Thị trường

Phát triển các mô hình OCOP, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp

Chủ động, sáng tạo trong triển khai các mô hình, việc làm, nhiều hội viên phụ nữ Hà Tĩnh tự tin, mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Họ đã trở thành điển hình trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội địa phương.

Bộ Công Thương lấy ý kiến về nhập khẩu gạo, lá thuốc lá khô / Vượt 30.000 USD, đồng Bitcoin cao nhất trong 2 tháng

Chú thích ảnh
Giới thiệu sản phẩm OCOP 3 sao dầu lạc Anh Thơ của chị Lê Thị Anh Thơ tại xã Hòa Lạc (Đức Thọ, Hà Tĩnh).

Trăn trở về việc tiêu thụ nông sản cho bà con quê hương, năm 2013, vợ chồng chị Lê Thị Anh Thơ (thôn Đồng Lạc, xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) khởi nghiệp với một xưởng ép dầu lạc nhỏ tại địa phương. Hướng đi mới được mở ra khi năm 2021, cơ sở của gia đình chị tham gia chương trình OCOP và đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Chị Lê Thị Anh Thơ chia sẻ, huyện Đức Thọ nổi tiếng với các loại nông sản, nhất là lạc có hương vị thơm ngon đặc biệt. Trước đây, việc tiêu thụ của người nông dân phụ thuộc vào thương lái. Từ mong muốn giải quyết đầu ra sản phẩm nông sản sạch, thương hiệu dầu lạc Anh Thơ đã ra đời.

Được sự quan tâm, trang bị kiến thức, hỗ trợ vốn từ các cấp Hội như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, chị Thơ mạnh dạn đầu tư máy móc, nhà xưởng, khu trưng bày sản phẩm với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Nhờ đáp ứng được tiêu chí sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe, sản phẩm dầu lạc Anh Thơ đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Đến nay, mỗi năm, Cơ sở sản xuất và kinh doanh dầu lạc Anh Thơ đã tiêu thụ gần 60 tấn lạc cho người nông dân trong, ngoài địa bàn; sản xuất, tiêu thụ hơn 18.000 lít dầu lạc cho thị trường trong tỉnh và các địa phương khác như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương… Cơ sở còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục hội viên phụ nữ trên địa bàn.

Tại huyện miền núi Hương Sơn, phong trào khởi nghiệp của hội viên phụ nữ từ phát triển các mô hình OCOP đã tạo động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chị Nguyễn Thu Hiền (xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn) là cán bộ Hội Phụ nữ đồng thời là chủ Cơ sở sản xuất, kinh doanh nhung hươu Hiền Ngọc. Chị Hiền cho biết, với mong muốn phát huy thế mạnh chăn nuôi hươu truyền thống của địa phương, chị mạnh dạn đầu tư các loại máy móc, công nghệ vào chế biến nhung hươu như: máy sấy, máy cắt, máy xay, hút chân không, hàn miệng túi, hệ thống tủ mát…

Cơ sở của chị Hiền đã có 4 sản phẩm từ nhung hươu đạt tiêu chuẩn OCOP gồm: Rượu nhung hươu, nhung hươu tươi, nhung hươu khô thái lát và nhung hươu khô tán bột. Nhờ khép kín quy trình sản xuất từ chăn nuôi an toàn đến chế biến, bảo quản, năm 2022, cơ sở của chị Hiền đã thu mua cho hộ dân trên địa bàn trên 2 tấn nhung hươu tươi để sản xuất và chế biến các loại sản phẩm cung ứng ra thị trường trong nước và mở rộng tiêu thụ sang Lào, Thái Lan…

 

Chú thích ảnh
Đóng gói sản phẩm OCOP tỉnh Hà Tĩnh.

Ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết, hơn 50% chủ các mô hình OCOP trên địa bàn là nữ. Nhiều mô hình khởi nghiệp của chị em với các sản phẩm OCOP đã phát huy được tài nguyên bản địa như: nem chua Ý Bình của chị Lê Thị Bình ở thị trấn Phố Châu, nhung hươu Hiền Ngọc của chị Nguyễn Thu Hiền ở xã Sơn Giang,…

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các cấp Hội Phụ nữ Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ chị em khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã; hỗ trợ phụ nữ xây dựng ý tưởng sản xuất, kinh doanh, tiếp cận chính sách, nguồn lực và tư vấn xây dựng, đăng kí thương hiệu nhãn mác...

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Lệ Hà cho biết, các cấp Hội đã tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong việc quảng bá, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản của địa phương thông qua các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội. Hội Phụ nữ các cấp đã tổ chức các sân chơi, cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp sáng tạo đến đông đảo các tầng lớp phụ nữ, phát hiện, tôn vinh những gương điển hình trong phát triển kinh tế, khởi nghiệp... Đến nay, các cấp Hội đã hỗ trợ thành lập 310 tổ hợp tác, 81 hợp tác xã, gần 5.000 mô hình kinh tế cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; hỗ trợ 144 sản phẩm do phụ nữ làm chủ đạt OCOP 3 sao và có 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm