Phát triển cụm liên kết ngành: Cần xây dựng khuôn khổ pháp lý thế nào?
Lãi suất tiết kiệm ồ ạt tăng / Xuất khẩu tăng, người nuôi cá tra vẫn thua lỗ
Dịch COVID-19 đang định hình lại chuỗi cung ứng và xu hướng đầu tư trên toàn cầu, đặc biệt là cách nhìn nhận của nhà đầu tư đối với các đối tác địa điểm đầu tư. Theo khảo sát của Công ty kiểm toán toàn cầu PwC, lập sơ đồ và phân tích chuỗi cung ứng là ưu tiên hàng đầu lúc này.
Trong đó hơn một nửa số doanh nghiệp nhà đầu tư được khảo sát đang phat triển tìm nguồn cung thay thế, đa dạng hoá quy trình lắp ráp và đặc biệt là tính liên kết chặt chẽ trong cung ứng theo ngành.
Như vậy với bài toán không mới đó là chuỗi liên kết, cụm liên kết ngành công nghiệp, nghĩa là phát triển công nghiệp không chỉ gói gọn là 1 khu vực, cụm công nghiệp, ngành mà là một bài toán tổng thể chuỗi đầu cuối cung cầu, đào tạo lao động và tiêu thụ.
Vì vậy, hoàn thiện khung pháp lý cho các chính sách phát triển cụm liên kết ngành là một trong những nội dung chính trong Dự thảo Luật phát triển công nghiệp đang trong quá trình xây dựng. Vậy cần xây dựng khuôn khổ pháp lý như thế nào để hình thành cụm liên kết ngành bền vững?
Cụm liên kết ngành - những vấn đề đặt ra
Có một thực tế trước đây các khu công nghiệp phát triển tràn lan, thiếu quy hoạch. Trong khi đó, các cụm liên kết ngành hình thành tự phát, chủ yếu là phụ thuộc vào nhu cầu của ngành có thể dài hạn hoặc trong ngắn hạn, đặc biệt có rất ít liên kết giữa các doanh nghiệp trong cụm với các doanh nghiệp và chủ thể kinh tế khác bên ngoài cụm.
Ví dụ trong ngành công nghiệp ô tô có 20 doanh nghiệp lắp ráp ô tô lớn đang hoạt động, chỉ có 81 nhà cung cấp cấp 1 và 145 nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3. Trong khi đó, Thái Lan chỉ có 16 nhà lắp ráp ô tô lớn nhưng quốc gia này có tới 690 nhà cung cấp cấp 1 và 1.700 nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3.
Như vậy, sức cạnh tranh hoặc khả năng thích ứng sản xuất, cung ứng ngành ô tô tại Việt Nam với biến động bên ngoài sẽ yếu hơn.
Nhiều cụm liên kết hình thành tự phát, có rất ít liên kết giữa các doanh nghiệp, các ngành, vùng công nghiệp để tạo ra chuỗi giá trị bền vững. Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN.
Tập trung nhiều doanh nghiệp vốn FDI, Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long liên kết các doanh nghiệp lắp ráp cơ điện tử lớn đến từ Nhật Bản như Canon, Panasonic với các doanh nghiệp cung cấp phụ tùng linh kiện cũng đến từ Nhật Bản… và được đánh giá là cụm liên kết ngành cơ điện tử bao gồm cả lắp ráp và sản xuất phụ tùng linh kiện rất thành công của Hà Nội.
Tương tự Làng lụa Hà Đông, Dệt La Phù, Cán thép Đa Hội, chế biến gỗ xuất khẩu ở Bình Định… là những làng nghề hiện đang hoạt động theo mô hình cụm liên kết ngành. Mô hình này đã phát huy tốt lợi thế của địa phương. Tuy nhiên, cũng đặt ra nhiều vấn đề.
"Nó vẫn khá rời rạc và bà con làng nghề như mây tre đan, làng nghề thêu, hay làng nghề gốm…đều có hiệp hội nhưng vẫn chưa hoạt động hiệu quả, vẫn như kiểu mạnh ai người nấy làm", bà Trương Thị Thu Thủy - Doanh nghiệp xã hội Chie - Dù Pù Dù Pà nhận định.
Từ quá trình đi giám sát, đại biểu Quốc hội cho biết các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở trong nước chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI. Việc tăng cường liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu hơn và có hiệu quả hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu vẫn còn là khâu yếu.
"Trong các cụm liên kết ngành tính liên kết còn rất lỏng lẻo đó là sự liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, trong khu công nghiệp và ngoài khu doanh nghiệp. Liên kết giữa các doanh nghiệp với các cơ quan nghiên cứu, của các thiết chế khác trong nền kinh tế đang còn rất hạn chế", ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy Ban Pháp luật của Quốc hội cho hay.
Ông Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội nói: "Đã có những mô hình các chuỗi liên kết thành công như là khu công nghiệp Bắc Thăng Long nhưng đó chỉ là cái chuỗi liên kết, cụm liên kết ngành của chính các FDI, mà không có mặt của các doanh nghiệp nội địa. Cho nên là sản lượng công nghiệp của Việt Nam tăng lên, xuất khẩu của Việt Nam tăng lên nhưng cái giá trị gia tăng đạt được không nhiều".
Hoàn thiện chính sách về phát triển công nghiệp
Các chuyên gia cho rằng dự thảo Luật Công nghiệp cần đưa ra quy định khung chính sách về phát triển cụm liên kết ngành trong đó chú trọng đến việc thu hút đầu tư, phải dựa vào lợi thế so sánh vùng, tính đến việc liên kết vùng và có các giải pháp tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo…
"Luật này đáng lý ra phải ra từ lâu rồi. Trong nghị quyết của Đảng chúng ta phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại nhưng đến bây giờ tôi cho rằng việc xây dựng luật này cũng hơi chậm và cần thiết phải xây dựng, càng sớm càng tốt", ông Tạ Văn Hạ - đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu bày tỏ.
Ông Nguyễn Quang Huân - đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho biết: "Tôi thấy nếu luật này ra đời được cũng rất tốt, bởi vừa qua Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về cơ cấu nền kinh tế có đưa ra một vấn đề là chúng ta phải dựa vào các khu công nghiệp để tạo thành đầu tàu liên kết vùng".
Việc gắn kết phát triển các khu, cụm công nghiệp thành các cụm liên kết ngành nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản xuất và tính cạnh tranh của công nghiệp chế biến chế tạo. Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí.
"Cộng đồng nghiệp cũng rất mong muốn là có những quy định rõ ràng hơn trong luật, để làm sao mà mình tận dụng thế mạnh các vùng miền với nhau, thế mạnh giữa các ngành công nghiệp với nhau để giúp doanh của doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu rộng hơn trong chuỗi phát triển về linh kiện sản xuất của thế giới", ông Đặng Thanh Bình - Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Chí Cường cho hay.
Ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Hiệp Hội Công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội bày tỏ: "Xây dựng được một luật, chính sách, tôi đề nghị là phải đi thẳng vào các điều kiện cần và đủ của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và cũng hướng tới các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của các quốc gia đang phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc để làm sao mời được họ tham gia đầu tư tại các cụm liên kết ngành, các khu công nghiệp chuyên sâu của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam".
Phát triển các cụm liên kết ngành khó có thể làm đại trà trong điều kiện tiềm lực kinh tế có hạn như Việt Nam. Vậy lợi thế trước mắt mà có thể hỗ trợ hình thành các cụm liên kết ngành tại Việt Nam là gì? Vai trò của nhà nước để hỗ trợ hình thành các cụm liên kết công nghiệp ra sao? Khung khổ pháp lý cho việc hình thành cụm liên kết ngành trong thời gian tới sẽ như thế nào?
Xung quanh các vấn đề trên, chương trình Sự kiện và Bình luận với sự tham gia trao đổi của ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và ông Koen Soenens - Giám đốc Kinh doanh và Marketing, Khu công nghiệp DEEP C đã có những bình luận, phan tích chi tiết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hai thách thức lớn doanh nghiệp phải đối mặt khi bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu
Giá vàng thế giới tăng nhẹ trước thềm cuộc bầu cử Mỹ
Giá ngoại tệ ngày 5/11/2024: Đồng USD giảm giá trước bầu cử Tổng thống Mỹ
Doanh nghiệp Việt cung cấp giải pháp số sáng tạo tại thị trường Trung Đông
Các giải pháp bình ổn giá tiêu dùng những tháng cuối năm
Giá nông sản ngày 5/11/2024: Cà phê tiếp tục giảm, hồ tiêu giữ giá