. Hiểu được lợi thế và điểm yếu của KTBĐ để tạo đồng thuận trong xã hội là rất quan trọng. Chúng ta phải chuẩn bị được việc đó” – PGS.TS Trần Đình Thiên nói.
Theo ông, phát triển KTBĐ chính là cơ hội để Đà Nẵng “thoát nguy Covid-19 và bứt phá”, với cơ sở quan trọng là chính Thủ tướng Chính phủ đã đề xuất “Chương trình KTBĐ” và chỉ đạo TP Đà Nẵng nghiên cứu đưa ra những giải pháp phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Để tận dụng thời cơ này, Đà Nẵng cần khẩn trương xây dựng chương trình, chiến lược phát triển KTBĐ một cách bài bản và tổng thể chứ không phải làm đến đâu hay đến đấy.
PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh: “Tất nhiên một vài điểm hoạt động KTBĐ đang làm thì vẫn tiếp tục và đẩy mạnh lên. Nhưng để có khái niệm về một đô thị sống về đêm, một nền KTBĐ thì có lẽ Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng phải đứng ra “cầm cái”. Tôi nghĩ đây phải là một trong những nội dung ưu tiên. Nếu trong văn kiện Đại hội Đảng bộ TP sắp tới mà đưa được nội dung này vào chiến lược phát triển KT-XH của TP thì sẽ chính thống hơn rất nhiều!”.
Bên cạnh đó, ông cho rằng các sản phẩm dịch vụ phục vụ KTBĐ là các loại hình rất khác nên cần phải chuẩn bị tốt. Các hiệp hội du lịch, công ty du lịch phải phát triển các loại hình đó thành các chuỗi. Ban đầu có thể các chuỗi này còn ngắn nhưng phải có rồi nâng dần lên, chứ nếu khách thấy chỉ có một hoạt động thì người ta sẽ về ngay. Ít nhất phải có mấy đơn vị cùng hợp tác để rủi ro ít đi và sức hấp dẫn tăng lên. Khái niệm “chuỗi ban đêm” là cực kỳ quan trọng!
Thứ hai, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, là yêu cầu về các điều kiện bảo đảm, trong đó đặc biệt là hạ tầng và khung pháp lý để bảo vệ cho người dân, các nhà đầu tư và những người tham gia vào KTBĐ. Theo ông, nếu Đà Nẵng có những doanh nghiệp tầm cỡ làm người “cầm cái” tốt, khởi xướng và cùng với TP phát triển KTBĐ thì cuộc chơi sẽ rất vất vả và giai đoạn đầu sẽ dễ có nhiều “chiến sĩ” hy sinh.
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, Công viên Châu Á - Asia Park có thể khởi động ngay KTBĐ. Có thể lấy đó làm tọa độ cho một downtown (khu vực kinh doanh) tầm cỡ. Đà Nẵng mà có một down town nữa thì quá tuyệt vời, đó là chỗ “ăn to” của TP. Cảng là của quốc gia, nhưng down town là của TP. TP hưởng nguồn thu từ đó, người dân TP đều được hưởng từ du lịch dịch vụ ở đó. Và từ đây sẽ góp phần cùng các khu phố đêm dọc biển, dọc sông Hàn tiếp tục phát triển KTBĐ.
“Tôi nghĩ rằng với quyết tâm hiện nay đang lan tỏa không chỉ từ dưới lên mà còn từ trên xuống, mà lại đúng cơ hội chúng ta phải tự cứu khỏi cơn khủng hoảng Covid-19 bằng những giải pháp khác thường, thì KTBĐ chính là một sáng kiến thực tiễn rất tuyệt vời chứ không còn là lý thuyết. Tôi mong Đà Nẵng là nơi đi đầu trong việc đó và nếu Đà Nẵng đi đầu việc này thì tôi nghĩ Đà Nẵng sẽ cất cánh trở lại, đi đầu trong trò chơi khu vực!” – PGS.TS Trần Đình Thiên nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo